6 cách giúp trẻ tự giác

6 cách giúp trẻ tự giác

Không ít phụ huynh cáu gắt vì trẻ không muốn làm. Tuy nhiên, theo chuyên gia, phần lớn trẻ không đủ chín chắn để hiểu rằng, nếu hoàn thành việc nhà nhanh chóng thì sẽ đổi lại được niềm vui.

1. Giúp trẻ không xao nhãng

Theo ông James Lehman – chuyên gia tâm lý học hành vi trẻ em thuộc Công ty Empowering Parents có trụ sở ở nhiều nơi trên thế giới, nếu trẻ không muốn làm việc nhà, phụ huynh nên chú ý tới yếu tố khiến con trở nên xao nhãng. Ví dụ, cha mẹ có thể yêu cầu con tắt các thiết bị điện tử cho đến khi hoàn thành việc nhà.

"Sau đó, hãy nói chuyện ngắn gọn với con về vấn đề này. Cha mẹ nên hỏi về suy nghĩ của trẻ và kế hoạch của con sau khi hoàn thành việc nhà. Từ đó, thúc đẩy con hoàn thành công việc để có thể chuyển sang điều trẻ thực sự muốn làm", ông Lehman chia sẻ.

Theo nhà tâm lý này, khơi dậy lòng yêu thích của trẻ sẽ có hiệu quả hơn việc giải thích khái niệm về trách nhiệm hay nghĩa vụ.

2. Giới hạn thời gian làm việc nhà

Giới hạn thời gian được coi là một cách tốt để khiến trẻ tuân thủ việc nhà. Các phụ huynh có thể nói với con: "Các món ăn phải được thực hiện trong 20 phút".

"Nếu trẻ không hoàn thành trong 20 phút, thì con sẽ được yêu cầu đi ngủ sớm hơn thường lệ. Hoặc cha mẹ có thể hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử", ông Lehman nói.

Trái lại, phụ huynh cũng được khuyến khích tạo động lực cho trẻ để làm việc nhà. Nếu con hoàn thành công việc được giao đúng thời hạn, cha mẹ nên khen ngợi hoặc thưởng cho trẻ thứ mà con muốn.

"Hình thức này mang lại nhiều động lực hơn cho các con và từ đó, trẻ có thể làm tốt hơn", nhà tâm lý học này nhận định.

3. Thưởng tiền tiêu vặt

"Tôi nghĩ rằng, nếu cha mẹ có khả năng tài chính và thường cho con tiền tiêu vặt, họ nên để khoản tiền đó đi đôi với việc nhà của trẻ", ông Lehman cho biết.

Ví dụ, nếu cha mẹ phải nhiều lần nhắc con làm việc nhà, trẻ sẽ bị trừ một khoản tiền nhỏ. Trái lại, nếu trẻ tự giác thực hiện việc nhà, cha mẹ nên thưởng tiền tiêu vặt cho con.

6 cách giúp trẻ tự giác ảnh 1
Cha mẹ nên yêu cầu các con làm việc nhà cùng một lúc. Ảnh minh họa

4. Xây dựng cấu trúc công việc

"Cấu trúc là yếu tố rất quan trọng khi hoàn thành công việc gia đình. Tôi tin rằng, phụ huynh nên định sẵn thời gian trẻ phải hoàn thành công việc", ông Lehman nhận định.

Theo chuyên gia này, buổi tối thường là thời gian lý tưởng để trẻ làm việc nhà. Ngược lại, thực hiện công việc nhà vào buổi sáng sẽ khiến các con thêm căng thẳng khi phải đến trường đúng giờ. Trong khi đó, nếu trẻ đang trong thời gian nghỉ hè, cha mẹ có thể yêu cầu con thực hiện việc nhà vào buổi sáng.

"Trước khi trẻ sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào, cha mẹ hãy đặt ra một quy tắc như: Giường của con phải sạch sẽ, quần áo phải được gấp gọn và phòng riêng ngăn nắp. Bằng cách này, con sẽ hiểu rằng mình phải có trách nhiệm trước khi được tự do vào thời gian rảnh", ông Lehman chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia tâm lý này, cha mẹ cần nhìn nhận lại lý do nếu trẻ không làm việc nhà. Nếu con dành thời gian để sử dụng thiết bị điện tử hoặc chơi trò chơi, đọc truyện tranh thay vì làm việc nhà, cha mẹ cần nhanh chóng chấm dứt tình trạng đó. Với phương pháp này, hầu hết trẻ em sẽ chọn làm việc nhà và sau đó tiếp tục với những việc con muốn.

Đặc biệt, ông Lehman khuyến cáo, các phụ huynh nên đưa ra khung thời gian để tất cả trẻ trong nhà cùng làm việc vặt. Ví dụ, trẻ lớn hơn trong gia đình có thể rửa bát, trong khi trẻ nhỏ quét nhà. Bằng cách này, trẻ sẽ không cảm thấy như đang bị phạt.

5. Không dùng công việc nhà là hình phạt

"Không nên sử dụng công việc nhà như một hình phạt hoặc hậu quả. Nếu trẻ cư xử không đúng mực hoặc làm điều gì sai trái, đừng phạt con bằng cách làm việc nhà.

Thay vào đó, trẻ cần học được rằng, làm việc nhà là trách nhiệm và cần thực hiện điều đó", chuyên gia tâm lý cho hay. Tuy nhiên, ông Lehman cho rằng, cha mẹ có thể yêu cầu con làm việc nhà nếu trẻ có hành động sai trái với anh chị em trong gia đình.

6. Sử dụng phần thưởng

Nếu muốn trẻ em chịu trách nhiệm với công việc của mình, phụ huynh được khuyến cáo tích hợp các nhiệm vụ với một hệ thống phần thưởng. 

Hãy dán một biểu đồ có tên con ngay trên tủ lạnh, với những công việc được liệt kê bên cạnh tên trẻ. Nếu trẻ dọn giường đúng thời gian, cha mẹ nên thưởng cho con một dấu tích ở biểu đồ. Khi trẻ có năm dấu tích như vậy, con sẽ nhận được một phần thưởng trong ngày, như ngủ muộn hơn, sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài hơn.

"Việc trẻ được sử hữu điện thoại hay máy tính bảng không có nghĩa là con sẽ dùng chúng mọi lúc. Phụ huynh nên phân bổ lượng thời gian nhất định khi con được sử dụng thiết bị điện tử. Nếu trẻ muốn dùng nhiều hơn, con phải làm việc nhà trước", ông Lehman cho hay.

Trẻ em cần hiểu rằng, làm việc nhà là một phần công việc của các con trong gia đình. Tuy nhiên, trẻ sẽ không cảm thấy việc nhà là thứ quan trọng. Vì vậy, không ít trẻ chỉ làm việc nhà khi được nhận phần thưởng. Và, phần thưởng phải là thứ con yêu thích.

"Việc yêu cầu con làm việc nhà sẽ trở thành một trận chiến nếu bạn cho phép mọi chuyện phát triển theo hướng đó. Nếu bạn đang đứng bên cạnh những đứa trẻ phàn nàn liên tục về việc dọn dẹp nhà cửa, cắt cỏ, thì bạn đang ở trong một trận chiến. Và với tư cách là cha mẹ, bạn cần kết thúc trận chiến đó. Nếu không thực hiện ngay, bạn sẽ bị cuốn vào một cuộc tranh cãi dai dẳng", chuyên gia tâm lý cho hay.

Cũng theo ông Lehman, ngay cả khi phụ huynh la mắng con, trẻ cũng sẽ không tự giác làm việc nhà. Vì vậy, hãy sử dụng lời khuyên và chấm dứt "cuộc chiến" một lần và mãi mãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.