Ảnh minh họa.
1. Chỉ bôi kem chống nắng cho da mặt
Bôi kem chống nắng cho da mặt thôi chưa đủ, vùng da cổ chúng ta là nơi thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và cũng rất nhanh bị lão hóa, nhưng chúng ta lại thường xuyên không sử dụng kem chống nắng để bảo vệ vùng da này. Hoặc nếu có, chỉ thoa kem khi kem chống nắng cho mặt còn dư thì bôi cho phần da cổ mà không biết rằng diện tích da cổ cũng tương đương với diện tích da mặt và nó cần một lượng kem chống nắng tương đương.
Đặc biệt là đối với phụ nữ có tuổi, vùng da cổ bị chảy xệ rất nhanh, sau đôi mắt thì cổ và da tay nơi bộc lộ lão hóa rõ ràng nhất của người phụ nữ. Vì vậy, đừng quên bỏ qua việc bảo vệ vùng da cổ và giữ cho mặt và cổ luôn được đồng màu và không bị lão hóa nhanh nhé!
Ngoài ra, vùng da môi rất nhạy cảm và dễ bắt nắng do đó cũng rất cần được bảo vệ trước tia cực tím. Một số người môi hay bị bong tróc và thâm xỉn thường nghĩ rằng do lượng chì trong son hoặc do môi bị thiếu nước nhưng thực chất đó còn do tia UV gây ra. Vì vậy, việc sử dụng son dưỡng có thành phần chống nắng là hết sức cần thiết.
2. Không cần bôi kem chống nắng khi ở nhà
Có hơn 70% dân số Việt Nam có suy nghĩ rằng nếu ở trong nhà thì chẳng việc gì phải sử dụng kem chống nắng. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng tia UV trong ánh nắng mặt trời có thể xuyên qua kính, xuyên qua quần áo, … và chiếu vào làn da của bạn ngay cả khi bạn đang ở trong nhà.
Nếu duy trì thói quen như thế thì chỉ sau một thời gian ngắn thôi da bạn sẽ xuất hiện những đốm tàn nhang, nếp nhăn, nám… Đây là lý do mà có rất nhiều người ở trong nhà suốt mà da vẫn không được cải thiện. Do đó, bất kỳ lúc nào kể cả ra ngoài đường, hay an nhàn trong nhà thì bạn cũng đừng quên bôi kem chống nắng nhé!
Ngoài ra, bạn đừng nghĩ rằng ngồi trong văn phòng hay ô tô mà chủ quan không bôi kem. Cửa kính ô tô, cửa sổ chỉ có thể chặn được tia UVB nhưng không chặn được tia UVA. Nếu bạn không được bảo vệ bằng các tấm rèm chống tia cực tím, ôtô có màn chắn UV, hãy nhớ bôi kem chống nắng để bảo vệ da hiệu quả.
3. Chỉ sử dụng kem chống nắng khi trời nắng
Theo Học viện Da liễu mỹ, loại mỹ phẩm này giúp bạn bảo vệ da chống lại tia cực tím, trong khi đó 80% các tia UV vẫn xuất hiện dù trời râm mát hoặc mưa phùn. Do vậy, đừng để thời tiết ảnh hưởng đến việc bạn sử dụng kem chống nắng như thế nào.
4. Lựa chọn kem chống nắng có chỉ số SPF quá cao hoặc quá thấp
Nhiều loại kem chống nắng có chỉ số SPF là 8, nhưng nó không đủ để bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV. Viện Ung thư da Mỹ khuyến cáo bạn nên lựa chọn chỉ số SPF ít nhất là 15. Tuy nhiên, chỉ số cao cũng không có nghĩa là tốt hơn nhiều. Chẳng hạn, SPF 30 có thể chặn được 97% tia UV có hại, trong khi SPF 50 cũng chỉ nhiều hơn 1%.
5. Dùng chung kem chống nắng cho mặt và toàn thân
Da mặt của chúng ta là nơi rất nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn so với những vùng da của các bộ phận khác trên cơ thể. Loại kem chống nắng cho body thường rất nhiều dầu và dễ bị kích ứng nếu bôi lên da mặt thậm chí còn gây mụn cho da. Do đó với da mặt bạn nên có sản phẩm kem chống nắng dùng riêng để đảm bảo sự an toàn nhất cho da. Vì vậy, bạn không nên tiết kiệm và tiện lợi mà chỉ dùng chung một lọ kem chống nắng cho cả mặt và body.
6. Chỉ bôi kem chống nắng 1 lần trong ngày
Nếu cả ngày chỉ bôi một lần duy nhất nó chỉ bảo vệ bạn tối đa được 5 tiếng đầu và những giờ sau nó hoàn toàn mất tác dụng, làn da bạn sẽ không được bảo vệ và tia UV sẽ xâm nhập tàn phá sâu trong da.
Nghiêm trọng hơn, đối với những ngày bạn hoạt động ngoài trời quá lâu thì kem chống nắng chỉ có tác dụng tối đa 2 tiếng. Do đó, khi đi bơi, tắm biển, ở ngoài nắng quá lâu thì bạn nên bôi kem chống nắng cách 2 tiếng/ lần.
Bên cạnh đó, nên lựa chọn những sản phẩm chống nắng có nguồn gốc, thương hiệu rõ ràng và nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
7. Quá tin tưởng vào khả năng chống thấm nước của kem chống nắng
Đừng bao giờ nghĩ rằng nếu bạn dùng kem chống nắng có ghi dòng chữ waterproof hoặc water resistant thì bạn có thể tung tăng bơi lội dưới nước, đi ngoài trời nắng chang chang mặc mồ hôi ròng ròng bao lau cũng được nhé. Nếu kem có ghi “very water resistant”, bạn có tầm 80 phút bảo vệ trong điều kiện ra mồ hôi hoặc bơi lội.
Còn nếu chỉ là “water resistant” thì thời gian bảo vệ của nó chỉ tầm 40 phút sau khi đã làm ướt người mà thôi. Bạn sẽ luôn cần phải bôi lại kem chống nắng nếu bạn bị đổ quá nhiều mồ hôi hoặc sau khi bơi lội, bất chấp chỉ số SPF của nó là 50 hay đến 70 đi chăng nữa.
8. Bôi kem chống nắng trước dưỡng ẩm
Bản chất của kem chống nắng là "khóa" bề mặt da, vì thế bất cứ sản phẩm dưỡng da nào bôi lên lớp kem chống nắng cũng mất tác dụng. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn thoa kem chống nắng cuối cùng, nếu không, bạn có dùng bao nhiêu mỹ phẩm cũng công cốc. Thứ tự khi chăm sóc da mặt buổi sáng nên là rửa mặt, thoa nước hoa hồng, kem dưỡng và kem chống nắng.
9. Chỉ sử dụng các loại mỹ phẩm đã có sẵn thành phần kem chống nắng
Hãy nhớ lại lượng kem chống nắng mà mình cần sử dụng ở lưu ý trên. Bạn cần trung bình 14ml kem chống nắng cho toàn thân để đạt được mức SPF trên sản phẩm - nhưng bạn không thể bôi mỹ phẩm dưỡng da hay trang điểm với lượng lớn như thế.
Trang điểm hoặc dưỡng da với các sản phẩm chứa SPF rất hữu ích nhưng nó không đủ mạnh để bảo vệ làn da bạn. Tốt hơn cả, bạn nên sử dụng kết hợp chúng với các loại kem chống nắng để đạt được hiệu quả tối ưu.