Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều trường học và gia đình đang phải làm quen với việc học online thông qua các ứng dụng công nghệ, thậm chí là mạng xã hội.
Hiệu quả và sự tiện lợi của hình thức học tập này cũng đi kèm với những rủi ro tiềm tàng khi trẻ dành thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều hơn. Mới đây nhất là vụ việc các lớp học trực tuyến của một số trường bị người lạ vào quấy phá, gây ồn ào hoặc gửi những hình ảnh phản cảm là minh chứng rõ ràng của việc cần phải nâng cao kỹ năng bảo vệ trẻ em trong các hoạt động trên không gian mạng.
Theo khảo sát năm 2019 của Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children) tại Việt Nam, 66,1% trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet; trong đó, 43,4% có thời gian sử dụng trung bình một ngày từ 1-3 tiếng. 706.435 là số vụ báo cáo liên quan tới Việt Nam trong năm 2018 về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng - đứng thứ 2 trong ASEAN, sau Indonesia, theo số liệu thống kê từ National Center for Missing and Exploited Children (NCMEC) của Mỹ.
Báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố ngày 4/9/2019 cũng cho thấy có đến 21% thanh thiếu niên ở Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận mình là nạn nhân của hiện tượng bắt nạt trên mạng. Gần 75% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát không biết về các đường dây nóng hay bất cứ dịch vụ hỗ trợ nào khác nếu đối mặt với bắt nạt hoặc bạo lực trên mạng.
Kết quả cuộc khảo sát ý kiến được thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Đại diện Đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Bạo lực đối với trẻ em cũng cho thấy gần 1/3 thanh thiếu niên ở 30 quốc gia thừa nhận từng là nạn nhân của vấn nạn bắt nạt trên mạng. Gần 1/5 thanh thiếu niên trong nhóm này chia sẻ các em từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và là nạn nhân của bạo lực học đường.
Theo số liệu họp báo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) vào năm 2016, mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng. Thống kê của Trung tâm Quốc gia về trẻ em bị bóc lột và mất tích (NMEC) trong 3 năm trở lại đây cho thấy sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các vụ việc liên quan tới tài liệu xâm hại tình dục trẻ em tại khu vực Đông Nam Á.
Vấn đề khai thác và sử dụng thông tin cá nhân trái phép nhắm tới đối tượng là trẻ em cũng là nguyên nhân dẫn tới việc gia tăng các hoạt động phạm pháp liên quan tới trẻ em. Theo khảo sát của Comparitech năm 2019, 17% các cặp cha mẹ được hỏi cho biết con của họ là nạn nhân của việc 'bắt nạt trên mạng' (cyberbullying). Tại một số quốc gia, tỷ lệ này lên tới 37%.
Hệ quả của việc này ảnh hưởng trực tiếp tới tâm lý nạn nhân, lâu dài có thể dẫn tới những hành động bạo lực gia tăng, xu hướng tự hủy hoại bản thân hay nghiêm trọng hơn là hội chứng tự tử. Hội chứng nghiện trò chơi điện tử, mạng xã hội… dẫn tới phát triển mất cân bằng về thể chất và tinh thần, thậm chí dẫn tới việc trẻ em bị đột quỵ do chơi điện tử trong thời gian dài liên tục.
Để hạn chế và ngăn ngừa những rủi ro cho trẻ em khi tương tác trên không gian mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) giới thiệu tới phụ huynh một số công cụ có thể giám sát các hoạt động của trẻ em khi sử dụng Internet.
1. Windows: Windows Family Safety
Nhà phát triển Microsoft đã bổ sung thêm cho Windows tính năng Family Safety. Tính năng này hỗ trợ cha mẹ quản lý các hoạt động sử dụng internet của trẻ mà không lo bị xâm phạm. Family Safety mang vào tài khoản Windows của bạn một công cụ giám sát cho phép bạn tạo ra một bức tường ảo, từ đó có thể theo dõi và áp dụng bộ lọc các trò chơi và hoạt động của web. Bạn có thể tùy chỉnh các bộ lọc và thêm các trang web cụ thể mà bạn muốn để trẻ có quyền truy cập vào. Chương trình này cung cấp một danh sách các trang web thân thiện với trẻ con, có sẵn trên máy tính Windows, Xbox cũng như các thiết bị di động.
Các tính năng chính:
- Đặt giới hạn thời gian: Cho phép thiết lập thời gian giới hạn cho trẻ sử dụng.
- Đăng nhập hoạt động: Điều này giúp bạn kiểm tra về các hoạt động của trẻ và trong quá trình đó, chặn bất kỳ ứng dụng cụ thể hoặc các trò chơi hoặc các trang web.
- Giúp tìm những đứa trẻ của bạn trên bản đồ: Bạn có bản cập nhật vị trí của chúng ở bất kỳ nơi nào.
- Kiểm soát những thông tin nào có thể được chia sẻ với mọi người trên môi trường mạng.
- Thêm hoặc loại bỏ thành viên khi có yêu cầu.
2. MacOS/ios: parental controls
Parental Controls Panel trên các dòng máy Mac cũng có những chức năng tương tự trên Windows giúp kiểm soát nội dung và các ứng dụng cho một người dùng cụ thể. Đây có thể là công cụ đối với người dùng người dùng Mac để kiểm soát con trẻ và giới hạn truy cập tới những nội dung nhất định. Bạn có thể thiết lập bộ lọc nội dung cùng với hạn chế giao dịch mail và tin nhắn iChat.
Các tính năng chính:
- Xác định các ứng dụng có thể truy cập bởi người quản lý: Giúp hạn chế quyền truy cập vào các ứng dụng trên Mac.
- Giới hạn truy cập đến các trang web có nội dung không phù hợp: Bạn có thể tùy chỉnh bộ lọc này bằng cách xác định các trang web.
- Giới hạn mail và tin nhắn iChat: Điều này cho phép ngăn chặn trẻ gửi hoặc nhận mail và tin nhắn iChat. Bạn có thể chỉ định các cá nhân và thêm chúng vào danh sách đã được phê duyệt để gửi, nhận mail và tin nhắn iChat đến từ cá nhân.
- Thiết lập giới hạn thời gian: Điều này cho phép thiết lập giới hạn thời gian có thể sử dụng.
- Cung cấp bản ghi các hoạt động và báo cáo.
Trong các trường hợp phát hiện dấu hiệu liên quan tới hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, nhà trường và các bậc phụ huynh có thể liên hệ trực tiếp đường dây nóng 111 của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội để nhận được sự trợ giúp.