6 ngày trong tay cướp biển của thuyền viên Sunrise

18 người bị nhốt chung một phòng, mỗi ngày chỉ được ăn một bát mì tôm, có ngày bị bỏ đói, đánh đập, các thuyền viên tàu Sunrise đã may mắn trở về sau những ngày bị cướp biển khống chế.

6 ngày trong tay cướp biển của thuyền viên Sunrise

Trên đường trở về cảng Vũng Tàu, qua điện thoại thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng và đại phó Phạm Văn Hoàng đã kể những ngày kinh hoàng, khi con tàu rơi vào tay cướp biển.

Tối 2/10, thấm mệt sau một ngày tiếp nhận dầu, 18 thuyền viên theo tàu Sunrise rời cảng Horizon (Singapore). Màn đêm buôn xuống, như thường lệ, tàu cắt cử một kíp trực gồm 3-4 người, số thủy thủ còn lại về buồng ngủ. 2h40 sáng 3/10, hai kíp trực bắt đầu thủ tục giao ca.

Thủy thủ Trần Văn Lịch bước ra cửa cabin để lên boong tàu, nhận nhiệm vụ trực an ninh thì bất ngờ thấy lờ mờ hơn chục người bịt mặt, mặc đồ đen đi trên hai tàu cá và một canô áp sát mạn. Tàu đầy hàng, mạn nước thấp nên chúng nhanh chóng nhảy lên mà không phải bắc thang dây. Trong tích tắc, anh Lịch bị một số kẻ lao đến dí súng vào đầu. Quay người bỏ chạy, anh bị chúng đạp ngã xuống nền, làm trật khớp cổ chân.

Những tên này dùng dao và chân tay phá cửa phòng máy trưởng Lương Đại Thành. Anh Thành nhảy cửa sổ thoát ra ngoài, sau đó bị chúng khống chế và bị thương nặng ở xương bánh chè, gãy xương ngón chân.

Các tên cướp lăm lăm súng, kiếm lùng sục toàn bộ buồng máy, buồng ngủ, buồng bếp, dựng các thuyền viên dậy và trói tay, tập trung tất cả về buồng thuyền trưởng. Chúng cũng tắt, đập phá các thiết bị an ninh.

Sự việc xảy ra quá nhanh, nhiều người đang ngủ nên dù tàu được lắp đặt 2 thiết bị báo động ở buồng lái và phòng thuyền trưởng, nhưng các thủy thủ đã không kịp trở tay.

18 người bị nhốt vào buồng thuyền trưởng, ngoài cửa có 3-4 tên đứng cửa cầm súng, kiếm canh gác. Những tên khác lục lọi khắp người thuyền viên và trên tàu lấy đi các vật dụng nhỏ nhất từ quần áo tới tiền bạc, điện thoại, đồ dùng cá nhân. Một tên biết nghề nhận việc điều khiển tàu.

Cả ngày hôm đó, 18 người bị bỏ đói và liên tục bị dọa giết, một số bị đánh đập. “Lúc nhóm cướp tấn công, tàu đang ở luồng hàng hải quốc tế, có rất nhiều tàu lưu thông. Biết khu vực này nguy hiểm, tàu lại bé, đi trong đêm tối nên tôi đánh tàu vào giữa luồng, nhưng cướp vẫn ngang nhiên lao ra cướp tàu”, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng nhớ lại.

tausunries-4538-1412902653.jpg

Tàu Sunrise được trang bị khá hiện đại.

Một ngày sau, những tên canh gác bỏ khăn bịt mặt, các thuyền viên nhận diện đó là người da đen, nói tiếng Anh giọng Indonesia và Malaysia.

Đến chiều, thủy thủ đoàn vừa đói vừa khát nên nài nỉ chúng cởi trói và cho thuyền trưởng Thắng - người duy nhất sử dụng tiếng Anh lưu loát, xuống bếp nấu cơm. Ăn xong bữa cơm duy nhất trong ngày, các thuyền viên lại bị nhốt vào buồng.

Thời gian ngắn ngủi đi lại từ buồng bếp đến buồng máy trưởng để nấu ăn, anh Thắng nhanh tay móc được chiếc điện thoại trong túi đồ nhóm cướp để dưới sàn rồi giấu ở khu bếp.

Trong 18 thủy thủ, nhiều người còn rất trẻ, chưa từng rơi vào hoàn cảnh này, thỉnh thoảng họ lại bị toán cướp đánh phủ đầu nên hoang mang, lo sợ tột độ. Hai người bị thương rên đau, trong đó máy trưởng Lương Đại Thành sốt cao, ngủ ly bì khiến các thủy thủ càng lo lắng. Cả ngày mỗi người chỉ được ăn một bát mì tôm và ăn ngay trong buồng nhốt.

Nhóm cướp nấu ăn luôn trong bếp của tàu từ thực phẩm có sẵn. Chúng chỉ sử dụng rau củ quả, trứng và thịt gà. Còn hàng chục kg thịt bò, thịt lợn chúng không đụng tới.

Bị nhốt, đánh đập và bỏ đói, nhiều người bày tỏ sự tuyệt vọng, không biết có còn khả năng trở về quê. Từng bị cướp biển Somalia bắt giam nhiều tháng, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng đã động viên anh em giữ tinh thần, dưỡng sức.

Ngày thứ ba, nhóm cướp cho tàu Sunrise dừng lại, đưa tàu chuyên dụng áp sát mạn bơm hút dầu. Một số thủy thủ được ra khỏi buồng giam để hỗ trợ chúng bơm dầu, nhưng họ không thể xác định được đó là vùng biển nào. Qua lời bọn chúng trao đổi, anh Thắng nghe được thông tin "tàu đang trên vịnh Thái Lan". Sau khi hút khoảng 1/3 số dầu, chúng nói sẽ lấy tiếp.

Ngày thứ tư bị giam cầm, một số thuyền viên bắt đầu lo ó phản đối. Sợ bị cướp ra tay sát hại, thuyền trưởng Thắng trấn an các thủy thủ và chuyển thông điệp bằng tiếng Anh tới các tên cướp rằng: Tàu đã mất liên lạc nhiều ngày, phía Việt Nam và các nước trong khu vực đang triển khai tìm kiếm. Nếu các anh không rời tàu, thả người, không bao lâu nữa hải quân và cảnh sát biển Việt Nam sẽ đi tìm và các anh sẽ bị bắt.

Máy trưởng Lương Đại Thành sau nhiều ngày sốt cao, ngủ ly bì, được các thủy thủ chăm sóc đã tỉnh lại và ăn uống được.

Tối 8/10, sau sáu ngày chiếm giữ Sunrise, nhóm cướp bất ngờ xuống một tàu gỗ giống tàu cá, cắm 2 lá cờ Malaysia ở đầu và Việt Nam ở đuôi, nói 30 phút nữa sẽ quay lại.

Thấy chúng bỏ đi, các thủy thủ vội kiểm tra tàu thì thấy, các thiết bị như: nhận dạng VHF, radar, định vị… bị phá, cắt dây, đốt chip, nhưng may mắn máy lái vẫn hoạt động tốt và còn la bàn nên thuyền trưởng điều khiển tàu theo hướng Đông Bắc.

Chạy liên tục khoảng 10 tiếng đồng hồ, họ may mắn gặp tàu cá Việt Nam đang hành nghề nên bắn pháo hiệu và còi đề nghị trợ giúp. Chủ tàu Ngọc Thúy ở Bình Thuận đã giúp xác định vị trí, tọa độ và báo cơ quan chức năng. Nhờ sự dẫn dắt của tàu cá này, Sunrise đã tiến sâu hơn vào vùng biển Việt Nam.

Sáng 9/10, cột sóng trên chiếc điện thoại duy nhất của thuyền trưởng Thắng bắt đầu đầy lên, mọi người mừng rỡ thay nhau liên lạc về nhà, báo tin cho công ty.

Chiều cùng ngày, tàu cảnh sát biển 2004 đã tiếp cận và sơ cứu 2 thuyền viên bị thương, đồng thời lai dắt Sunrise về thành phố Vũng Tàu để sữa chữa.

Theo vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ