Bí quyết giữ hôn nhân ngay cả khi vợ chồng không còn muốn nghe nhau nói chính là những câu nói này.
Hãy nói "Chúng ta rồi sẽ ổn" thay vì "Anh/em đã nói với em/anh bao nhiêu lần rồi"
Khi gặp khó khăn, vợ chồng phải biết cùng nhau chia sẻ và vượt qua. Đừng đặt cái tôi của mình quá lớn, dạy dỗ đối phương phải như thế này, như thế kia.
Sóng gió đến, hãy ôm nhau vào lòng và nói "mọi chuyện rồi sẽ ổn, chúng ta cùng nhau vượt qua". Là vợ chồng hãy cùng nhau chịu trách nhiệm cho những sai lầm của mình và cả phần của đối phương, đừng đùn đẩy, hoạnh họe nhau.
Hãy nói "chúng tôi" thay vì "tôi"
Rất nhiều cặp đôi khi bình thường thì xưng hô tình cảm. Nhưng khi nhà có "chiến tranh" thì một trong hai người ngay lập tức chuyển sang xưng "tôi", hoặc tệ hơn là "mày, tao" với người còn lại.
Ngôn từ có khả năng gắn kết nhưng cũng có công lực phá bỏ một mối quan hệ. Vì vậy, bạn nên thận trọng. Hãy nhớ, vợ chồng đã là một thể thống nhất. Đối phương là một phần quan trọng trong cuộc đời bạn, không bao giờ tách rời được. Đó là thứ tình cảm gắn kết với nhau, cùng nhau chia sẻ, chịu trách nhiệm cho cuộc sống hôn nhân của chính mình.
Hãy nói "Em/Anh nghe này", thay vì nói "Thôi em/anh đừng nói nữa!"
Khi mâu thuẫn càng lớn, khoảng cách giữa hai vợ chồng càng xa thì cả hai sẽ chỉ biết bảo vệ quan điểm của mình. Vợ chồng sẽ dần quên việc có thể lắng nghe, hay thể hiện sự tôn trọng nhau bằng cách lắng nghe.
Nhưng trong hôn nhân, nếu không có lắng nghe thì sẽ không có thấu hiểu, từ đó vợ chồng cũng không thể giải quyết những mâu thuẫn.
Vì thế, câu nói này luôn có ích trong bất kì trường hợp nào. Khi một người lên tiếng câu này thì có nghĩa là họ muốn lắng nghe người kia, đối phương cũng sẽ dịu đi căng thẳng. Cái khó nhất trong hôn nhân không phải là bạn không thể hiểu người kia, mà là liệu bạn có thể lên tiếng để mở đường cho cả hai hiểu nhau không.
Hãy nói "Anh/Em tôn trọng suy nghĩ của em/anh ngay cả khi anh không đồng tình" thay vì nói "Em/anh sai rồi"
Khi bạn nói đối phương sai rồi, là lúc bạn đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh luận nhưng lại là khởi đầu cho một cuộc chiến lớn hơn. Trong bối cảnh ai cũng nghĩ mình đúng thì việc bạn nói câu như vậy dẫn đến cảm xúc không được tôn trọng từ người còn lại.
Bạn biết đấy, một cuộc hôn nhân bền vững không thể thiếu sự tôn trọng. Tôn trọng nhau là điều bắt buộc, còn khác biệt nhau là điều không thể tránh. Tôn trọng sự khác biệt, mâu thuẫn trong suy nghĩ, quan điểm của nhau chính là sự tôn trọng phải có trong hôn nhân.
Trong hôn nhân, bạn không thể mong bạn đời thay đổi, bạn chỉ có thể dùng sự tôn trọng của mình để cùng họ tìm cách hòa hợp. Mọi cá thể đều cần được đối xử chu đáo, lịch sự ngay cả khi ta thấy họ khác biệt. Huống hồ, đã là vợ chồng, thay vì chối bỏ nhau, đồng hành và cùng nhau thay đổi mới là biện pháp tốt nhất.
Và khi đối phương thấy sự tôn trọng từ bạn, họ cũng sẽ muốn lắng nghe bạn nói hơn, tôn trọng quan điểm của bạn hơn. Nếu hôn nhân không còn sự tôn trọng thì chính là hôn nhân "chết".
Hãy nói "Mình cùng tìm ra giải pháp cho cả hai", thay vì nói "giải pháp của anh/em thật tồi tệ!"
Với một cuộc hôn nhân đang bế tắc, thỏa hiệp là sự cần thiết. Thay vì chất vấn, đả kích, hay đổ lỗi, vợ chồng nên nói với nhau về những điều bản thân cần để cùng tìm ra phương án giải quyết chung.
Nếu quá nhiều vấn đề mâu thuẫn, thì hãy đi từ những điều nhỏ nhất, đến những khúc mắc lớn nhất. Quan trọng là phải luôn cân bằng mong muốn của cả hai, có sự thỏa hiệp nhất định để cùng thay đổi.
Hãy nói "Cảm ơn em/Cảm ơn anh vì..."
Hãy nói "anh yêu em" hoặc "em yêu anh" mỗi ngày để cuộc hôn nhân của bạn thêm hạnh phúc. Sẽ có nhiều người nghĩ yêu nhau không cần quá phô trương, chả cần nói những câu màu mè, sến súa. Nhưng điều đó chưa hẳn đã đúng. Khi bạn thể hiện ra, đối phương mới cảm nhận được và yêu bạn nhiều hơn. Còn những điều nếu mãi cất giấu trong lòng sẽ khiến mối quan hệ càng tẻ nhạt.
Một câu cảm ơn có thể cải thiện mọi tình huống xấu nhất. Lòng biết ơn sẽ đem lại sự tích cực cho mối quan hệ vợ chồng. Với nền tảng tích cực này, những tranh cãi, mâu thuẫn cũng sẽ dịu đi để cả hai dần mở lòng hơn.
Bởi thế, đừng quên nói cảm ơn, ngay cả khi vợ chồng đang có nhiều mâu thuẫn. Lời cảm ơn có thể giúp bầu không khí giữa hai vợ chồng thấy dễ chịu hơn.