Nhuộm váy bằng chất độc, đi giày cao đến 75cm đều đã từng được coi là những quy chuẩn làm đẹp thời thượng trong quá khứ.
1. Giày chopine – thế kỷ 15-17
Giày chopine là vật dùng kỳ quái xuất hiện nhiều tại Venice, Italy vào thế kỷ 16. Đi giày chopine thể hiện sự sang trọng và giàu có của người phụ nữ. Đây cũng là loại giày biến thể từ đôi giày dùng để bó chân ở Trung Quốc.
Giày chopine có đế bằng gỗ, cao khoảng 15cm, có trường hợp lên đến 75cm. Đôi giày khiến phụ nữ cao bất thường. Nhiều người cần có người giúp việc đi kèm để đỡ. Sau khi nhiều phụ nữ sảy thai khi ngã vì đi giày chopine, chính quyền đã cấm lưu hành giày này.
2. Mặt nạ bảo vệ lớp trang điểm
Năm 1939, chiếc mặt nạ đặc biệt này được sử dụng trong những ngày bão tuyết, 1 phần để gương mặt ít bị lạnh, 1 phần để bảo vệ lớp trang điểm của phụ nữ
3. Máy tạo má lúm đồng tiền
Năm 1923, chiếc máy này đã được cấp bằng sáng chế. Về cơ bản nó bao gồm 1 sợi dây đính kèm các đinh vít được cố định vào đầu người sử dụng. Những chiếc đinh có nhiệm vụ ‘khoan’ má bạn và tạo thành lúm đồng tiền như mơ ước.
4. Làm trán cao
Những người phụ nữ thời Elizabeth được cho là đã cố ý nhổ tóc và nhổ sạch lông mi của họ để tạo ra một vầng trán cao, được coi là biểu tượng của tầng lớp quý tộc.
5. Dưỡng da bằng bột chì trắng
Thời nữ hàng Elizabeth, da trắng, nhợt nhạt là biểu tượng cho sự giàu có, quý phái. Thường chỉ những người phụ nữ không phải làm việc dưới trời nắng mới có làn da đó. Phụ nữ thời đó làm đủ mọi cách để da mình trông nhợt nhạt. Phấn Ceruse là một loạt hoạt chất được sử dụng nhiều. Thực chất đây là hỗn hợp của chì, giấm và rất nguy hiểm cho cơ thể. Ngoài ra, có người còn dùng lòng trắng trứng, phèn chua, tro hay thậm chí là phấn bụi và nước tiểu. Những hóa chất sẽ tạo ra một lớp mặt nạ trên khuôn mặt người dùng.
6. Thế kỷ 17 – nước Anh: Vẽ đường gân xanh lên người
Ở thời kỳ này, những phụ nữ ở tầng lớp quý tộc thường vẽ nổi các đường gân xanh lên cổ, ngực và vai để chứng minh sự cao quý của mình
7. Thời Nữ hoàng Victoria: Cắn môi
Nữ hoàng Victoria đã cấm sử dụng mỹ phẩm trong khoảng thời gian bà trị vì. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản phụ nữ làm đẹp. Thay vì dùng son, họ phải cắn môi và véo má để chúng ửng hồng lên.
8. Nhuộm váy bằng chất độc Asen
Vào thời Victoria, Carl Wilhelm Scheele đã phát minh là một loại thuốc nhuộm màu xanh lá cây và trở thành một vật dụng phổ biến. Trước khi phát minh của Scheele, gần như không có phương pháp nào để nhuộm xanh quần áo hay vẽ tranh có màu xanh lá. Cách duy nhất để có màu xanh lá là nhuộm xanh nhạt rồi sau đó nhuộm vàng.
Tuy nhiên, màu xanh của Scheele thực chất là hỗn hợp đồng và asen – một hoát chất cực độc, có thể gây chết người nếu ngấm vào da. Người nhiễm asen có thể bị kích ứng mắt, mũi và dạ dày. Sơn asen có thể gây chết cho người hít phải mùi. Ngay cả khi phát hiện ra sự nguy hiểm của hợp chất này, người ta vẫn không ngừng sử dụng nó.
9. Châu Âu – Thế kỷ 18: Gắn nốt ruồi giả
Vào thế kỉ 18, phụ nữ phương Tây thường chuộng phong cách trang điểm cầu kỳ với điểm nhấn là nốt ruồi. Thậm chí, họ còn sử dụng miếng dán nốt ruồi với đủ kích cỡ và hình dáng khác nhau.
Ban đầu, người ta chỉ sử dụng những miếng dán này như cách che đi vết sẹo trên cơ thể. Sau này, nốt ruồi trở thành trào lưu làm đẹp của rất nhiều chị em kéo dài đến tận đầu thế kì 19 mới biến mất dần.
Có 1 số quy ước ‘ngầm’ cho việc gắn nốt ruồi giả như: Một nốt ruồi ở môi trên cho thấy người phụ nữ đang độc thân và sẵn sàng cho việc hẹn hò. Nốt ruồi bên má phải cho thấy người phụ nữ đã kết hôn, còn bên má trái cho thấy đó là người đàn bà góa bụa.