Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khai mạc ngày 4/5 và dự kiến kéo dài đến 10/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 và Kết luận tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, Bộ Chính trị giao Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh uỷ, thành uỷ nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đề án có sự kế thừa kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần mà Tổng Bí thư đã nhiều lần nói là: "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang sáng suốt!".
Trước đó, tại cuộc họp báo sau khi kết thúc cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Nguyễn Thái Học – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đồng bộ, quyết liệt, kết hợp giữa Trung ương và địa phương. Như vậy, việc thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo một cách trực tiếp, toàn diện công tác đấu tranh chống “giặc nội xâm” ở địa phương.
Theo ông Nguyễn Thái Học, thời gian qua, các địa phương đã có sự chuyển biến rất tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng, đã chủ động phát hiện, xử lý một cách mạnh mẽ, quyết liệt. Nhiều nơi đã bắt nhịp được yêu cầu chỉ đạo của Trung ương, ban hành chỉ thị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, hoặc ban hành kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, từ đó dần khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh". Nhiều địa phương khi tiến hành sơ kết, tổng kết đã đề nghị Trung ương cho thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh.
Do đó, ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh sự cần thiết thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh theo mô hình ở Trung ương để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, có hệ thống từ Trung ương tới địa phương; Trung ương sẽ kiểm tra, đôn đốc Ban chỉ đạo ở địa phương.
"Tổng Bí thư nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã có chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Sắp tới, Ban Chỉ đạo ở cấp Trung ương không làm thay việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cấp tỉnh, mà do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh triển khai, thực hiện. Trung ương chỉ đóng vai trò hướng dẫn, theo dõi, đầu tàu" – ông Nguyễn Thái Học cho biết.