Báo GD&TĐ trân trọng giới thiệu 7 nguyên tắc giáo dục cơ bản của Vasily Sukhomlinsky.
Vấn đề chính của các bố mẹ trẻ mà Sukhomlinsky đã nói là họ không có khả năng sống như một gia đình và khắc phục khủng hoảng.
Ông viết: “Sẽ không phóng đại, nếu tôi nói rằng những ông bố bà mẹ trẻ không biết cách làm chồng, làm vợ. Họ thường bất lực, vụng về và thiếu kinh nghiệm, chẳng khác gì những đứa trẻ. Và đau khổ nhất là khi những đứa trẻ to xác này sinh con đẻ cái”.
Nhà giáo dục nhấn mạnh, cần dạy học sinh trung học phổ thông về các mối quan hệ, giải thích cách bộc lộ tình cảm đối với bạn đời và con cái, cách giải quyết những nhu cầu của mình, tìm kiếm sự thỏa hiệp trong gia đình như thế nào. Ngoài nhà trường, bố mẹ cần dạy con cái điều đó bằng tấm gương của mình ngay từ khi chúng mới ra đời.
Sukhomlinsky nói rằng môn học ở trường phổ thông có tên là “Gia đình. Hôn nhân. Tình yêu. Trẻ em” còn quan trọng hơn các môn học khác.
“Hãy để mọi người nghĩ rằng tôi coi thường vai trò của môn Toán và các môn khoa học tự nhiên khác... Nhưng dù sao, kiến thức về con người còn quan trọng hơn. Và nếu không phải hôm nay, thì ngày mai, trong chương trình giáo dục phổ thông, môn học về văn hóa quan hệ của con người sẽ là môn đầu tiên, bởi vì chúng ta sống trong thế kỷ của con người”.
2. Trở thành người bố đích thực
Hiện nay, không ai ngạc nhiên khi thấy một người bố thay tã lót và cho con ăn bột. Nhưng vào giữa thế kỷ trước, ý tưởng về việc người bố phải chăm sóc con như người mẹ, chơi với con và đóng vai trò tích cực trong việc giáo dục con là một ý tưởng mang tính cách mạng.
Sukhomlinsky viết: “Ở đâu... những mối quan tâm, lo lắng của người mẹ dần trở thành mối quan tâm và lo lắng của người bố, thì ở đấy gia đình là một trường học giáo dục tình cảm và đạo đức cho con cái”.
Ngoài việc chăm sóc con, người bố cần phải tự giáo dục. Sukhomlinsky gọi đó là sự phát triển nhân cách và lao động không ngừng. Điều này có ảnh hưởng mạnh mẽ đến con cái. Một đứa trẻ muốn trở thành người tốt cần một tấm gương để trở nên tốt hơn, thông minh hơn, có giáo dục hơn.
3. Trở thành phụ huynh tài năng
Vasily Sukhomlinsky (thứ hai từ phải sang) với các đồng nghiệp. |
Sukhomlinsky kể về một người mẹ từng thừa nhận rằng bà ta và chồng không có thời gian để giáo dục con, làm bài tập về nhà với con và mắng con vì điểm hai. Thế nhưng, những người con của bà học hành chăm chỉ và là tấm gương cho cả lớp. Nhà giáo dục giải thích, sở dĩ như vậy là vì con cái nhìn thế giới bằng con mắt của bố mẹ.
Để giáo dục con cái một cách thực sự, bố mẹ cần ở bên cạnh và chứng minh bằng tấm gương của mình, chứ không phải bằng lời khuyên bảo phải đối xử như thế nào đối với người thân và ứng xử ra sao trong những trường hợp khác nhau.
Sukhomlinsky viết: “Làm thế nào để lời nói có ý nghĩa giáo dục, để những sợi dây trên chiếc vĩ cầm của tâm hồn trẻ thơ rung lên. Trong thời thơ ấu, con người phải kinh qua trường học lớn của những mối quan hệ tinh tế, thân mật, nhân văn”.
4. Trở thành người thầy sáng suốt
Sai lầm lớn nhất của giáo viên là luôn luôn nói về những thất bại của học sinh. Cần nhớ rằng tất cả trẻ em bẩm sinh đều có những khả năng khác nhau. Nhiệm vụ của nhà trường không phải là chỉ trích, mà là phát triển ở đứa trẻ càng nhiều năng lực càng tốt.
Sukhomlinsky sử dụng thang điểm riêng của mình ở tiểu học. Những học sinh hoàn thành bài tập được ông cho điểm tốt, nhưng những em không làm được bài không bị cho điểm kém. Nhà giáo dục kêu gọi không lấy điểm làm thần tượng.
Ông nói, không nên coi những con số vô hồn là chỉ số thành công. Thật sai lầm khi chia trẻ em ra hai loại thành công và không thành công với sự trợ giúp của điểm số. Và hiện nay chúng ta hoàn toàn nhất trí với ông về điều đó.
Mong muốn vạch ra lỗi lầm của học sinh là sự sỉ nhục công khai. Sukhomlinsky khẳng định, một giáo viên phàn nàn về học sinh với phụ huynh là không còn quyền lực đối với học sinh đó nữa.
5. Giáo dục không được trừng phạt
Nếu như có nhu cầu trừng phạt, thì nghĩa là việc giáo dục đã phạm sai lầm. Các bậc phụ huynh nhầm lẫn ở chỗ họ coi sự cấm đoán là biểu hiện cao nhất của quyền lực bố mẹ. Sự vâng lời mù quáng không có nghĩa là ngoan ngoãn.
Bố mẹ cần nhận ra ranh giới mong manh giữa quyền lực của họ và thế giới riêng tư của đứa trẻ.
Mỗi đứa trẻ có những vấn đề của mình liên quan đến các trò chơi và bạn bè mà người lớn không nên can thiệp.
Sukhomlinsky cực lực phản đối sự trừng phạt nghiêm khắc, ngay cả đối với những thanh thiếu niên bất trị. Ông tin rằng những đứa trẻ quanh năm bị giáo viên chỉ trích và bị bố mẹ trừng phạt quả là không có nội lực để học tập.
6. Phát triển sự ham hiểu biết
Ngay từ khi đứa trẻ mới bắt đầu cuộc sống có ý thức, bố mẹ cần lưu ý nó về mối quan hệ nhân quả giữa các đối tượng và hiện tượng của thế giới xung quanh.
Hãy dạy con quan sát. Thậm chí trong một cuộc dạo chơi bình thường, bạn cũng có thể làm điều đó. Hãy nói rằng những cái cây có chiều cao khác nhau, một số cây mọc rêu, một số cây thích ánh nắng mặt trời, số khác thì không.
Dần dần, chính đứa trẻ sẽ chú ý đến các chi tiết của thế giới xung quanh. Tại thời điểm đó, những thay đổi rất quan trọng xảy ra trong não của nó. Từ hai đến bảy tuổi, đứa trẻ thường đặt nhiều câu hỏi “Tại sao?”, và người lớn cần trả lời cặn kẽ.
7. Không nên làm bài tập thay con
Sukhomlinsky viết, học sinh nên làm bài tập trong cùng một thời gian. Kỷ luật rèn luyện tính cần cù và tự lập. Các em bắt buộc phải làm bài tập về nhà một mình, chứ không phải cùng với các bạn trong lớp.
Vì theo quan sát của ông, việc những học sinh giỏi và kém làm bài tập chung dẫn đến một thực tế là những học sinh kém chỉ máy móc sao chép kết quả của bạn, không có thời gian để tìm hiểu vấn đề.
Ngoài ra, bố mẹ không nên làm bài tập thay con, nhưng cần lắng nghe câu trả lời bằng miệng của con và theo dõi việc tổ chức thời gian học tập.
Bắt buộc phải làm những bài tập được giao ngày hôm nay, ngay cả khi tiết học tiếp theo về chủ đề này sẽ diễn ra một tuần sau. Vào ngày hôm trước cần phải ôn lại bài đã học.
Sukhomlinsky khẳng định, các quy tắc này góp phần nâng cao chất lượng học tập, và đứa trẻ đỡ vất vả hơn.