Thứ nhất, cử tri kiến nghị Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng pháp luật, tránh tình trạng một số đạo luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi; khắc phục tình trạng luật khung phải chờ hướng dẫn của Chính phủ mới triển khai thực hiện; kiên quyết không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm những dự luật chuẩn bị chưa tốt, tránh tình trạng một số dự án luật đã phải rút ra. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động chất vấn, giám sát, giải quyết tốt kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Thứ hai, đông đảo cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những biện pháp hữu hiệu để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; đồng thời chỉ đạo ngành ngân hàng tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn để DN nhỏ được vay vốn.
Thứ ba, về vấn đề lao động và việc làm, cử tri cho rằng, thời gian qua các cơ quan chức năng chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về lao động, … Đặc biệt, nhân dân và cử tri nhiều nơi rất bức xúc trước việc ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước ta bị tàu nước ngoài bắt giữ, xử phạt và thu giữ công cụ đánh bắt đang có chiều hướng gia tăng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhiều ngư dân. Nhiều cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngư dân ra khơi đánh bắt cá, vừa ổn định đời sống, phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Thứ tư, về giáo dục, đào tạo, y tế và xã hội, cử tri đề nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục, khắc phục tình trạng cho phép thành lập các trường đại học kém chất lượng, sinh viên ra trường không tìm được việc làm. Ngoài ra, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn cũng làm cử tri lo lắng.
Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ, tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống, coi thường tính mạng người khác và chính bản thân mình của một bộ phận giới trẻ… có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố lớn; tình trạng bạo lực gia đình, nạn bạo hành đối với trẻ em, thái độ thờ ơ của nhiều người… đang là nỗi lo của xã hội.
Trong lĩnh vực y tế, tình trạng quá tải của các bệnh viện, vấn đề y đức của thầy thuốc, tình trạng bác sĩ cấu kết với nhà thuốc kê đơn nhiều, người tham gia bảo hiểm y tế còn phiền hà… là những vấn đề được cử tri yêu cầu Chính phủ kiểm tra, xử lý.
Thứ năm, về công tác quản lý đất đai, quản lý quy hoạch và tài nguyên, môi trường, cử tri kiến nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan đến các vụ việc nổi cộm ở một số tỉnh cho doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng dài hạn. Vấn đề quy hoạch đô thị nói chung, đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh cũng được rất nhiều cử tri quan tâm và đề nghị Quốc hội cần thảo luận, xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án này. Cử tri cũng rất bức xúc về vấn đề nhiều DN vì lợi nhuận đã bất chấp pháp luật, xả chất thải trực tiếp ra môi trường, làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Thứ sáu, về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cử tri và nhân dân hoan nghênh thời gian qua Đảng và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tuy nhiên, đông đảo cử tri cho rằng tham nhũng vẫn diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng các cơ quan chức năng phát hiện còn ít; một số vụ tham nhũng lớn việc xử lý còn chậm; một số vụ xử lý chưa thoả đáng, gây bất bình, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp và hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
Quang Anh