9 khoảnh khắc thời trang đẹp nhất từ những bộ phim điện ảnh đình đám

Đường đua hạng mục "Thiết kế trang phục" cạnh tranh khốc liệt với sự góp mặt của loạt tên tuổi đình đám như "Mank", "Lovers Rock", Mulan",...

Đối diện với những khủng hoảng trầm trọng do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, các nhà làm phim vẫn nỗ lực mang tới những tác phẩm đầy tính nhân văn và đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả. Thậm chí, nhiều bộ phim cho thấy sự đầu tư công phu, đặc biệt ở yếu tố phục trang tinh tế, hoàng tráng.

Dưới đây là những khoảnh khắc thời trang trên màn ảnh được truyền cảm hứng nhất trong năm, hứa hẹn một màn cạnh tranh khốc liệt tại hạng mục "Thiết kế trang phục" trong mùa giải thưởng điện ảnh sắp tới.

Lovers Rock

“Lovers Rock” nhận được "cơn mưa" lời khen từ giới phê bình và nhanh chóng lọt top 10 bộ phim hay nhất của năm 2020. Bộ phim tình cảm lãng mạn của đạo diễn người Anh Steve McQueen kể về một cặp tình nhân lần đầu gặp nhau tại một bữa tiệc với bối cảnh là London (Anh) hồi thập niên 1980.

"Lovers Rock" nằm trong chùm 5 bộ phim có tiêu đề chung là "Small Axe" do đạo diễn McQueen thực hiện để nói về cuộc sống của người da đen tại Anh trong các thập niên từ 1960 - 1980, khi ấy, những biến động về văn hóa - xã hội đang xảy ra. Trong series phim điện ảnh này, "Lovers Rock" được đánh giá là bộ phim ấn tượng nhất của đạo diễn McQueen.

Nhà thiết kế trang phục Jacqueline Durrant mang đến cho bộ phim những khoảnh khắc màn ảnh sinh động. Đặc biệt ở phân cảnh tại trung tâm cộng đồng vào năm 1977, nhân vật nam diện chiếc áo sơ mi có hoa văn và quần ống loe dành cho nam giới và màu sắc rực rỡ, trong khi đó, đầm dự tiệc cho phụ nữ. Đồng thời, bộ phim như một bức ảnh chụp nhanh thơ mộng về cuộc sống sống động của những người trẻ đầy khát vọng.

“Lover’s Rock” của huyền thoại Hollywood Steve McQueen từng có mặt trong 56 tác phẩm thuộc danh sách đề cử chính thức của Liên hoan phim Cannes 2020.

Mank

“Mank” do David Fincher làm đạo diễn với sự góp mặt của Gary Oldman, Amanda Seyfried, Charles Dance, Lily Collins... là ứng cử viên sáng giá của đường đua Oscar năm nay. 

Phim nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình trong cách khắc họa hành trình vật vã để biên kịch Herman J. Mankiewicz sáng tạo ra được kịch bản của phim "Citizen Kane".

Được quay với tông màu trắng đen tuyệt đẹp, “Mank” mang đến một Hollywood trong nhiều sắc thái xám.Với thế mạnh khai thác tâm lý nhân vật, Fincher thành công trong việc khắc hoạ nhà biên kịch Herman J. Mankiewicz và những trận chiến của ông với đạo diễn Orson Welles trong quá trình hoàn thành kịch bản cho "Citizen Kane" (1941).

Hơn nữa bộ phim còn miêu tả rõ hơn về cuộc chiến nội tâm của Herman J. Mankiewicz với những khó khăn trong công việc và cuộc sống gia đình.

Không chỉ khơi gợi lại thời huy hoàng của nghệ thuật thứ bảy, nơi những con người tài năng cùng chung tay tạo dựng một kiệt tác điện ảnh, “Mank” còn cho thấy khả năng xây dựng thế giới hình ảnh qua trang phục một cách tinh tế. 

Từ những bộ cánh cổ điển do Gary Oldman diện khi vào vai Mankiewicz cho tới vẻ ngoài nổi bật của Amanda Seyfried, Lily Collins và Tuppence Middleton trong một loạt những chiếc áo cánh thắt nơ mỏng manh và những chiếc áo choàng xếp nếp lấp lánh đã khéo léo chuyển tải thông điệp của bộ phim. 

Phân cảnh đẹp nhất, để lại nhiều ấn tượng cho khán giả là sự xuất hiện của Amanda Seyfried Seyfried trong chiếc áo khoác marabou và đội mũ lông vũ tại bữa tiệc của ông trùm xuất bản William Randolph đã tạo ra một hình tượng điển hình của người phụ nữ thanh lịch, quyền lực. 

Mulan

Mặc dù vướng phải tranh cãi về nội dung phim cũng như diễn xuất của Lưu Diệc Phi nhưng với kinh phí đầu tư lên đến 200 triệu USD, “Mulan” ghi điểm trong khâu thiết kế phục trang. Sự đầu tư của hãng được thể hiện ở loạt trang phục xa hoa lấy cảm hứng từ thời nhà Đường, Trung Quốc. 

Với mong muốn “vừa đại diện cho văn hóa Trung Quốc vừa mang nét hoài cổ của Disney", nhà thiết kế Bina Daigelerđưa sự rực rỡ và tinh tế vào thế giới của “Mulan” thông qua bộ trang phục các nhân vật khoác lên mình. 

Để tăng tính chân thực, phần lớn các trang phục trên phim đều được nhuộm, thêu và cắt may thủ công. Từ bộ áo giáp thông thường cho đến loạt trang phục chiến đấu hay áo choàng, váy quấn khi đi xem mắt….

"Tôi muốn hoàn thiện trang phục cho bộ phim một cách rất tôn trọng với lịch sử Trung Quốc. Từ những gì học được trong thời gian nghiên cứu, tôi đã tạo ra một công thức của riêng mình", nhà thiết kế Daigeler chia sẻ. 

Ma Rainey’s Black Bottom

“Ma Rainey’s Black Bottom” ngay từ khi bắt đầu đã gây ấn tượng với những bộ phục trang đắt giá. Viola Davis diện áo choàng đính hạt sang trọng và một chiếc khăn trùm đầu kiểu flapper, hát nhạc blues trước một đám đông cuồng nhiệt vào những năm 1920 ở Chicago.

Khán giả được chiêm ngưỡng những bộ trang phục Roaring Twenties sang trọng. 

Dưới sự giám sát của huyền thoại 89 tuổi về trang phục Hollywood Ann Roth, phim gây ấn tượng không chỉ bởi những tấm vải nhung và lụa đính kim sa tuyệt đẹp trong tủ quần áo của Davis, mà còn bởi những đường may sắc trong trang phục của dàn diễn viên nam - cụ thể là Chadwick Boseman với những bộ đồ ba mảnh màu xám than.

Thật tuyệt vời khi khán giả chiêm ngưỡng, khám phá một thời kỳ lịch sử của thời trang để thấy Ma Rainey là ứng cử viên sáng giá cho hạng mục thiết kế trang phục trong mùa giải thưởng sắp tới. 

Emma

Phim điện ảnh đình đám “Emma” cũng góp mặt trong danh sách này khi được chỉ đạo bởi đạo diễn Autumn de Wilde, người quen thuộc với những tín đồ thời trang bởi chủ nghĩa lãng mạn thông qua các bộ trang phục. 

“Emma” sở hữu thước phim nhẹ nhàng với tông màu pastel sang trọng, nữ tính nổi bật từ phục trang của các nhân vật, đặc biệt là Anna Taylor Joy. Tuy nhiên, cô cũng trở nên đặc biệt nổi bật hơn khi diện những sắc màu mạnh mẽ như xanh da trời, đỏ sậm khi bước ra khỏi không gian xinh đẹp, an toàn ấy. 

Đặc biệt, không có gì thể hiện rõ ràng hơn cho sự mạnh mẽ và tham vọng làm chủ mọi thứ của Emma hơn chính poster của bộ phim. Cô đứng giữa khung hình trong trang phục màu vàng chói lọi, nổi bật trước hậu cảnh làng quê Anh yên bình.

Thời trang đã trở thành chất liệu để truyền tải thông điệp mang giá trị văn hóa một cách chân thực và trọn vẹn qua những bộ trang phục đặc trưng của thời kì lịch sử đó.

Black is King

Được phát hành vào tháng 7 dưới dạng album hình ảnh và nhạc phim, “Black Is King” là một bộ phim mang đến cái nhìn thời trang đặc sắc của Beyoncé mà nhiều người hâm mộ khao khát. 

Làm việc cùng với nhà tạo mẫu gắn bó với Beyoncé từ lâu Zerina Akers, bộ phim giới thiệu mọi thứ từ phong cách thời trang cao cấp châu Âu của Balmain, Valentino và Versace, cho đến các nhãn hiệu nội y như Marine Serre, Area và Molly Goddard.

Đặc biệt, “Queen Bee” còn tôn vinh cả các nhà thiết kế châu Phi và những người ở nước ngoài: từ bộ bodysuit kẻ sọc của nhà thiết kế người Mỹ gốc Ivory Loza Maléombho đến chiếc áo choàng houndstooth đen trắng của nhãn hiệu Tongoro người Senegal. 

Beyoncé và Akers đã đào tạo những tài năng thiết kế chưa được khai thác ở lục địa đen. Beyoncé và những người bạn đồng hành của cô ấy khoác lên mình những bộ trang phục là cảnh tượng điện ảnh thời trang nhất trong năm.

Birds of Prey

Harley Quinn là một trong những nhân vật phản diện mang tính biểu tượng của màn ảnh DC. Với tạo hình nữ quái trong “Suicide Squad” năm 2016, Margot Robbie đã tạo nên cơn sốt khi bộ cánh của nhân vật này đứng đầu danh sách trang phục Halloween được tìm kiếm nhiều nhất.

Tái xuất vai diễn với “Birds of Prey”, nữ diễn viên nổi bật với tạo hình nổi loạn, cá tính. Bím tóc nhuộm, chiếc áo thun có lỗ xẻ, quần tất lưới cá và cây gậy bóng chày luôn mang bên mình. 

Chia sẻ về tạo hình Harley Quinn trong phần phim riêng này, nhà thiết kế trang phục Erin Benach cho biết anh tìm thấy nguồn cảm hứng từ truyện tranh và phong cách đường phố Nhật Bản.

Cùng với mạch truyện mới lạ, thời trang của Robbie và băng đảng của cô ấy đóng vai trò như một cách biểu hiện bên ngoài có chủ đích của sự hỗn loạn trong mỗi nhân vật cũng như thời kỳ đó. 

The Witches

Hình ảnh và phục trang là điểm nhấn của "The Witches" với tạo hình từng nhân vật được chau chuốt từng li. Lấy bối những năm 60, các nhân vật trong phim được đầu tư tạo hình vừa mang hơi thở của thập niên này lại vừa có vẻ kỳ ảo cường điệu của câu chuyện bước ra từ trang sách.

Thiết kế phục trang bởi Joanna Johnston, người từng tái hiện những biểu tượng phong cách như Marilyn Monroe và Jackie Kennedy trên màn ảnh, chẳng ngạc nhiên khi “The Witches” mang đến một bữa tiệc phục trang sặc sỡ, mãn nhãn.

Anne Hathaway khoác lên mình chiếc áo opera màu hồng phấn và khi bắt đầu bài phát biểu, cô nàng để lộ chiếc váy màu tím hoạ tiết rắn – thể hiện sự chuyển đổi hoàn hảo từ ngọt ngào sang nham hiểm là phân cảnh được yêu thích nhất của bộ phim. 

Ammonite

Đường đua Oscar năm nay ở hạng mục này trở nên khốc liệt hơn với ứng cử viên “Ammonite” của đạo diễn Francis Lee. Với màn diễn xuất ấn tượng của hai nữ diễn viên giỏi nhất trong thế hệ của họ - “bông hồng nước Anh” Kate Winslet và “nàng thơ phim độc lập” Saoirse Ronan - đã dệt nên một bản tình ca buồn giữa hai người phụ nữ bị lãng quên bên bờ biển vùng quê nước Anh. 

Mối quan hệ giữa hai người phụ nữ bắt đầu bằng sự lạnh nhạt, thờ ơ, nhưng dần dần, được đánh thức bởi khát khao, tự do, đam mê của những người đàn bà không được thừa nhận trong một xã hội bị kiểm soát bởi nam giới. 

“Ammonite” không đề cao nữ quyền mạnh mẽ mà đi sâu vào khai thác thứ cảm xúc u uẩn và những sắc thái trải nghiệm của nhân vật trong thời đại họ sống. Lee đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật chứ không phải những sắc thái tình cảm hay tình huống bên ngoài câu chuyện. 

Sự tinh tế của Lee thể hiện ngay cả trong yếu tố phục trang khi kết hợp với nhà thiết kế Michael O’Connor. Từ những bộ cánh có phần khắc khổ hay những trang phục nữ tính thông thường cho đến bộ đồ mà Anning diện khi thực hiện công việc của mình cho người xem cái nhìn toàn diện, phản ánh rõ ràng sự cộng hưởng của bộ phim, khi họ thấy tình yêu của mình bị bóp nghẹt bởi những quy định nghiêm khắc về đạo đức trong xã hội Victoria.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ