6 biện pháp hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011

6 biện pháp hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011
6 biện pháp hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 ảnh 1
Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, để hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc chuẩn bị cũng như triển khai tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, cần triển khai thực hiện tốt các biện pháp sau:

Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngay sau khi Chương trình được thông qua; bảo đảm tính ổn định của Chương trình, chỉ điều chỉnh trong trường hợp thật cần thiết và việc điều chỉnh phải tuân thủ quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Chính phủ cần dành thời gian thỏa đáng lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; sớm phân công cơ quan soạn thảo các dự án mới được đưa vào Chương trình, củng cố các Ban soạn thảo đã được thành lập; bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết khác cho công tác nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn, soạn thảo và thẩm tra; bảo đảm ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành;

Cơ quan trình dự án, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo nâng cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong quá trình chuẩn bị dự án; bảo đảm dự án được chuẩn bị kỹ về nội dung và kỹ thuật văn bản, hạn chế tối đa những quy định chung chung; bảo đảm tiến độ chuẩn bị, thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, pháp lệnh và các tài liệu liên quan đến cơ quan thẩm tra, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội; tham gia có trách nhiệm vào quá trình nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh;

Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội có hình thức thích hợp chủ động phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức trình dự án trong quá trình soạn thảo, thẩm tra và nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua;

Các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tổ chức nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia và các ngành có liên quan; dành thời gian thảo luận, cho ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh;

Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan giúp xây dựng chương trình hoạt động hợp lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền, thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ