8 phận người tức tưởi gánh án oan suốt nửa cuộc đời

GD&TĐ - Chỉ vì có con dao màu trắng mà bị bắt. 3 năm 9 tháng 14 ngày bị giam. 40 năm bị gánh án oan vì không có quyết định đình chỉ điều tra. Nửa cuộc đời chạy trốn ánh mắt ghẻ lạnh của người thân, hàng xóm, tha hương nơi đất khách quê người.

Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh - Nguyễn Văn Dựa (bên phải) tặng hoa cho những người bị bắt oan, như một lời xin lỗi chân thành và chia sẻ những mất mát, thiệt hại mà các công dân bị bắt oan chịu đựng trong suốt 40 năm qua. Ảnh: Báo Tây Ninh
Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh - Nguyễn Văn Dựa (bên phải) tặng hoa cho những người bị bắt oan, như một lời xin lỗi chân thành và chia sẻ những mất mát, thiệt hại mà các công dân bị bắt oan chịu đựng trong suốt 40 năm qua. Ảnh: Báo Tây Ninh

Con dao trắng và 5 chỉ vàng

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Tây Ninh đã tổ chức công khai xin lỗi và khôi phục danh dự cho 7 công dân bị bắt giam oan vào ngày 27/7/1979 đến ngày 11/5/1983. Trước đó, tháng 11/2018, một người đã được công khai xin lỗi.

Theo VKSND tỉnh Tây Ninh, khoảng 23 giờ ngày 26/7/1979, một vụ cướp có vũ khí đã xảy ra tại nhà ông Nguyễn Văn Đơ, ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Ông Đơ trình báo, trong số người tham gia cướp có súng M16 – Carbine, súng ngắn và còn có con dao loại trắng thường sử dụng bán bánh mì.

Công an ấp và Ấp đội nghi vấn ông Hồ Long Chánh (sinh năm 1952) là hung thủ. Lý do vì ông có con dao loại như ông Đơ trình báo. Chỉ sau 30 phút xảy ra vụ cướp, ông Chánh đã bị bắt. Trong quá trình điều tra, do bị bức cung nên ông Chánh nhận tội.

Ông còn khai thêm ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”), ông Nguyễn Văn Chiến, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “nhỏ”) và Nguyễn Thành Nghị. Công an đã bắt tiếp những người này đưa về công an huyện điều tra tiếp. Họ bị buộc phải nhận tội cướp tài sản của ông Đơ đem về cho vợ con cất giấu.

Sau đó, các bà Nguyễn Thị Lan, Võ Thị Thương, Nguyễn Thị Ngọc Lan cũng bị bắt theo theo lời khai. Họ bị bức cung buộc phải nhận có cất giấu tài sản cướp được. Nhiều lần công an dẫn các đối tượng bị bắt đi lấy vật chứng nhưng không có.

Chỉ có 5 chỉ vàng được ông Hồ Thủy Trực - cha của ông Chánh lấy tài sản của gia đình đem nộp để được bảo lãnh ông Chánh về. Ngoài con dao nghi là của ông Chánh và 5 chỉ vàng của ông Trực thì không thu được tang vật gì trong vụ án.

Phiêu bạt xứ khác mưu sinh

Vụ án được khởi tố ngày 27/7/1979. Các công dân bị khởi tố, truy tố tội cướp tài sản.

Ngày 11/5/1983, xét thấy các công dân này không phạm tội, ông Trịnh Quốc Anh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh, đã ký quyết định đình chỉ điều tra tất cả 8 bị can. Như vậy, tính từ khi bị các cơ quan tiến hành tố tụng là Công an huyện Trảng Bàng, Công an tỉnh Tây Ninh bắt giam oan cho đến khi được minh oan trả tự do, thời gian là 3 năm 9 tháng 14 ngày.

Mặc dù được thả sau thời gian tạm giam nhưng các công dân này không nhận được Quyết định đình chỉ điều tra, dù họ nhiều lần đề nghị cung cấp. Vì thế, đối với cộng đồng, xã hội nói chung, họ không có một chứng minh nào khẳng định mình vô tội. Và oan khiên vì thế kéo dài.

Những người bị oan, có người đang là quân nhân tình nguyện Campuchia về phép thăm nhà. Có người phụ nữ con nhỏ mới được hai tháng rưỡi. Có người mang bầu vài tháng. Tất cả phải cõng tiếng oan sống chung với xã hội, sự hoài nghi của xóm giềng.

Oan khiên ấy đã đẩy một số người phiêu bạt xứ khác mưu sinh. Tài sản gắn liền với cuộc sống như nhà cửa, đất đai, ruộng vườn đành bỏ lại, bị lấn chiếm. Họ không dám về quê, gặp mặt họ hàng xóm bởi tiếng là tội cướp tài sản…

Ông Dũng “lớn” (là nguyên đơn tại tòa) trong cuộc hành trình khiếu nại, kêu oan, cho mình và mọi người. Ảnh: LS
  Ông Dũng “lớn” (là nguyên đơn tại tòa) trong cuộc hành trình khiếu nại, kêu oan, cho mình và mọi người. Ảnh: LS

Hành trình đòi quyết định đình chỉ điều tra

Năm 1979, ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng “lớn”) khi đó là bộ đội đóng quân tại chiến trường Campuchia. Ngày 25/7/1979, ông được đơn vị cử về Việt Nam lấy tài liệu tập huấn và nhân dịp về thăm gia đình.

Đêm 26/7/1979 oan nghiệt, bỗng nhiên ông Dũng “lớn” bị công an xã bắt giải lên Công an huyện Trảng Bàng với lý do cướp tài sản riêng của công dân rồi bị tạm giam luôn. Trong suốt thời gian bị giam, ông Dũng “lớn” một mực kêu oan. Sau hơn 45 tháng bị tạm giam, ông được thả nhưng không nhận được quyết định về việc đình chỉ vụ án.

Sau khi được thả, ông Dũng “lớn” quay lại Campuchia xin được tiếp tục làm nhiệm vụ nhưng đã bị tổ chức từ chối tiếp nhận vì lý do chưa có quyết định nào minh định ông không phạm tội. Bấy giờ ông quyết tâm đòi Quyết định đình chỉ điều tra để có bằng chứng minh oan cho mình.

Năm 2000, ông Dũng “lớn” mới được giải quyết thủ tục xuất ngũ. Từ đây, ông Dũng “lớn” tiếp tục hành trình khiếu nại, kêu oan cho mình cùng anh, chị và gia đình của họ.

Với quyết định đình chỉ điều tra đòi được, ông Dũng “lớn” kiện đòi VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường thiệt hại. Tháng 11/2018, TAND tỉnh Tây Ninh đã y án sơ thẩm, buộc VKSND tỉnh Tây Ninh bồi thường oan cho ông Dũng “lớn” 615 triệu đồng.

Từ sự nỗ lực đấu tranh đòi công lý của ông Dũng “lớn”, các công dân khác cùng vào cuộc. Mãi đến ngày 4/4/2019, ông Thân Văn Danh, Trưởng phòng 8 VKSND tỉnh Tây Ninh, đại diện cho cơ quan này mới chủ trì buổi làm việc và trao quyết định đình chỉ điều tra cho 7 người còn lại. Cầm tờ giấy quyết định ố màu mà họ mong đợi đã hơn nửa đời người, các công dân rưng rưng nước mắt. Trong số họ có người đã mất, có người đã hơn 90 tuổi…

Được biết, liên quan đến việc công khai xin lỗi và khôi phục danh dự các công dân bị bắt oan trên, VKSND tỉnh Tây Ninh đã gửi hồ sơ về VKSND tối cao đề nghị cấp tạm ứng kinh phí bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho các công dân bị bắt oan. VKSND tỉnh đang tiếp tục thực hiện các bước xác định thiệt hại để bồi thường theo quy định của pháp luật.

Các công dân được minh oan gồm ông Nguyễn Thành Nghị (1918 - đã mất), bà Võ Thị Thương (SN 1925), bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1944), bà Nguyễn Thị Lan (SN 1953) cùng thường trú ấp Định Phước, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Ông Hồ Long Chánh (SN 1952 - trú ấp Long Thới, xã Long Thành Trung, huyện Hòa Thành). Ông Nguyễn Văn Chiến (SN 1952 - tổ 1, ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng). Ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1961 - ấp Tân Phú, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).  Các công dân trên trước 1983 đều ngụ tại ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng. Họ bị bắt giam oan từ ngày 27/7/1979 đến ngày 11/5/1983.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ