Hôm qua (9/4), TT Trump đã đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết hồi tháng 5 năm ngoái rằng trợ cấp của EU cho nhà sản xuất máy bay khổng lồ Airbus đã gây ra “những tác động bất lợi” cho lợi ích của Mỹ.
TT Mỹ cũng cho rằng Brussels đã tận dụng lợi thế của Washington về giao dịch thương mại “trong nhiều năm”.
Theo Văn phòng Thương mại của Mỹ, khoản thuế trên sẽ được áp dụng cho một loạt hàng xuất khẩu châu Âu vào Mỹ, trong đó có các máy bay thương mại lớn và các linh kiện, cũng như rượu, phô mai, các sản phẩm từ sữa.
Động thái của Mỹ nhằm áp thuế vào hàng EU đã gặp phải chỉ trích của các quan chức EU, họ cho rằng con số 11 tỉ USD “đã bị thổi phồng quá mức”.
Theo Reuters, khối 28 thành viên này đã cân nhắc các biện pháp đáp trả liên quan tới các khoản trợ cấp mà chính quyền Mỹ đưa ra cho hãng máy bay Boeing.
Airbus nói rằng họ không thấy có cơ sở pháp lý nào cho động thái của Washington, đồng thời cảnh báo về căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ trở nên trầm trọng hơn.
Một phát ngôn viên của Airbus cho biết họ đã tuân thủ những yêu cầu của WTO và rằng việc Mỹ đưa ra thiệt hại trị giá 11 tỉ USD do các khoản trợ cấp của EU cho Airbus đã bị thổi phồng.
Mỹ và EU đã ở trong một cuộc tranh chấp thương mại căng thẳng khi TT Trump áp thuế thép và nhôm của EU kể từ tháng 5 năm ngoái.
Người ta cũng lo ngại rằng Washington có thể áp thuế lên tới 25% đối với hàng nhập khẩu ô tô của châu Âu và như vậy sẽ có tác động lớn hơn lên nền kinh tế châu Âu.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, TT Trump đã chỉ trích EU vì thâm hụt thương mại trong giao dịch Mỹ - EU. Ông đã cố gắng khôi phục lại việc sản xuất của Mỹ và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, bao gồm thép và các vật liệu khác.
Tuy nhiên, tháng trước, Cục Điều tra của Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của Mỹ đã ở mức cao kỷ lục vào năm 2018 với con số 621 tỉ USD – cao hơn mức 100 tỉ kể từ khi ông Trump vào Nhà trắng.