7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phân luồng học sinh phổ thông

GD&TĐ - Về GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh (HS) trong giáo dục phổ thông (GDPT) giai đoạn hiện nay, cử tri thành phố Hà Nội gửi một số đề nghị đến Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cụ thể, tăng cường, đổi mới phương thức tuyên truyền về hướng nghiệp, phân luồng HS phổ thông; xây dựng chuyên trang thông tin về GD hướng nghiệp, phân luồng trong GDPT; quy định trường hợp có thể học vượt lớp; thanh tra, kiểm tra, đánh giá năng lực HS đảm bảo chính xác và phân luồng được HS ngay từ THCS, THPT.

Bộ GD&ĐT cho biết: Để tăng cường GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho HS phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch và đang triển khai thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025.

Trong đó có nhiệm vụ tăng cường công tác thông tin: “Xây dựng trang thông tin về GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông; hình thành cơ sở dữ liệu về nghề nghiệp, thị trường lao động và thông tin, dữ liệu liên quan đến ngành, nghề; mô tả ngành, nghề và thông tin tuyển dụng, sử dụng lao động của từng ngành, nghề, tương ứng với từng vùng miền, khu vực; kết nối giữa các trường phổ thông với cơ quan dự báo nhu cầu nhân lực, hội nghề nghiệp, hội doanh nghiệp, các cơ sở GD đại học, cơ sở GD nghề nghiệp và các doanh nghiệp; cung cấp thông tin thường xuyên, kịp thời về nhu cầu lao động, thị trường lao động của địa phương và trong cả nước cho các cơ sở GD; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc trao đổi kinh nghiệm GD hướng nghiệp, phân luồng HS phổ thông, về nhu cầu lao động, thị trường lao động”.

Về quy định HS có thể học vượt lớp: HS có thể học vượt lớp đã được quy định tại Điều 28 Luật Giáo dục 2019. Cụ thể: HS học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ; HS học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp HS học lưu ban, HS ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, mồ côi không nơi nương tựa, thuộc hộ nghèo, HS ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định: Việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào học lớp Một; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở GD nghề nghiệp; các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

Căn cứ vào Điều 28, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ quy định cụ thể việc HS vượt lớp trong điều lệ nhà trường. Triển khai Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát điều lệ trường phổ thông cho phù hợp.

Việc thanh tra, kiểm tra, đánh giá xếp loại HS phổ thông được thực hiện theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT. Từ năm học 2021 - 2022, Chương trình GDPT mới theo lộ trình sẽ được thực hiện đối với lớp 6, do đó, việc đánh giá HS phải bảo đảm đánh giá đúng năng lực và phẩm chất của người học đã được quy định trong chương trình.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang biên soạn, sửa đổi Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT để phù hợp với quy định trong Chương trình GDPT mới, đồng thời thực hiện việc phân luồng HS ngay từ THCS, THPT theo Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ