Hằng năm, khi trẻ em trở lại trường học, cha mẹ thường có những biện pháp giúp con sẵn sàng với một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh. Nhờ đó, trẻ có thể đối phó với những cơn cảm lạnh cũng như các bệnh khác. Song bây giờ, danh sách đó đã được bổ sung căn bệnh khác: Covid-19. Đại dịch có thể gây ra một số triệu chứng tương tự các bệnh khác.
Tiến sĩ Leana Wen - bác sĩ cấp cứu và là Giáo sư thỉnh giảng về quản lý và chính sách y tế tại Trường Y tế Công cộng Milken, Đại học George Washington (Mỹ) - chia sẻ: “Chúng tôi biết rằng, những người bị tổn thương hệ miễn dịch có nhiều khả năng mắc Covid-19 và nhiễm bệnh nặng.
Chúng tôi không biết liệu mức độ cải thiện khả năng miễn dịch của bạn có thể ngăn cản Covid-19 theo một cách nào đó. Song, chúng tôi không có dữ liệu để khẳng định điều đó. Tuy nhiên, từ góc độ thông thường, dù sao, chúng ta cũng nên làm mọi thứ có thể để cải thiện sức khỏe”.
Trong khi đó, Julie Stefanski - chuyên gia dinh dưỡng kiêm người phát ngôn của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng (Mỹ) - cho biết, hệ thống miễn dịch liên quan đến nhiều chức năng của cơ thể.
Do đó, việc hỗ trợ hệ miễn dịch đòi hỏi mọi người phải có một số nền tảng cơ bản. Các chuyên gia đã gợi ý 7 phương pháp giúp phụ huynh hỗ trợ hệ miễn dịch của con, thông qua vệ sinh, thực phẩm, nghỉ ngơi và hơn thế nữa:
1. Khuyến khích vệ sinh cá nhân
Tiến sĩ Maya Adam - Phó Giáo sư lâm sàng về nhi khoa tại Đại học Stanford, California - cho biết, cha mẹ có thể bảo vệ con khỏi nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu. Cụ thể, phụ huynh hãy cố gắng hết sức để ngăn trẻ tiếp xúc với các tác nhân truyền nhiễm.
“Điều đó liên quan đến việc thực sự tuân thủ các biện pháp giữ vệ sinh. Việc rửa tay là vô cùng quan trọng. Đó là điều số một mà chúng ta có thể dạy con. Hãy nhắc trẻ rửa tay thường xuyên, bất kể khi nào môi trường cho phép.
Nếu địa phương đưa ra các khuyến nghị, hãy yêu cầu trẻ thực hành theo những hướng dẫn về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Cố gắng và cẩn thận về việc không để trẻ ở trong đám đông, đặc biệt là nếu có các nguồn lây nhiễm tiềm ẩn”, bà Adam nhấn mạnh.
Julia Zumpano - chuyên gia dinh dưỡng tại Phòng khám Cleveland ở Ohio - nhận định, cha mẹ cần khuyến khích trẻ rửa tay khi đi học về, hoặc lúc chúng chuẩn bị ăn. Nữ chuyên gia này nhấn mạnh, trừ khi con vừa tắm, nếu không, cha mẹ hãy yêu cầu trẻ rửa tay và mặt trước khi đi ngủ.
2. Tuân theo lịch tiêm chủng
Tiến sĩ Adam chia sẻ, hiện, trẻ em dưới 12 tuổi không thể chủng ngừa virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc tuân theo lịch tiêm chủng các bệnh khác là vô cùng quan trọng đối với sức khỏe lâu dài của tất cả trẻ nhỏ. Do vậy, chuyên gia Zumpano khuyến nghị, phụ huynh cần hỏi bác sĩ nhi khoa của con để biết đâu là những loại vắc-xin cần thiết cho trẻ trong từng giai đoạn.
“Tôi đang khuyến khích các cha mẹ tin tưởng vào thực tế rằng, lý do chúng ta không có ca bệnh bại liệt nào là vì sự xuất hiện của một loại vắc-xin. Khi con bạn đủ điều kiện, việc cho chúng tiêm vắc-xin chống lại Covid-19 là chìa khóa để giữ trẻ khỏe mạnh và chấm dứt đại dịch này.
Ngay khi vắc-xin phòng Covid-19 có sẵn và được chấp thuận cho trẻ dưới 12 tuổi, đứa con 11 tuổi của tôi sẽ là một trong những người đầu tiên”, Tiến sĩ Adam nhấn mạnh.
Cũng theo chuyên gia này, vắc-xin là một phần trong việc duy trì sức khỏe của mọi người. Bà so sánh, tiêm vắc-xin cũng cần thiết tương tự việc đánh răng và dùng chỉ nha khoa vào mỗi tối, hay ngủ đủ giấc hoặc ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
3. Cân bằng vi chất
Khi nói đến việc sử dụng thực phẩm để hỗ trợ chức năng miễn dịch, một phương pháp mà các chuyên gia này khuyên là cân bằng dinh dưỡng cho trẻ. Tiến sĩ Adam - tác giả cuốn sách “Thực phẩm, Tình yêu: Hướng dẫn thực tế đến Dinh dưỡng cho Trẻ em” - chia sẻ: “Nếu muốn giúp con cân bằng về mặt dinh dưỡng, phụ huynh hãy tăng cường đa dạng các loại trái cây và rau quả vào bữa ăn, trong trường hợp điều kiện cho phép”.
Tiến sĩ Mark Corkins, Chủ tịch Ủy ban về dinh dưỡng của Học viện Nhi khoa Mỹ, Chủ tịch của St. Jude về tiêu hóa nhi khoa và là Giáo sư tại Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Tennessee, cho biết, kẽm cũng như những vitamin nhóm B, C và A.
Chúng là một số vi chất dinh dưỡng khác giúp các tế bào miễn dịch chống lại nhiễm trùng. Thực phẩm giàu kẽm bao gồm hàu, thịt đỏ, thịt gia cầm, các loại hạt và hải sản. Trong khi đó, các loại thực phẩm như cá hồi, nội tạng động vật, rau xanh và những sản phẩm từ sữa đều cung cấp vitamin A.
Tất cả các nhóm thực phẩm đều chứa hàm lượng vitamin B khác nhau. Đặc biệt, trái cây họ cam, quýt, bông cải xanh, dâu tây và cà chua là những loại giàu vitamin C.
Theo Tiến sĩ Adam, phụ huynh nên để trẻ em có thể nhìn thấy và dễ dàng tiếp cận các lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn. Để thực hiện phương pháp này, cha mẹ có thể gọt sẵn trái cây. Sau đó, để trái cây ra bàn vào giờ ăn nhẹ của trẻ. Chuyên gia dinh dưỡng Stefanski gợi ý, vào bữa tối, phụ huynh hãy bảo đảm có ít nhất một loại rau trong thực đơn.
4. Thúc đẩy đường ruột khỏe mạnh
Tiến sĩ Corkins cho biết, hệ vi sinh vật trong đường tiêu hóa giúp điều chỉnh cách hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động. Trong khi đó, theo Tiến sĩ Adam, thực phẩm có men vi sinh hỗ trợ hệ vi sinh vật bao gồm sữa chua, thức uống sữa lên men, kim chi, dưa cải và bánh mì chua.
Chuyên gia dinh dưỡng Stefanski khuyến nghị, cha mẹ nên cho trẻ thường xuyên ăn thực phẩm ở dạng nguyên hạt. Bởi, vi khuẩn đường ruột được nuôi dưỡng bởi một số chất xơ trong chế độ ăn.
5. Ưu tiên giấc ngủ
Ngủ là lúc cơ thể tái tạo. Vì vậy, chuyên gia dinh dưỡng Zumpano cho biết, việc giúp con duy trì thói quen ngủ lành mạnh cũng là một trong những điều cần thiết để hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Trong khi đó, Tiến sĩ Adam gợi ý, trẻ nhỏ có thể thư giãn bằng cách đọc sách hoặc đi dạo ngoài trời trước khi đi ngủ. Những đứa trẻ lớn hơn có thể thích thư giãn bằng cách nghe âm thanh từ ứng dụng thiền, hoặc những câu chuyện.
“Hãy bắt đầu thói quen đó một giờ trước khi đi ngủ. Như vậy, thói quen đó sẽ giúp trẻ chuyển sang giai đoạn ngủ tốt hơn. Tôi không nghĩ rằng, các con của mình từng nghe thấy những âm thanh kết thúc. Bởi, chúng đã ngủ trước khi đó”, Tiến sĩ Adam chia sẻ.
Chuyên gia Stefanski bổ sung, một căn phòng tối và mát mẻ sẽ là điều kiện lý tưởng nhất cho giấc ngủ ngon. Học viện Nhi khoa Mỹ đã đưa ra khuyến cáo chi tiết về số thời gian trẻ em cần ngủ tùy theo độ tuổi.
6. Giúp trẻ giảm căng thẳng
Theo Tiến sĩ Adam, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, căng thẳng mãn tính là tác nhân gây suy giảm hệ miễn dịch. Do đó, việc theo dõi sức khỏe tinh thần của con là vô cùng quan trọng.
Phụ huynh có thể chú ý tới sức khỏe tinh thần con thông qua các cuộc thảo luận với trẻ. Bên cạnh đó, nhờ tới sự hỗ trợ từ các chuyên gia sức khỏe tâm thần cũng là phương pháp hữu ích để tăng khả năng miễn dịch ở trẻ.
“Tôi biết điều này nghe có vẻ bất khả thi. Tuy nhiên, nếu bạn định ăn, hãy thử cân nhắc đến khoảng thời gian để có thể ăn cùng và trò chuyện với con. Có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về giờ ăn và phương pháp có lợi cho sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Bởi, cách làm đó cung cấp cho trẻ một diễn đàn thường xuyên - nơi chúng có thể bày tỏ mọi thứ. Sẽ kém hiệu quả hơn nhiều nếu cha mẹ nói thẳng với trẻ rằng: “Có điều gì khiến con phiền lòng không?””, Tiến sĩ Adam bày tỏ.
7. Đưa trẻ ra ngoài
Chuyên gia Zumpano cho biết, tập thể dục giải phóng các chất hóa học. Từ đó, thúc đẩy tâm trạng tốt và giảm căng thẳng. Đồng thời, hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh. Trong khi đó, Tiến sĩ Adam nhận định: “Trẻ nhỏ nên chơi và hãy để chúng ở ngoài trời càng nhiều càng tốt.
Phụ huynh cần để trẻ chạy xung quanh, chơi bất cứ điều gì chúng yêu thích. Hãy để con có thể tham gia các trò chơi ngoài trời một cách an toàn”.