Hơn 175 triệu trẻ em - chiếm khoảng 50% tổng số các em trong lứa tuổi mầm non trên thế giới - không có cơ hội đến trường.
Điều này khiến các em mất đi cơ hội tiếp cận với những kỹ năng đầu đời, cũng như đối mặt với sự bất công ngay từ lứa tuổi thơ ấu.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, báo cáo công bố ngày 9/4 của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) cho biết tình trạng này tại những quốc gia nghèo còn tồi tệ hơn nữa khi chỉ khoảng 20% trẻ em trong lứa tuổi từ 1-5 tuổi được đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Đây cũng là lần đầu tiên UNICEF soạn thảo một báo cáo về hiện trạng giáo dục mầm non trên toàn thế giới.
Trong báo cáo, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhấn mạnh giáo dục mầm non đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của trẻ em và có ảnh hưởng lâu dài đến con đường học tập sau này.
Tuy nhiên, rất nhiều trẻ em trên thế giới đang không có cơ hội được thụ hưởng điều này, khiến các em có nguy cơ bỏ học giữa chừng ở các cấp học phổ thông, cũng như luôn mang trong mình cảm giác tự ti so với các bạn khác.
Nghiên cứu của UNICEF cho biết trẻ em có ít nhất một năm được học tại trường mầm non thường có xu hướng đạt kết quả học tập tốt hơn tại bậc phổ thông nhờ được trang bị các kỹ năng được dạy từ cấp mẫu giáo, qua đó giúp giảm tỷ lệ bỏ học giữa chừng cũng như trở thành một người công dân có ích cho xã hội khi trưởng thành.
Theo thống kê của UNICEF tại nhiều quốc gia đang phát triển, trẻ em được học qua bậc mầm non thường thể hiện năng lực tư duy về số học và xã hội tốt gấp nhiều lần các em không qua các trường mẫu giáo.
Bên cạnh đó, tại những quốc gia có tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cao, các em học sinh ở lứa tuổi phổ thông và đại học thường có kết quả học tập tốt hơn rất nhiều so với những nước có ít trẻ em được đi học mẫu giáo.
Lý giải cho tình trạng này, UNICEF chỉ ra rằng hoàn cảnh kinh tế gia đình, trình độ học vấn của cha mẹ và vị trí địa lý là 3 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc trẻ em có được đến trường hay không.
Tuy nhiên, UNICEF nhấn mạnh hoàn cảnh kinh tế gia đình hiện đang được xem là nguyên nhân then chốt.
[UNICEF giải ngân hơn 500 triệu USD cứu trợ khẩn cấp trẻ em toàn cầu]
Kết quả khảo sát của UNICEF tại 64 quốc gia trên thế giới cho thấy trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo có cơ hội đến đến trường mầm non ít hơn đến 7 lần so với trẻ em sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế.
Đặc biệt, tỷ lệ này còn cao hơn nhiều tại các quốc gia có sự chênh lệnh giàu nghèo lớn như Cộng hòa Bắc Macedonia, nơi các trẻ em sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế có cơ hội được đến trường cao đến 50 lần so với các em nhà nghèo.
Xung đột vũ trang cũng được xem là một trong những nguyên nhân quan trọng. Theo kết quả khảo sát tại 33 quốc gia đang xảy ra xung đột vũ trang, tỷ lệ trẻ em đến học tại các cơ sở mầm non rất thấp do chính quyền không thể đảm bảo một không gian đủ an toàn để các em vui chơi và học tập.
Ngoài ra, trình độ học vấn của người mẹ cũng góp phần vào việc quyết định cho trẻ em đến trường hay không.
Theo UNICEF, tại toàn bộ các quốc gia mà tổ chức này tiến hành khảo sát, trẻ em có các bà mẹ đã tốt nghiệp cấp 3 hoặc đại học có tỷ lệ học mầm non cao hơn gấp 5 lần so với các em bé có mẹ chỉ tốt nghiệp bậc tiểu học hoặc không được đi học.
Theo thống kê của UNICEF, tính trên quy mô toàn cầu, các quốc gia trung bình dành 6,6% ngân sách giáo dục để đầu tư vào giáo dục mầm non.
Đặc biệt, tỷ lệ trên chỉ còn khoảng trên dưới 2% tại các quốc gia nghèo và đang phát triển tại khu vực Tây và Trung Phi, nơi có đến 70% em nhỏ trong độ tuổi mầm non không được đến trường.
Trong khi đó, chính phủ tại các quốc gia châu Âu và Trung Á dành tới 11% ngân sách giáo dục để đầu tư vào phát triển giáo dục mầm non.
Trong báo cáo của mình, UNICEF cũng kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cần đi đến cam kết dành ra ít nhất 10% ngân sách giáo dục để đầu tư cho lĩnh vực mầm non nhằm phổ cập hóa cũng như nâng cao chất lượng của giai đoạn giáo dục mang tính bản lề cho mỗi đứa trẻ này.