Họa sĩ Nguyễn Minh Mỹ.
Cuốn “album” của bà Mỹ
Nhà bà Minh Mỹ ở trong hẻm phố Nguyễn Cao. Lối vào là một đường hầm vừa tối vừa bé, mà nhất định phải ngồi trên xe mới chui lọt, muốn lịch sự tắt máy dắt xe cũng không được.
Tôi quen bà khoảng hai chục năm trước, lúc ấy bà còn khỏe, hàng tuần đều bắt xe ôm đi từ thiện. Hôm nào đẹp giời, bà rủ: đi nhảy đầm! Người phụ nữ từng cao 1m63, giai nhân Kinh Bắc một thời, nhảy không chuyên nhưng từng chuyển động đều uyển chuyển. Người ấy khi không đi xa được nữa, mỗi tuần đôi ngày đều cố gắng đi xe ôm ra Bờ Hồ cho “khỏi cớm nắng”. Khách nước ngoài bắt chuyện, bà nói với họ bằng tiếng Pháp. Thi thoảng, bà làm thơ tiếng Pháp. Để chống lại alzheimer, bà bảo thế!
Bà Mỹ làm từ thiện từ rất sớm, mấy chục năm trước, khi bà bắt đầu vẽ và bán được tranh. Bà vào nghề muộn, 32 tuổi, làm mẹ năm đứa con, đứa nhỏ nhất mới lên hai mới đi học vẽ. Nhưng chưa tốt nghiệp, tranh của bà đã được đem triển lãm ở khối các nước XHCN. Từ đó, bà chuyên tâm vẽ lụa. Tranh bán đều. Tiền từ thiện bà đều trích từ tiền bán tranh.
Đầu những năm 90, bà đã nhận được thư cảm ơn của nhà văn Phùng Gia Lộc khi đó đang bệnh trọng. Từ đó đến nay, xấp thư cảm ơn và chồng sổ biên lai từ thiện được bà giữ cẩn thận như người ta giữ album gia đình.
Bản thân bà không giàu có. Nhiều trường hợp từng được bà gửi tiền giúp đỡ, ra Hà Nội tìm đến thăm đã cực kỳ băn khoăn vì thấy căn gác xép tuềnh toàng của bà lọt trong hẻm chợ Nguyễn Cao. Muốn giúp được nhiều người hơn, bà kêu gọi bạn bè, người thân ở nước ngoài gửi tiền về. Gặp một trường hợp thương tâm, bà gọi điện, hoặc đến tận nơi xác minh, rồi gửi tiền giúp đỡ. Thư xác nhận, biên lai chuyển tiền, bà đều lưu lại, sau đó cho phong bì gửi qua những người đưa tiền, không bao giờ thiếu hụt một xu. Người quen của bà rất quen với trường hợp: ai đó khoe một thứ đồ, một vụ tiêu pha xa xỉ, bà Mỹ liền sẽ nhắc: sao không đem tiền làm từ thiện?
Căn phòng riêng
Thế giới hiện tại của bà Mỹ thu gọn trong căn phòng hơn 10 mét vuông. Ở đó bà đặt giá vẽ không chân, vì bây giờ bà chỉ có thể ngồi vẽ, đứng một lúc là run tay. Máy khâu đặt bên khung cửa sổ. Và que đan lúc nào cũng thường trực bên gối. Không có lương hưu, hàng tháng bà Mỹ vẫn trích từ tiền tiết kiệm và tiền bán tranh túc tắc để mua len, mua vải. Bà đan quanh năm, chủ yếu là áo, khăn, mũ, tất len cho trẻ con. Được một xấp, bà sẽ gọi điện cho người của chùa Linh Sơn đến lấy. Bà bảo giờ già rồi, không tự đi được nữa nên phải nhờ các tổ chức từ thiện khác phát quà hộ. Sở dĩ bà thích chùa Linh Sơn vì ở đây không có tượng to, chuông to, nhưng làm từ thiện vô cùng đều. Năm nào cũng có hai chuyến camion (xe tải) chở cả bác sĩ, thuốc men và đồ đạc lên miền núi.
Dạo này, bà thích làm chăn thủ công theo kiểu người Nhật. Bà đi xin vải vụn (hoặc mua) về, cắt, ghép, phối màu thành những cái chăn cỡ nhỏ cho trẻ em. Những cái chăn ấy trông như một bức tranh ngộ nghĩnh. Nhiều người đến nhà chơi, thích chăn đòi mua. Vậy là bà may chăn to, bán với giá của một tác phẩm nghệ thuật cho người ta mang làm quà ở Nhật. Chăn bà may đến đâu bán hết đến đó. Tiền bán chăn bà lại dành để làm từ thiện.
Con trai bà, đạo diễn phim hoạt hình Phạm Minh Trí đã ghi hình “một ngày của mẹ tôi”: không đan len bà may vá, không may vá, bà vẽ, không vẽ, bà đọc. Sự cần mẫn của một người già hơn 90 tuổi khiến cả thanh niên cũng ngại ngùng.
Căn phòng riêng của bà Mỹ giống khuê phòng của một con nhà tư sản hơn là phòng của một người già. Mùa nào hoa nấy và tuyệt không có đồ đạc thừa. Ngay cả những bộ quần áo đẹp bà cũng tìm cách cho người ta vì “ít ra ngoài, có mặc đến đâu mà giữ”. Có những ngày không đi đến đâu bà vẫn giữ thói quen trang điểm nhẹ. Quan tâm đến thời trang như là thiên tính. Và không muốn làm phiền đến con cái nếu như còn có thể “tự” được.
Tường phòng bà không dày tranh, vì tranh bà cứ vẽ ra là có người mua. Một số bức được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Phương Đông (Liên Xô cũ), Dresden (Đức), bảo tàng Mỹ thuật Ba Lan… cũng chỉ được bà chụp lại, lưu trong góc tủ làm kỷ niệm.
Bà Mỹ soạn áo len chuẩn bị cho người của tổ chức từ thiện đến lấy.
Giai nhân một thời
Bà Minh Mỹ sinh trưởng trong một gia đình viên chức khá giả. Thời trẻ, gia đình có giúp việc, vú em, mấy chị em không phải vất vả gì. Ngoài việc học ở trường Pháp, ở nhà Minh Mỹ chỉ học nữ công gia chánh làm vui. Bà đùa, để “lấy le” với những người đến xem mắt, mẹ bà bảo con tỉa hoa bằng đu đủ để bày. Nhưng không phải tỉa hoa hồng như bình thường, cô Mỹ phải tỉa thành hoa mẫu đơn, từng cánh li ti, mất nguyên nửa ngày.
Khi đó bà đẹp nức tiếng, đi học về hôm nào “cây si” cũng đi theo thành hàng. Bị người Nhật nhòm ngó, mẹ bà phải gả gấp con gái cho một công chức bình thường. Cuộc sống tiểu thư chấm dứt, bà phải làm rất nhiều việc để kiếm sống: vẽ tranh bờ hồ, đan len, may thuê, làm búp bê… việc nào cũng cần tỉ mỉ, tinh tế.
Bà Mỹ nuôi con vất vả. Con trai cả, NSND Phạm Minh Trí từng suýt chết vì ho gà lúc sơ sinh. Bác sĩ đã trả về bảo ở nhà lo hậu sự. Bà Mỹ kiên trì suốt sáu tháng, cứ ngày ngày nhỏ từng giọt sữa cho con, nhỏ nhiều sẽ bị sặc, tím tái không thở được. Sáu tháng gần như không ngủ nghỉ, bà cứu được con. Năm người con, không ai là không từng qua những lần thập tử nhất sinh.
Hiện tại bà Minh Mỹ sống cùng con trai cả, vợ chồng NSND Minh Trí – Phương Hoa, những người nổi tiếng trong giới làm phim hoạt hình. Các con gái của bà cũng đều theo nghề vẽ.
Còn hơn cho tôi 1 tỷ!
Mắt kém nhưng họa sĩ Minh Mỹ vẫn duy trì thói quen đọc hàng ngày. Bà bảo, thói quen này thế mà có phen đã cứu bà.
Lần ấy, đau ruột thừa, chỉ tưởng là đau thường, may vừa đọc trên báo hôm trước, bà một mình đi viện. Bác sĩ bảo, vào muộn nó vỡ ra là rầy rà. Vân vân những lần đau khớp, đau răng, ốm vặt khác, cũng nhờ các kiến thức trên báo, bà tự chữa cho mình. Khỏi, bà lại đi phổ biến cho người khác. Không khỏi, bà bảo: cách ấy có vấn đề đấy nhé, lần sau đừng thử!
Những truyện ngắn của các tác giả mới, đôi khi là cảm hứng để bà vẽ. Gần đây, một nhân vật lịch sử được nhà văn Trần Thùy Mai tái hiện, bà Mỹ rất thích. Bà hỏi đi hỏi lại, có thể liên lạc với cô Mai không, bà xin thêm tư liệu để vẽ về nhân vật này.
Bà Mỹ không nhớ hết những trường hợp bà từng giúp, nhưng một vài người, bà vẫn giữ liên lạc. Như trường hợp lái tàu Trương Xuân Thức từng xả thân cứu hơn 300 hành khách gần mười năm trước. Đến nay, thỉnh thoảng gia đình ông Thức vẫn gọi điện cho bà hỏi thăm tình hình sức khỏe. Hay có lần, đi từ thiện ở một ngôi chùa, có cậu thanh niên chạy ra chào kể: ngày xưa cháu bé bằng chừng này, bà giúp cháu. Giờ cháu đi làm rồi, cháu lại giúp những đứa bé hơn! Bà bảo, cứ gặp được những chuyện thế là vui rồi, còn hơn cho bà một tỷ!