Bồi dưỡng giáo viên
Giáo viên tự bồi dưỡng bằng cách tự học, tự tìm hiểu chương trình bồi dưỡng ; tự nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, bài soạn, tập san, sách tham khảo để nắm chắc chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy.
Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn: Nội dung sinh hoạt phải cụ thể, thiết thực như tổ chức chuyên đề hội thảo, hội giảng, thống nhất phương án lên lớp, nội dung giảng dạy với các tiết học khó, nhiều tình huống xử lý hoặc thảo luận, trao đổi cách sử dụng đồ dùng dạy học-làm đồ dùng dạy học, nghiên cứu văn bản chỉ đạo chuyên môn, tài liệu bồi dưỡng thường xuyên, tài liệu tham khảo.
Lưu ý giáo viên cần tham gia đầy đủ, ghi chép cẩn thận các buổi chuyên đề do huyện, trường tổ chức.
Ngoài ra, thực hiện bồi dưỡng giáo viên thông qua dự giờ thường xuyên; tổ chức hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi ; yêu cầu giáo viên luôn luôn tự học hỏi qua đồng nghiệp, sách báo để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Những vấn đề nào hiểu chưa rõ, chưa minh bạch cần phải được đưa ra buổi họp để bàn bạc, thống nhất chung.
Học tập và thực hiện đầy đủ nề nếp chuyên môn
Đầu năm BGH tổ chức cho giáo viên học tập, nghiên cứu lại công văn của phòng GD&ĐT về việc hướng dẫn nhiệm vụ năm học để giáo viên nắm chắc, từ đó triển khai đến tất cả học sinh.
BGH thường xuyên kiểm tra về nề nếp giảng dạy, học tập của các lớp qua việc kiểm tra chuyên đề, hồ sơ sổ sách, dự giờ theo các hình thức: kiểm tra có báo trước và kiểm tra đột xuất, kiểm tra toàn diện.
Ra vào lớp đúng giờ theo quy định của nhà trường và theo sự điều hành của giáo viên trực ban.
Đổi mới công tác chỉ đạo dạy và học
Bên cạnh việc chỉ đạo sát sao việc thiết kế giáo án; trình bày bài soạn, cần chỉ đạo sát sao việc dạy học trên lớp, xây dựng kế hoạch bài giảng...
Cụ thể, dạy học trên lớp: Dạy học các tiết trong ngày theo đúng trình tự thời khoá biểu và phân phối chương trình.
Đảm bảo thời lượng của mỗi tiết học và những kiến thức cần truyền đạt cho học sinh. Sau mỗi tiết học, học sinh phải nắm bắt được kiến thức cơ bản đã nêu ở phần mục tiêu.
Trong giờ lên lớp giáo viên phải chủ động phối hợp linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và rèn luyện kĩ năng của học sinh....
Chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch giảng dạy hàng tuần: Để tiện cho việc chỉ đạo chuyên môn của tổ trưởng, nhà trường đã biên chế tổ chuyên môn. Việc chỉ đạo công tác xây dựng kế hoạch giảng dạy được triển khai trược tiếp từ ban giám hiệu tới tổ trưởng tổ chuyên môn.
Căn cứ để xây dựng kế hoạch giảng dạy là phân phối chương trình và thời khoá biểu hàng ngày trong tuần. Bên cạnh đó là các hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường hoặc các nội dung khác do phòng GD&ĐT chỉ đạo như kế hoạch bồi dưỡng, chuyên đề, hội thảo bồi dưỡng sử dụng đồ dùng dạy học...
Từ đó, các tổ chuyên môn sẽ bàn bạc và xây dựng kế hoạch lên lớp hàng ngày sao cho đúng chương trình và thời khoá biểu, đồng thời vạch kế hoạch sử dụng đồ dùng dạy học cho từng tiết học căn cứ vào danh mục đồ dùng dạy học hàng tuần do cán bộ thiết bị trường lập.
Những vấn đề đó (sau khi lập xong kế hoạch) được Ban giám hiệu ký duyệt trước một tuần và các thành viên trong tổ thực hiện. Đó chính là sơ sở pháp lý để kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch bài học một cách chính xác, đảm bảo tính hệ thống kiến thức, đảm bảo mục tiêu từng bài học, tìm ra những phương pháp giảng dạy thích hợp cho từng nội dung bài học, có tính định hướng trước cho học sinh chuẩn bị học tập.
Chỉ đạo công tác soạn bài để nâng cao chất lượng giảng dạy
Nghiên cứu và xác định mục tiêu bài giảng: Tổ chuyên môn được giao nhiệm vụ nghiên cứu, vạch kế hoạch bàn bạc thống nhất cách xác định mục tiêu cho các môn học sao cho phù hợp với đối tượng học sinh và đảm bảo sát với yêu cầu cơ bản về chuẩn kiến thức và kỹ năng chung do Bộ GD&ĐT ban hành.
Trước hết các tổ chuyên môn sinh hoạt ít nhất 2 lần/ tháng, ở đó tài liệu về yêu cầu cơ bản về chuẩn kiến thức và kỹ năng của các môn học được triển khai đến từng thành viên, các cuộc họp này bao giờ cũng có đại diện ban giám hiệu dự để có ý kiến chỉ đạo cụ thể và kịp thời.
Từ đó giúp giáo viên điều chỉnh lại mục tiêu trong sách giáo viên để phù hợp với tình hình học sinh trong lớp mình và đảm bảo yêu cầu cơ bản tối thiểu so với mặt bằng chung...
Thống nhất cách trình bày bài soạn: Thống nhất về nội dung và hình thức thể hiện các loại bài soạn. Với những giáo viên khá giỏi, dạy lâu năm thì yêu cầu bài soạn khác với những giáo viên mới ra trường. Hình thức trình bày bài soạn phải phù hợp với nội dung bài dạy.
Từ đầu năm học nhà trường phân công một số giáo viên có kinh nghiệm như tổ trưởng chuyên môn, giáo viên dạy giỏi tham gia vào việc xây dựng cấu trúc bài soạn cho từng môn học. Sau đó đưa ra lấy ý kiến tham khảo rộng rãi và thống nhất chung, in thành tài liệu phát cho từng giáo viên để thực hiện.
Nhờ đó, mọi bài soạn của giáo viên trong trường đều theo một cấu trúc thống nhất, chất lượng bài soạn được nâng lên một bước góp phần vào nâng cao chất lượng dạy học.
Kiểm tra việc soạn bài và chuẩn bị giờ lên lớp của giáo viên: Để quản lý tốt việc soạn bài và chuẩn bị giờ lên lớp của giáo viên, Ban giám đã chọn các hình thức kiểm tra: Kiểm tra đột xuất; kiểm tra trước giờ lên lớp; kiểm tra sau dự giờ; kiểm tra định kỳ cùng tæ trưởng chuyên môn; kiểm tra chéo trong buổi sinh hoạt chuyên môn; kiểm tra đồ dùng trực quan cho giờ dạy; trang thiết bị cho giờ dạy; giờ học ngoài trời (địa điểm học, kế hoạch quản lý học sinh).
Các biện pháp tổ chức chỉ đạo nâng cao chất lượng giờ dạy
Xây dựng các giờ dạy mẫu: Ban giám hiệu chỉ đạo giáo viên cốt cán, thông thường là tổ trưởng tổ chuyên môn, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh cùng xây dựng các giờ dạy có chất lượng, làm mẫu cho giáo viên dự giờ. Tiến hành rút kinh nghiệm, đánh giá những mặt tích cực về phương pháp dạy học, về nội dung và phong thái của giáo viên.
Từ những giờ dạy mẫu này, sau khi đã thử nghiệm thì tiến hành nhân rộng ra toàn khối, toàn trường. Việc xây dựng giờ dạy mẫu được tiến hành công phu, từ việc chọn bài dạy, tổ chức thiết kế bài soạn, cân nhắc phương pháp giảng dạy nào phù hợp với từng giai đoạn nào, cách sử dụng đồ dùng trực quan... Có như vậy giờ dạy mẫu mới thành công và đem lại hiệu quả khi triển khai đại trà.
Tăng cường dự giờ thăm lớp, bồi dưỡng giúp đỡ giáo viên: Việc dự giờ được tiến hành theo kế hoạch hàng tháng, hàng tuần một cách thường xuyên sẽ giúp giáo viên đứng lớp trước hết có tâm thế vững vàng, bởi không ít giáo viên khi có người dự thì dễ bị lúng túng, quan trọng hơn là giúp giáo viên có ý thức chuẩn bị bài tốt hơn, tự tin và có cố gắng hơn trong việc áp dụng các phương pháp mới tích cực hơn hoạt động của học sinh…
Bên cạnh các biện pháp trên, nhà trường cần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; tổ chức các phong trào thi đua, phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc nâng cao chất lượng dạy học; tổ chức hội giảng - chuyên đề.
Các biện pháp tổ chức công tác kiểm tra, thanh tra
Kiểm tra kế hoạch giảng dạy 1 tuần một lần, trước buổi sinh hoạt chuyên môn, Ban giám hiệu kiểm tra việc lên kế hoạch giảng dạy của khối trưởng có đúng với kế hoạch giảng dạy do Bộ GD&ĐT quy định và chỉ đạo của phòng GD&ĐT không, sau đó mới cho phổ biến ở tổ.
Dự các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn: Phân công để trong một tháng, sinh hoạt của một tổ chuyên môn có một đại diện Ban giám hiệu dự, cùng xây dựng và giải quyết những vấn đề còn mắc trong chuyên môn của khối.
Dự giờ thăm lớp: Để chọn giáo viên dạy giỏi các cấp, để kiểm tra việc triển khai chuyên đề, để Thanh tra theo định kì và bồi dưỡng nâng cao khả năng, nghệ thuật giảng dạy cho giáo viên dưới 2 hình thức: Báo trước và đột xuất.
Ban giám hiệu cũng vận dụng nhiều hình thức dự giờ khác nhau để kiểm tra giờ dạy trên lớp. Khi kiểm tra Ban giám hiệu phải nói rõ được mục đích của việc dự kiểm tra và người được kiểm tra. Đồng thời khi kiểm tra người cán bộ quản lý cần có thái độ đúng mực. Sau khi kiểm tra có nhận xét đánh giá và giúp giáo viên khắc phục những tồn tại.
Ngoài việc kiểm tra giờ lên lớp kiểm tra khảo sát theo định kỳ cũng rất quan trọng, đánh giá chất lượng dạy của giáo viên qua kết quả học tập của học sinh.