6 tên lửa đạn đạo nhắm vào Biển Đỏ, một chỉ huy thiệt mạng vì UAV tấn công Iraq

GD&TĐ -  Tình hình Trung Đông ngày 7/2, cuộc tấn công bằng UAV vào Iraq làm một chỉ huy thiệt mạng, 6 tên lửa đạn đạo nhắm vào Biển Đỏ và Vịnh A Đen.

Chiếc xe bị trúng đòn tấn công bằng UAV của Mỹ, được cho là đã làm chết thủ lĩnh của Kataib Hezbollah ở Baghdad, Iraq vào ngày 7/2/2024. (Ảnh: MURTAJA LATEEF / AFP)
Chiếc xe bị trúng đòn tấn công bằng UAV của Mỹ, được cho là đã làm chết thủ lĩnh của Kataib Hezbollah ở Baghdad, Iraq vào ngày 7/2/2024. (Ảnh: MURTAJA LATEEF / AFP)

Gaza: Các nguồn tin địa phương đưa tin 6 thường dân đã thiệt mạng trong vụ pháo kích của Israel nhắm vào phương tiện của họ ở khu phố Khirbat al-Adas ở thành phố Rafah, phía nam Dải Gaza, hãng thông tấn Palestine Wafa đưa tin.

Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine hôm 6/2 cho biết Bệnh viện al-Amal ở Khan Younis, nơi bị Israel bao vây trong 2 tuần, đã hứng chịu các đợt pháo kích dữ dội và tiếng súng liên tục, khiến các mảnh đạn bay vào bệnh viện.

Bờ tây: Một đoàn xe quân sự và máy ủi của Israel đã xông vào thành phố Jenin ở Bờ Tây tối 6/2.

Quân đội Israel cũng tấn công thành phố Tulkarem, bao vây trại Nur Shams trong khi máy ủi phá hủy cơ sở hạ tầng gần đó.

Lực lượng Israel bắn chết Mahmoud Soud Titi, 18 tuổi, người Palestine tại trạm kiểm soát Beit Furik, phía đông Nablus, sau khi người này bị cáo buộc cố gắng tấn công bằng dao, Wafa đưa tin.

Theo Wafa, Israel đã phá hủy một bức tường chắn ở thị trấn Bani Naim, phía đông Hebron.

Biển Đỏ: Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ (CENTCOM) đăng trên mạng xã hội X rằng lực lượng Houthi đã bắn 6 tên lửa đạn đạo chống hạm về phía nam Biển Đỏ và Vịnh Aden. Không ai bị thương và chỉ có thiệt hại nhỏ được báo cáo.

Iraq: Mỹ đã thực hiện một cuộc tấn công UAV vào một chiếc xe ở thủ đô Iraq vào tối 7/2, làm chết 3 thành viên của lực lượng dân quân Kataib Hezbollah, trong đó có một chỉ huy cấp cao. Bộ Tư lệnh Trung tâm của Washington (CENTCOM) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.

Bản đồ xung đột Israel - Hamas ngày 7/2. (Ảnh: Rybar)

Bản đồ xung đột Israel - Hamas ngày 7/2. (Ảnh: Rybar)

Về ngoại giao

Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi tuyên bố sẽ không có quan hệ ngoại giao với Israel trừ khi một nhà nước Palestine độc lập được công nhận theo đường biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô.

Hạ viện Mỹ đã bác bỏ dự luật do Đảng Cộng hòa đề xuất nhằm cung cấp 17,6 tỷ USD hỗ trợ cho Israel trong cuộc bỏ phiếu hôm 6/2.

Hôm 6/2, Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani cho biết Hamas đã có phản ứng “nói chung là tích cực” đối với một thỏa thuận ngừng bắn được đề xuất với Israel, khi nhóm Palestine nhắc lại yêu cầu chấm dứt cuộc tấn công của Israel vào Gaza.

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với phóng viên rằng phản ứng của Hamas đối với khuôn khổ ngừng bắn ở Gaza được đề xuất “có vẻ hơi quá đáng” nhưng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Israel để làm trung gian cho điều mà Bộ Ngoại giao nước này gọi là “sự kết thúc lâu dài” cho cuộc chiến ở Gaza. Trước đó, ông đã đến thăm Ả Rập Saudi, Qatar và Ai Cập trong chuyến công du khu vực lần thứ 5 từ tháng 10 năm ngoái.

Khủng hoảng nhân đạo ở Gaza

Theo Bộ Y tế Gaza, ít nhất 107 người Palestine đã thiệt mạng và 143 người khác bị thương từ 5 đến ngày 6/2. Điều này đưa số người Palestine thiệt mạng ở Gaza lên tới 27.585 người tính đến 6/2.

Cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc OCHA báo cáo từ tháng 1, khả năng tiếp cận những người đang gặp khó khăn ở Gaza của các nhiệm vụ viện trợ nhân đạo đã trở nên tồi tệ hơn. Trong số 61 sứ mệnh được lên kế hoạch tới phía bắc Gaza, 10 sứ mệnh được Israel tạo điều kiện và 34 sứ mệnh bị từ chối tiếp cận.

Tính đến 3/2, Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ước tính khoảng 75% dân số 2,3 triệu người của Gaza, hơn một nửa trong số đó là trẻ em, phải di dời.

Giao tranh diễn ra ở phía tây Dải Gaza.

Theo Al Jazeera/RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ