Giữa bối cảnh thực phẩm bẩn đang bủa vây người tiêu dùng, mỗi lần đi chợ là mỗi lần các bà nội trợ đau đầu tính toán giá cả, cân đo đong đếm hàm lượng dinh dưỡng và cả độc tố, hóa chất tiềm ẩn trong những thực phẩm bóng bẩy, tươi ngon bắt mắt ngoài kia.
Để rồi các bà các mẹ lại thở dài ao ước, giá như có thể trồng một vườn rau nho nhỏ trong gia đình mà không quá tốn diện tích cũng như công chăm sóc thì tốt biết mấy. Mong ước giản dị ấy giờ đây hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nhờ 8 loại rau củ quen thuộc trên bàn ăn gia đình dưới đây. Chỉ cần mua 1 lần rồi đem trồng, gia đình bạn sẽ có thực phẩm sạch ăn quanh năm suốt tháng.
1. Hành lá
Sau khi sơ chế hành lá mua từ chợ hoặc siêu thị về, hãy giữ lại phần rễ và khoảng 3cm phần ngọn non, ngâm chúng vào một cốc chứa nước và đặt ở nơi có nhiều ánh sáng ở trong nhà như bậu cửa sổ chẳng hạn. Khoảng vài ngày sau, gốc hành sẽ mọc phần lá lại tươi tốt, mập mạp và bạn chỉ việc cắt ngọn ra ăn, đừng quên giữ lại phần gốc trong cốc nước để trồng tiếp.
2. Tỏi
Nếu bạn mua tỏi về đã lâu mà không dùng khiến tỏi mọc mầm thì chớ vội vứt đi. Hãy tách củ tỏi đã mọc mầm ra từng tép nhỏ rồi vùi mỗi tép tỏi sâu khoảng 5cm vào trong đất. Bạn nhớ thường xuyên tưới nước cho tới khi mầm tỏi phát triển thành lá tươi tốt. Lá tỏi ngả sang màu vàng cũng là lúc củ tỏi phía dưới đủ lớn và bạn có thể thoải mái thu hoạch.
3. Cải chíp
Sau khi cắt phần lá cải để chế biến, hãy giữ lại phần thân sát gốc rồi ngâm trong một bát nước nhỏ và đặt ở nơi đủ ánh sáng. Sau khoảng 1-2 tuần ngâm trong nước, bạn có thể chuyển gốc cải ra trồng trong đất vườn hoặc một chậu cây nhỏ. Chẳng mấy chốc chúng sẽ phát triển thành những cây cải chíp mập mạp xanh tốt.
4. Cà rốt
Bạn chỉ cần giữ lại 3cm phần đầu của củ cà rốt, đặt vào khay chứa nước ở nơi đủ sáng, chúng sẽ bắt đầu tự nảy mầm và mọc cây mới. Sau vài ngày, chuyển ra đất trồng và bạn có thể thu hoạch lứa cà rốt mới khoảng 3 tháng sau đó.
5. Húng quế
Giữ lại ngọn húng quế dài khoảng 3-4 cm, đặt chúng vào một cốc nước và để ở nơi ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, chú ý thay nước thường xuyên. Sau khi rễ non bắt đầu nhú, tiếp tục ngâm nước cho tới khi rễ cứng cáp thì chuyển ra trồng đất. Húng quế phát triển rất nhanh và chẳng bao lâu sau bạn sẽ có một cây hung quế tươi tốt, nhiều lá.
6. Cần tây
Giống như hành lá và tỏi, cần tây cũng có thể được trồng nhờ phương pháp thủy canh. Sau khi cắt phần thân và lá cần tây phía trên để chế biến như thường, hãy giữ lại phần gốc dài khoảng 4cm, ngâm trong cốc thủy tinh chứa nước và đặt ở nơi có nắng. Khi những chiếc lá non bắt đầu nhú lên, bạn có thể nhấc cây ra và trồng cần tây vào chậu đất. Khi cây cần tây cao khoảng 30cm, bạn có thể thu hoạch phần thân và để lại gốc cây để chúng tiếp tục “tái sinh”.
7. Rau diếp
Giống như cải chíp, rau diếp có thể tái trồng bằng cách ngâm ngập 1/2 phần gốc của chúng trong một bát nước. Sau khi rau diếp mọc lá non, bạn có thể chuyển chúng sang chậu đất và để chúng tự lớn trong điều kiện thoáng mát, đủ ánh sáng.
8. Rau mùi
Sử dụng phương pháp tương tự như với cần tây, ngâm gốc cây trong nước cho đến khi lá non nhú lên, sau đó đem cây trồng ra đất và gia đình bạn có thể ăn quanh năm suốt tháng.
Thế nào, rất đơn giản phải không? Vậy thì bạn còn chần chừ gì nữa mà không bắt tay vào vun trồng một vườn rau nho nhỏ cho gia đình thân yêu của mình ngay thôi!