Chợp mắt buổi trưa
Từ lâu, giới khoa học cho rằng giấc ngủ có tác động đáng kể đối với khả năng trí nhớ của não. Một nghiên cứu mới đây kết luận, ngủ khoảng 1 tiếng vào buổi trưa giúp tăng cường trí não và gia tăng rõ rệt khả năng tiếp nhận thông tin mới. Chợp mắt một chút sau khi ăn trưa giúp não phục hồi năng suất làm việc, cho não thời gian sắp xếp lại những thông tin cũ để dễ dàng tiếp nhận thông tin mới.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy người làm việc suốt ngày không có thời gian chợp mắt, ít có khả năng nhạy bén trong việc học hỏi bằng người thường ngủ trưa, từ đó họ kết luận thói quen ngủ giữa buổi có thể giúp hạn chế nguy cơ mắc các bệnh suy giảm trí tuệ do tuổi tác.
Học nhạc
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ được học nhạc sẽ phát triển não bộ và có trí nhớ tốt hơn bạn cùng trang lứa khác. Chúng thường đạt kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra về văn chương, toán học, khả năng nhớ từ và chỉ số thông minh. Ngoài ra, âm nhạc còn có khả năng cải thiện trí não ở những trẻ mới 4 tuổi.
Chơi xếp khối
Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy trò chơi Tetris (xếp khối) có tác dụng tốt đối với sự phát triển trí não trẻ em. Mặc dù trò chơi xếp khối khá đơn giản hơn so với trò chơi điện tử phức tạp trên máy tính nhưng việc thực hành mỗi ngày sẽ giúp tăng lượng chất xám và cải thiện tư duy.
Trong một thử nghiệm, các tình nguyện viên được bố trí chơi xếp khối nửa giờ mỗi ngày trong 3 tháng. Qua ảnh chụp cắt lớp, não bộ của họ có sự thay đổi nhiều về mặt cấu trúc ở những vùng liên quan đến hoạt động, đánh giá, lý luận, ngôn ngữ và xử lý thông tin.
Tập thể dục
Mới đây các nhà khoa học vừa tìm ra một bằng chứng nữa về mối liên hệ giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu từ ĐH Cambridge (Anh) cho thấy chỉ cần chạy bộ hai lần mỗi tuần cũng giúp kích thích não.
Sau vài ngày chạy bộ, hàng trăm tế bào não mới phát triển trong vùng não chi phối sự hình thành và lưu giữ ký ức. Việc cải thiện khả năng ghi nhớ có tác động trực tiếp đến những công việc đòi hỏi vận dụng trí não và đưa đến các phương cách mới nhằm trì hoãn tiến trình suy giảm năng lực tinh thần khi về già.
Trong khi đó, các nhà khoa học nhận thấy các môn thể dục đòi hỏi vận động nhiều, giúp cơ thể phóng thích một protein có tên là noggin. Protein này hoạt động như một nhân tố phản tác dụng với một protein khác, morphogenetic, kích thích việc phân chia tế bào gốc trong não, giữ cho não linh hoạt và năng động khi chúng ta già.
Nghiên cứu cho rằng, việc tăng cường giải phóng noggin có thể giúp phòng ngừa sự phát triển các bệnh suy giảm trí tuệ như Alzheimer.
Tắm nắng
Theo các nhà khoa học, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng có thể giúp tăng cường trí thông minh và ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ. Hàm lượng cao vitamin D được cơ thể tổng hợp khi ra nắng và cũng có trong các loại cá biển có dầu, có thể giúp não bộ luôn ở trạng thái hoạt động tốt nhất khi chúng ta về già.
Mặc dù các lý do sinh học trong mối tương quan này vẫn còn chưa rõ, nhưng một nghiên cứu đăng trên tờ Neurology cho rằng, mối liên hệ giữa hàm lượng vitamin D cao với quá trình xử lý thông tin nhanh thể hiện rõ ở những người trên 60 tuổi.
Ăn thực phẩm giàu magnesium
Các thực phẩm giàu magnesium như rau pina, bông cải xanh.. giúp tăng cường trí nhớ và năng lực của não. Nghiên cứu gần đây đăng trên tờ Neuron của Mỹ cho thấy hàm lượng magnesium trong não cao có ích cho quá trình học tập ở người trẻ lẫn người già.
Phân nửa dân số ở những nước công nghiệp hóa thiếu magnesium nhưng với bữa ăn đầy đủ dưỡng chất, tiến trình suy giảm trí tuệ có thể chậm lại.