7 thói quen của các cặp đôi hạnh phúc

Khoa học đã phát hiện ra rằng, những mối quan hệ bền lâu không phải vô duyên vô cớ mà có được. Chúng cần được vun đắp dựa trên sự tử tế và khoan dung.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn đề là chúng ta sẽ áp dụng lý thuyết này vào thực hành như thế nào? Những hành động nào bạn có thể thực hiện để cải thiện mối quan hệ của mình với nửa kia?

Theo các chuyên gia tâm lý học, các cặp đôi hạnh phúc thường có những thói quen đặc biệt rất khác với những cặp đôi đang trục trặc. Dưới đây là một số thói quen như vậy:

1. Trò chuyện, trò chuyện và trò chuyện

Bất cứ khi nào có mâu thuẫn hoặc bất đồng, bạn không nên "cứ kệ xác" anh ấy/cô ấy và mặc cho mọi chuyện diễn biến ra sao thì ra. Thay vào đó, những cặp đôi hạnh phúc thường ngồi lại với nhau, tâm sự và trao đổi cho đến khi họ hiểu được quan điểm và cách nhìn của nửa kia.

"Chúng tôi nói chuyện về cách nuôi dậy con cái, về việc đang phân bổ thời gian của mình như thế nào, về sắp xếp thời gian biểu của hai vợ chồng để đảm bảo rằng không ai bị quá sức.

Đối với những vấn đề quan trọng, chúng tôi luôn đảm bảo rằng hai vợ chồng cùng chung chí hướng, quan điểm. Để làm việc đó, hai người cần đạt được một thỏa thuận chung trước khi chuyển sang các đề tài tiếp theo", một chuyên gia tiết lộ.

2. Họ quan tâm và tôn trọng đến sự phấn chấn tinh thần của nửa kia

Một độc giả ẩn danh tâm sự với Business Insider rằng trong cuộc hôn nhân kéo dài 36 năm của bà, họ giữ tuyệt đối một nguyên tắc: cần chia sẻ với nhau về mọi đau đớn, phiền muộn mà mình gặp phải trong cuộc sống.

"Nếu như một người bị tổn thương, cả hai sẽ cùng phải cảm nhận và chia sẻ nỗi đau đó. Người bị tổn thương sẽ nói ra cho đến khi nào giãi bày được hết tâm sự trong lòng và cảm thấy nỗi đau nhẹ đi. Người kia sẽ lắng nghe, đưa ra những câu hỏi để làm rõ câu chuyện. 

Trong trường hợp người làm bạn tổn thương chính là anh ấy/cô ấy và họ có thể sửa lại câu nói gây đau lòng, mọi chuyện sẽ được xoa dịu rất nhanh".

3. Họ dành thời gian riêng tư bên nhau

Có những cặp vợ chồng lại có thói quen luôn ở cạnh nhau, kể cả khi họ không tương tác với nhau. Có thể ngồi chung trên ghế sofa đấy, nhưng mỗi người lại có việc riêng để làm. 

"Vợ của tôi có thể xem TV trong khi tôi chơi game, hoặc cô ấy giải ô chữ trong khi tôi đọc sách", một độc giả khác tâm sự. "Thật tuyệt khi bạn có thể ở chung phòng với họ nhưng vẫn tận hưởng được thế giới riêng của mình".

4. Xuất phát điểm của họ là bình đẳng, và trong hôn nhân, họ vẫn giữ được sự bình đẳng

Khi mới yêu nhau, điều quan trọng là cả hai người cùng nhìn sâu vào bản chất của mối quan hệ, để xem đó có phải là một quan hệ "bình đẳng" hay không. 

Nếu như bản thân bạn cũng không tin rằng mình bình đẳng với cô ấy/anh ấy trong cuộc hôn nhân này thì vĩnh viễn, mối quan hệ sẽ có những điểm yếu và đó không bao giờ là một mối quan hệ đúng nghĩa. 

Các số liệu nghiên cứu cũng ủng hộ quan điểm này: những cuộc hôn nhân với chênh lệch tuổi tác giữa hai vợ chồng quá lớn sẽ có xu hướng ly dị cao hơn.

5. Họ khuyến khích sự khác biệt

Một cặp đôi là hai con người độc lập lựa chọn gắn kết cùng nhau và điều đó cần được tôn trọng.

Vì họ là hai cá thể độc lập nên họ phải có sự khác biệt. Bạn yêu anh ấy/cô ấy vì những điểm mới mẻ và khác biệt ở con người ấy, những điểm mà bạn không có. 

Hãy tôn trọng và tạo điều kiện cho những tính cách đó phát triển. Đừng cố xóa sổ chúng để nửa kia trở nên giống hệt bạn. Hãy luôn luôn là hai nửa.

6. Họ âu yếm nhau

Nhiều cặp vợ chồng tâm sự rằng, họ có một thói quen đặc biệt: Dành thời gian nhất định trong ngày để âu yếm nhau. 

"Ngày nào cũng vậy, sau khi hết việc, chúng tôi lại dành từ 5-30 phút nằm trên giường và ôm nhau, hoặc chỉ âu yếm nhau thôi, tâm tình với nhau về ngày hôm đó, về những gì chúng tôi muốn làm tiếp theo trong buổi tối". 

Quan trọng nhất, không bật TV hoặc đài phát thanh lên, cũng không cầm iPhone trên tay. "Chỉ có hai người với nhau mà thôi".

7. Ra quyết định quan trọng cùng nhau

Độc giả Drew Lanza và vợ Jane thường xuyên tổ chức những "hội nghị thượng đỉnh gia đình" để thảo luận về các quyết định lớn, quan trọng của gia đình. 

Lấy thí dụ, con cái của họ hiện đã lớn, do đó, cần tổ chức hội nghị thượng đỉnh để giải quyết những câu hỏi như "Chúng ta sẽ tiếp tục sống chung hay cho con ra ở riêng? Chúng ta sẽ hỗ trợ tài chính cho tụi trẻ đến mức nào?".

Điều quan trọng là các câu hỏi phải được nêu ra. Không có câu trả lời nào là "đúng" cho những câu hỏi như vậy và cũng không có quan điểm của ai là "sai cả". "Nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng, chúng tôi cần phải gật đầu cùng nhau trước khi đưa ra quyết định".

Theo VietnamNet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ