8 cách giúp trẻ tránh nguy hiểm giữa đám đông

GD&TĐ - Khi đưa trẻ đến những nơi công cộng, không ít phụ huynh cảm thấy căng thẳng do sự an toàn của con luôn đè nặng lên tâm trí.

Cha mẹ cần chỉ định một điểm gặp với trẻ trong trường hợp bé lạc.
Cha mẹ cần chỉ định một điểm gặp với trẻ trong trường hợp bé lạc.

>> Cha mẹ cần sớm dạy trẻ cách thoát hiểm trong sự cố đông người

>> Những kỹ năng thoát hiểm dạy con càng sớm càng tốt

Khi đưa trẻ đến những nơi công cộng, không ít phụ huynh cảm thấy căng thẳng do sự an toàn của con luôn đè nặng lên tâm trí. Trang bị cho trẻ kỹ năng tránh đi lạc trong đám đông sẽ giúp các bậc cha mẹ “nhẹ đầu” hơn.

Ngày lễ hay cuối tuần là lúc mà bất kỳ phụ huynh nào cũng muốn mang lại cho con mình những khoảng thời gian đáng nhớ. Không ít cha mẹ lựa chọn cho con đi chơi, giải trí, đi dạo. Hầu hết trẻ em đều hào hứng khi được đến những nơi như công viên giải trí, bãi biển và hội chợ. Bởi, những chuyến đi như vậy luôn mang lại niềm vui và sự phấn khích cho trẻ.

Tuy nhiên, những chuyến vui chơi ở những nơi đông người cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến trẻ bị lạc. Đặc biệt, do bản tính tò mò, trẻ em có thể tách khỏi cha mẹ khi ở trong đám đông.

Việc một đứa trẻ đi lạc có thể biến những khoảnh khắc hạnh phúc thành cơn ác mộng. Do đó, khi đưa trẻ đến những nơi công cộng, không ít phụ huynh cảm thấy căng thẳng khi sự an toàn của con luôn đè nặng lên tâm trí họ.

Bà Dhwani Nanavati tại tổ chức phi lợi nhuận Safecity (Mỹ) chia sẻ, nếu muốn đưa con đi chơi nhưng lại lo lắng về việc trẻ bị lạc ở những nơi công cộng, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp.

1. Lập kế hoạch trong ngày

Điều quan trọng nhất là cha mẹ cần dạy trẻ rằng, con phải luôn ở gần phụ huynh và không tự ý đi một mình ra những khu vực khác. Song, đồng thời, các phụ huynh cũng cần đưa ra một kế hoạch cụ thể về nơi cả gia đình sắp đến.

Khi tới khu vực tham quan, cha mẹ hãy chỉ cho con mình một địa điểm gặp gỡ, chẳng hạn như cửa hàng kem cụ thể hoặc quầy bán vé ở công viên giải trí. Nhờ đó, trẻ sẽ nhận biết rõ địa điểm và môi trường xung quanh. Đồng thời, cha mẹ cũng cần yêu cầu trẻ đến điểm gặp và đợi, trong trường hợp con bị lạc khỏi gia đình. Hãy đảm bảo rằng, điểm gặp mặt được chọn có thể dễ dàng nhìn thấy.

2. Những điều cần làm khi bị lạc

Bên cạnh kế hoạch về một địa điểm cụ thể, các phụ huynh hãy dạy con mình điều nên làm khi bị lạc ở những nơi khác. Ví dụ, cha mẹ cần dạy trẻ rằng, con nên tiếp cận một người lớn có trách nhiệm, như cảnh sát hoặc nhân viên bảo vệ, hoặc một người mẹ có con nhỏ. Sau đó, trẻ có thể giải thích tình hình với người lớn và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Trẻ cũng cần hiểu rằng, con không nên đi cùng người lạ trên phương tiện có mái che như ô tô. Hoặc, trẻ không nên ra khỏi khu vực mình đang đứng nếu bị lạc trong khuôn viên. Đồng thời, trẻ không được nhận đồ ăn từ người lạ.

3. Giúp trẻ ghi nhớ những chi tiết quan trọng

Nếu trẻ lớn hơn một chút, hãy đảm bảo rằng, con học và ghi nhớ những chi tiết như tên bản thân, tên của cha mẹ, địa chỉ nhà và số điện thoại của ít nhất một phụ huynh. Điều này có thể sẽ vô cùng hữu ích khi trẻ bị lạc và phải cung cấp thông tin về bản thân.

Nếu con còn quá nhỏ để ghi nhớ tất cả những chi tiết này, cha mẹ có thể viết thông tin ra một tờ giấy và bỏ vào túi của trẻ. Cha mẹ cũng có thể làm thẻ thông tin cá nhân cho trẻ đeo ở nơi công cộng. Đồng thời, cho trẻ tham gia vào quá trình thực hiện thẻ. Nhờ đó, trẻ sẽ cảm thấy thích thú khi đeo thẻ.

Trẻ có thể mặc trang phục sặc sỡ khi tới nơi công cộng.

Trẻ có thể mặc trang phục sặc sỡ khi tới nơi công cộng.

4. Luôn giữ một bức ảnh gần đây của trẻ

Điều quan trọng khác là phụ huynh cần luôn giữ một bức ảnh của trẻ bên mình. Trong trường hợp trẻ bị lạc, ngoài việc mô tả các đặc điểm của con, cha mẹ cũng có thể cho người xung quanh xem ảnh. Từ đó, giúp những người tham gia tìm kiếm dễ dàng nhận ra trẻ.

5. Cho trẻ mặc quần áo có màu sắc tươi sáng

Khi đi chơi ở những nơi công cộng, cha mẹ hãy cho con mình mặc quần áo có màu sắc tươi sáng. Lý do là vì màu sắc tươi sáng sẽ dễ dàng giúp mọi người nhận ra trẻ trong đám đông.

Tương tự, trước khi bạn bước vào một khu vực đông đúc, hãy chơi trò “Tôi đang mặc gì đây?” với trẻ. Nhờ đó, giúp trẻ ghi nhớ trang phục của cha mẹ. Bởi, nếu trẻ bị lạc, bé có thể mô tả cho người xung quanh biết cha mẹ mình đang mặc gì và có những đặc điểm nào khác.

6. Đưa cho trẻ que phát sáng

Cha mẹ hãy sử dụng que phát sáng để nhận biết trẻ. Đó có thể là một cách sáng tạo để không bị mất dấu trẻ vào buổi tối. Hầu hết trẻ em coi que phát sáng là một phụ kiện thú vị.

Nhiều trẻ thậm chí háo hức đeo que phát sáng như một chiếc vòng cổ hoặc vòng tay. Ánh sáng nhiều màu sắc phát ra từ que phát sáng có thể giúp phụ huynh dễ dàng nhận ra con mình trong đám đông. Ngoài ra, que phát sáng thường được bán ở nhiều nơi với giá rẻ.

7. Sử dụng hệ thống định vị (GPS)

Sự ra đời của công nghệ đã mang lại nhiều lợi ích. Nếu lo ngại trẻ có nguy cơ đi lạc ở những khu vực công cộng, phụ huynh hãy cân nhắc đầu tư một thiết bị theo dõi GPS. Sau đó, cha mẹ có thể cài vào quần áo của trẻ khi gia đình đi chơi ở nơi đông người. Như vậy, phụ huynh có thể theo dõi chuyển động của con mình bằng điện thoại thông minh.

8. Đưa điện thoại di động cho trẻ

Đối với trẻ lớn, cha mẹ có thể cân nhắc tới việc đưa cho con một chiếc điện thoại di động. Nếu không thích cho con mình dùng điện thoại thông minh, phụ huynh hãy đưa cho con một chiếc điện thoại phổ thông trong suốt chuyến đi. Trong trường hợp bị lạc, trẻ có thể sử dụng điện thoại để liên lạc với cha mẹ.

“Những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của thời thơ ấu là thời điểm được đi dạo ở ngoài trời một cách đầy vui vẻ và thích thú. Vì vậy, khi định đưa con ra ngoài vui chơi, các phụ huynh hãy chuẩn bị thật kỹ những việc nên làm trong trường hợp trẻ bị lạc”, bà Nanavati bày tỏ.

Theo Parent Circle

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ