5 vũ khí Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ e sợ

Sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 Nga, xung đột giữa 2 nước ngày càng căng thẳng. Trong trường hợp Nga muốn trả đũa bằng quân sự, những vũ khí Nga đang có mặt trong khu vực đủ sức uy hiếp Thổ Nhĩ Kỳ.

5 vũ khí Nga khiến Thổ Nhĩ Kỳ e sợ

Máy bay ném bom chiến lược Su-34 và tên lửa không-đối-không AA-10/AA-12

Từ năm 2008, máy bay chiến đấu - ném bom Sukhoi-34 “Fullback” đã thay thế dần Tu-22M và máy bay ném bom Su-24 lỗi thời. Chiếc Su-34 sở hữu hệ thống hỏa lực tối tân, radar chùm theo pha và hệ thống tác chiến điện tử hiện đại. So với máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, Su-34 có thể mang nhiều vũ khí hơn và cự li hoạt động xa hơn. Nga hiện tại sở hữu hơn 80 chiếc Su-34 và 15 chiếc trong số đó đồn trú ở Syria.

Sau sự kiện máy bay ném bom Su-24 bị bắn rơi, Su-34 có lẽ sẽ đảm đương vai trò lớn hơn trong việc tranh chấp không phận với F-16. Việc cải tiến và bổ sung những vũ khí tối tân nhất lên Su-34 khiến đây thực sự là đối thủ đáng gờm với F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.

Su-34 trở nên lợi hại hơn rất nhiều xét tới khả năng được trang bị tên lửa không-đối-không AA-10 và AA-12. Đặc biệt tên lửa AA-12 có tầm bắn 100km so với tên lửa AIM-120 của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạt 50km. Nếu hai bên không chiến, chắc chắn phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu tổn thất không nhỏ.

Hệ thống tác chiến điện tử mặt đất Krasukha-4

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 là công nghệ mới nhất trong biên chế quân đội Nga. Với nền tảng đa chức năng phá sóng, Krasukha-4 có thể can thiệp với hệ thống radar mặt đất và trên không của đối phương (đặc biệt là hệ thống Kiểm soát và Cảnh báo trên không AWACS) và vệ tinh quỹ đạo thấp. Hệ thống Krasukha-4 hoàn toàn có thể gây tổn hại cho các thiết bị sóng radio-điện tử của kẻ địch.

Quân đội Nga tham chiến ở Syria được cho là đang sở hữu hệ thống Krasukha-4, có tầm hoạt động 300km, tạo ra lợi thế thực sự trước hệ thống tác chiến điện tử KORAL của Thổ Nhĩ Kỳ.

Krasukha-4 có thể “làm mù” những máy bay kiểm soát và cảnh báo đường không của không quân Thổ Nhĩ Kỳ, khiến việc xây dựng hình ảnh từ trên cao khu vực phía đông biển Địa Trung Hải và Syria là rất khó khăn. Đồng thời, hệ thống Krasukha-4 làm giảm khả năng tác chiến và can thiệp nhằm vào quân đội Nga.

Tàu tuần dương tên lửa lớp Slava

Tàu tuần dương lớp Slava của Hải quân Nga là một vũ khí phòng không và mặt đất hiệu quả. Với 16 tên lửa chống hạm P-500 Bazalt, 64 tên lửa phòng không S-300 PMU Favorit, hai tên lửa đất-đối-không tầm ngắn OSA-M và radar tìm kiếm tầm xa, tuần dương hạm lớp Slava thực sự là một pháo đài mặt nước.

Sau sự kiện máy bay Nga bị bắn hạ hôm 24.11, tàu tuần dương Moskva đã được điều động tới Syria. Động thái này thực sự gây áp lực cho các hoạt động trên không phận phía đông biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thực ra, tàu tuần dương lớp Slava cũng không phải thực sự hoàn hảo, vì thiếu hệ thống chống ngầm (ASW) hiệu quả để ngăn chặn những tàu ngầm lớp Gür uy lực rất mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ. Tính hiệu quả của các tàu khu trục nhỏ lớp Krivak và Krivak-II hộ tống tàu Moskva vẫn còn gây tranh cãi.

Biệt đội đặc nhiệm Spetsnaz

“Spetsialnoye Naznachenye” (Lực lượng mục tiêu đặc biệt) là một đơn vị đặc nhiệm của Nga. Đơn vị được huấn luyện bài bản và chuyên nghiệp này có thể thực hiện nhiều chiến dịch đa dạng, bao gồm bảo vệ từ xa, do thám, phá hoại, lật đổ, giết người có chủ đích và du kích.

Lực lượng Spetsnaz được miêu tả là những “người đàn ông xanh lá nhỏ xinh” trong cuộc tấn công chớp nhoáng vào bán đảo Crimea tháng 2.2014. Đặc biệt là nội chiến ở Ukraine với sự tham gia của lực lượng Spetsnaz đã mang lại chiến thắng tuyệt đối cho phía Nga.

Lực lượng tinh nhuệ đặc nhiệm của Nga này chính là mối đe dọa rõ ràng nhất với Thổ Nhĩ Kỳ ở thời điểm hiện tại. Trong thời điểm mà chính quyền Ankara vẫn phải đối phó với lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền đông bắc nước này và người tị nạn Syria liên tục tràn qua biên giới, lực lượng Spetsnaz hoàn toàn có thể đột kích vào Thổ Nhĩ Kỳ và gây ra rối loạn không nhỏ.

Khả năng chiến tranh mạng

Trong các cuộc khủng hoảng gần đây có liên quan tới Nga, kẻ địch của Moscow luôn phải hứng chịu những đợt tấn công mạng dồn dập. Trong cuộc khủng hoảng với Estonia năm 2007, chiến tranh Nam Ossetia với Gruzia năm 2008 hay xung đột ở bán đảo Crimea và chiến tranh ở miền Đông Ukraine năm 2014, Nga đã chứng minh được ưu thế vượt trội về số lượng, chất lượng trong chiến tranh mạng của mình.

Kết hợp hoàn hảo với chiến tranh tâm lý là sự tuyên truyền của báo đài, sự xúi giục của người dân địa phương và lực lượng đối địch ngày càng mất nhuệ khí – Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cần phải đặc biệt chú ý tới “đặc sản” này của phía Nga.

Chúng ta đều hy vọng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xuống thang sau căng thẳng hiện nay ở Syria. Một cuộc chiến dù ở phạm vi hẹp cũng có thể gây hại khôn lường cho hai bên. Nhưng nếu chính quyền Ankara và Moscow vẫn cương quyết leo thang xung đột thì 5 loại vũ khí sắc bén ở trên sẽ giúp quân Nga có ít nhiều lợi thế trên chiến trường.

Theo Dân Việt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ