60 năm phong trào “Nghìn việc tốt”

GD&TĐ - Bước vào thời kỳ mới, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) đã và đang từng bước phát huy truyền thống anh hùng, tiếp tục lan tỏa phong trào “Nghìn việc tốt” trong sự nghiệp trồng người.

Thầy Nguyễn Đức Thìn thăm hỏi, động viên học sinh Trường THCS Tam Sơn.
Thầy Nguyễn Đức Thìn thăm hỏi, động viên học sinh Trường THCS Tam Sơn.

Dấu ấn người “mở đường”

Với những cống hiến lớn lao cho sự nghiệp GD&ĐT, thầy Nguyễn Đức Thìn vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động (năm 1985); Nhà giáo Nhân dân (năm 1988), cùng với đó là nhiều phần thưởng cao quý khác. 
Giờ đây, thầy Nguyễn Đức Thìn vẫn hàng ngày làm thơ, viết sách báo và những câu chuyện ý nghĩa về cuộc sống để in thành sách tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là cuốn tự truyện “Chuyện cuộc đời” và tập thơ “Bình minh đến sớm” và đặc biệt là tuyển tập “Nghìn việc tốt - Chuyện kể ở Tam Sơn” được in nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong trào “Nghìn việc tốt” (24/3/1963 – 24/3/2013).

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo Phòng GD&ĐT thành phố Từ Sơn, chúng tôi tìm về gặp Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn, người con tiêu biểu của quê hương truyền thống cách mạng Đình Bảng.

Tiếp chúng tôi ở Trường THCS Tam Sơn (Từ Sơn), mặc dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (82 tuổi) vẫn dáng vẻ mẫn tuệ, chân bước nhanh nhẹn với giọng trầm bổng hồ hởi kể về những ngày đầu “mở đường” trong phong trào “Nghìn việc tốt” trong sự nghiệp trồng người ở quê hương.

Bên ấm trà pha vội, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn chậm rãi chia sẻ, khi mới 11 tuổi đã tham gia vào Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng để trở thành đội viên với nhiệm vụ theo dõi tình hình địch, qua đó, đánh lạc hướng địch và thu thập tin tức báo cáo cho tổ chức.

Hiệp định Geneve được ký kết sau chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, cậu thiếu niên Nguyễn Đức Thìn tiếp tục đi học tại Trường Trung học Hàn Thuyên (Bắc Ninh), sau đó, dạy học lớp bình dân học vụ và là giáo viên, phụ trách công tác Đội tại Trường Tiểu học Đình Bảng. Đến năm 1961, thầy Nguyễn Đức Thìn về dạy học tại Trường cấp II Liên Sơn nay là Trường THCS Tam Sơn và phong trào “Nghìn việc tốt” đã ra đời.

“Sáng 24/3/1963, liên đội thiếu niên tiền phong Ngô Gia Tự Trường Cấp 2 Liên Sơn sau khi đi trồng cây hai bên đường vào nhà đồng chí Ngô Gia Tự ở xóm Xanh, Tam Sơn, lúc họp tổng kết đã sáng kiến phát động phong trào “thi đua làm nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, phấn đấu trở thành cháu ngoan Bác Hồ”  gọi tắt là Nghìn việc tốt...”, thầy Thìn kể lại.

Thầy Thìn nhấn mạnh: “Làm nghìn việc tốt là làm nhiều việc tốt để trở thành người tốt, người chân chính, có bản lĩnh. Nghìn việc tốt thực tiễn là “việc nhỏ nghĩa lớn, tuổi nhỏ chí lớn và đặc biệt phải học theo lời Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, khuyến khích tự giác, tự quản làm việc tốt thường xuyên theo nội quy, nhiệm vụ của nhà trường...”.

Tuy nhiên, không mấy người biết rằng, ẩn sâu trong người thầy có dáng nhỏ thó, gầy gò, đôi bàn tay không còn lành lặn do di chứng của căn bệnh phong để lại là một nghị lực phi thường. Năm 1978, ở độ tuổi chín muồi của sự nghiệp, mới ngoài 30 tuổi, thầy Nguyễn Đức Thìn bị mắc căn bệnh phong. Trước đây, căn bệnh này từng bị coi là “tứ chứng nan y”.

Đến trại phong trong một ngày đông giá rét với hành trang là những cuốn sách, tập vở, bút viết, thầy Thìn đã không khỏi xúc động khi nhìn thấy các cháu nhỏ không được học hành, phải theo bố mẹ sống trong trại. Thế rồi, thầy Thìn tự nhủ mình phải sống để giúp đỡ các em được học hành và làm những việc có ý nghĩa. Trước nhiệt huyết và tấm lòng của thầy giáo Nguyễn Đức Thìn, Ban Giám đốc Bệnh viện đồng ý cho mở trường học Lê Văn Tám.

Ngày 5/9/1979 trong ngày khai giảng của cả nước, trường Lê Văn Tám được thành lập trong niềm vui sướng, hân hoan của những đứa trẻ đáng thương nơi đây. Ngoài việc trực tiếp tổ chức, lên kế hoạch và đứng lớp giảng dạy, thầy Thìn còn tập hợp tất cả những người từng làm giáo viên, họa sĩ,.. đang điều trị tại trại phong. Với quan điểm bất cứ ai có thể dạy  học được điều gì hữu ích cho các em thì thầy Thìn đều mời tham gia vào lớp học.

Dù tuổi cao nhưng thầy Nguyễn Đức Thìn vẫn tâm huyết viết sách, báo truyền lửa cho thế hệ trẻ.
 Dù tuổi cao nhưng thầy Nguyễn Đức Thìn vẫn tâm huyết viết sách, báo truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Vừa dạy học vừa điều trị bệnh, sau hơn 4 năm với bản lĩnh và ý chí thép, thầy Nguyễn Đức Thìn đã chiến thắng bệnh tật, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”. Trở về Trường THCS Tam Sơn trong niềm hân hoan đón chào của nhiều thế hệ học trò, thầy Thìn lại tiếp tục đứng lớp và cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục và phong trào “Nghìn việc tốt” do chính thầy khởi xướng trước đó.

“Phong trào “Nghìn việc tốt” do mình khởi xướng và phát động từ những năm 1963, và khi đó đã lan tỏa khắp miền Bắc, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người, đặc biệt là học sinh, sinh viên cả nước...”, thầy Thìn nhớ lại.

Hơn 30 năm đứng lớp, năm 1991, thầy Thìn nghỉ hưu theo chế độ và về tham gia công tác tại đền Đô với vai trò là thành viên Ban Quản lý Di tích. Thầy Thìn cũng là một trong những người viết đơn xin xây dựng lại đền Đô. Khi đền Đô được xây dựng lại, thầy Thìn lại kiêm thêm nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Sức lan tỏa “Nghìn việc tốt”

Cô Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ thành tích nhà trường với thầy Nguyễn Đức Thìn.
Cô Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ thành tích nhà trường với thầy Nguyễn Đức Thìn.

Xúc động kể về thầy giáo đáng kính của mình, cô Nguyễn Thị Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Sơn cho biết, thầy Thìn là tấm gương sáng, bông hoa đẹp cho các thế hệ học trò noi theo.

Cô Nguyễn Thị Kim Anh phấn khởi thông tin, ngôi trường Tam Sơn tự hào 60 năm xây dựng và trưởng thành (năm 1961 do thầy Nguyễn Đức Thìn làm Tổng phụ trách và khởi xướng phong trào “Nghìn việc tốt”), nhà trường luôn xứng đáng là địa chỉ “đỏ” trong đào tạo chất lượng văn hóa cho học sinh. Chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn là “tốp” đầu của thành phố Từ Sơn, nhiều năm qua, Trường THCS Tam Sơn được xếp loại xuất sắc theo tiêu chuẩn “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

“Thầy và trò nhà trường không ngừng thi đua dạy tốt, học tốt, làm nghìn việc tốt, phát huy truyền thống hiếu học quê hương cách mạng, anh hùng, thành phố trẻ của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, có tấm gương sáng thầy Nguyễn Đức Thìn…”, cô Nguyễn Thị Kim Anh nhấn mạnh.

Nguyễn Vũ Phương Ly - lớp 9A Trường THCS Tam Sơn thì cho biết, học về tấm gương và phong trào “Nghìn việc tốt” của thầy Nguyễn Đức Thìn luôn giúp các em thêm yêu quê hương, Tổ quốc. “Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, phấn đấu rèn luyện tốt, học tập tốt là những bài học được thầy cô nhắc nhở để chúng em phấn đấu noi theo tấm gương thầy Nguyễn Đức Thìn...”, em Ly nói.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Từ Sơn cho biết, phong trào “Nghìn việc tốt, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy” là niềm tự hào không chỉ dành riêng cho lớp lớp đội viên, tổng phụ trách, Đoàn Thanh niên, nhà trường Tam Sơn - Đây còn là niềm tự hào, truyền thống của ngành GD&ĐT nói chung cũng như Giáo dục Từ Sơn nói riêng.

“Từ 1/11/2021, Từ Sơn bước vào thời kỳ mới, với vị thế, tầm vóc của một thành phố trẻ, ngành GD&ĐT thành phố Từ Sơn đang từng bước thổi hồn để phong trào “Nghìn việc tốt” tiếp tục lan tỏa trong sự nghiệp trồng người…”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Từ Sơn nhấn mạnh, đối với công tác Đội Thiếu niên tiền phong và phong trào thiếu nhi trường học: Tiếp tục phát động sâu rộng trong đội viên, học sinh các phong trào “Nói lời hay - Làm nghìn việc tốt”, “Nghìn việc tốt, triệu niềm vui”, “Vườn hoa Nghìn việc tốt”...

“Đặc biệt, là phong trào “Nghìn việc tốt” ngày nay không chỉ bó hẹp trong việc rèn luyện ý thức cá nhân mà còn được mở rộng hơn trong việc bản thân đội viên phải biến những ý thức cá nhân đó thành việc giúp đỡ người khác cũng biết rèn luyện để trở thành Đội viên tốt, cháu ngoan Bác Hồ…”, ông Dũng nói.

Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Từ Sơn đề nghị, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động trong ngành Giáo dục thành phố tích cực học tập, rèn luyện, tiếp tục trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Gần gũi, thân ái giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, học sinh cùng cất cánh, vươn lên trong cuộc sống. Xây dựng trường học hạnh phúc với phương châm không bỏ lại ai phía sau. Qua đó, chính là góp phần học tập tốt tấm gương của thầy Nguyễn Đức Thìn…”, ông Dũng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ