5 sự kiện thiên văn ý nghĩa nhất trong lịch sử loài người

Chuyến bay đầu tiên quanh địa cầu hay sự kiện Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng là những mốc quan nhất trọng trong quá trình chinh phục vũ trụ của nhân loại.

5 sự kiện thiên văn ý nghĩa nhất trong lịch sử loài người
5 sự kiện thiên văn ý nghĩa nhất trong lịch sử loài người
Nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin trong chuyến bay vũ trụ đầu tiên trên phi thuyền Phương Đông hôm 12/4/1961. Ảnh: Wikipedia

Lần đầu tiên đưa con người vào vũ trụ

Đúng 9h07 ngày 12/4/1961 (giờ Moscow), phi thuyền Phương Đông mang theo phi hành gia Yuri Gagarin xuất phát từ bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan. 10 phút sau, tàu đi vào quỹ đạo với tốc độ 29.000 km/giờ, đạt độ cao tối đa 327 km. Gagarin là người đầu tiên thấy hành tinh của chúng ta từ ngoài vũ trụ.

Sau khi kết thúc hành trình bay vòng quanh trái đất trong 108 phút, Gagarin nhảy khỏi khoang và hạ cánh an toàn bằng dù xuống một cánh đồng tại tỉnh Saratov. Chuyến bay đầu tiên đưa con người vào vũ trũ đã thành công, trở thành niềm tự hào và là thành quả vĩ đại nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

5 sự kiện thiên văn ý nghĩa nhất trong lịch sử loài người
Tàu Apollo 11 đổ bộ lên mặt trăng vào năm 1969. Ảnh: Corbis

Chuyến chinh phục mặt trăng đầu tiên của người Mỹ

Ngày 16/7/1969, tên lửa Saturn V đưa tàu vũ trụ Apollo 11 cùng 3 phi hành gia người Mỹ -Neil Armstrong, Michael Collins và Buzz Aldrin - rời địa cầu. Đây là phi thuyền đầu tiên của nhân loại đưa các phi hành gia hạ cánh xuống mặt trăng. Khi Apollo 11 tới quỹ đạo mặt trăng vào hôm 20/7/1969, hai trong số ba phi hành gia xuống bề mặt vệ tinh tự nhiên của trái đất bằng khoang đổ bộ Eagle.

Armstrong là người đặt những bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Ông và Aldrin cắm quốc kỳ Mỹ và lấy mẫu vật chất của vệ tinh để phân tích và nghiên cứu. Sau khi trở về khoang đổ bộ và cởi mũ bảo hiểm, Armstrong phát hiện mùi hắc giống như mùi tro ướt trong lò sưởi trong khi Aldrin nhận xét rằng nó giống mùi thuốc súng. Nhưng trên thực tế, đó là mùi bụi của mặt trăng.

Câu nói của Armstrong khi bước trên mặt trăng vẫn nổi tiếng tới ngày nay: “Đây là bước nhỏ của một người đàn ông, nhưng là bước nhảy vọt vĩ đại của nhân loại”.

5 sự kiện thiên văn ý nghĩa nhất trong lịch sử loài người
Tàu Viking trên sao Hỏa. Ảnh: NASA

Hai tàu Viking tới sao Hỏa

Chương trình Viking do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) khởi động ngày 20/8/1975 với hai tàu Viking 1 và Viking 2 có cấu tạo giống hệt nhau. Mỗi tàu gồm hai module. Một module bay quanh quỹ đạo, module kia đáp xuống bề mặt sao Hỏa.

Viking 1 rời bệ phóng ngày 20/8/1975 trong khi Viking 2 xuất phát ngày 9/9/1975. Đây là chương trình vũ trụ tốn kém nhưng khá thành công của NASA. Từ cuối thập niên 70 tới khoảng năm 2000, hầu hết các dữ liệu về sao Hỏa mà các nhà khoa học thu thập đều do tàu Viking gửi về.

5 sự kiện thiên văn ý nghĩa nhất trong lịch sử loài người
Trạm Không gian Quốc tế là thành quả của sự hợp tác giữa nhiều quốc gia. Ảnh: NASA

Xây dựng Trạm Không gian quốc tế (ISS)

Quá trình xây ISS bắt đầu vào năm 1998. Phi hành đoàn đầu tiên đến trạm năm 2000. Từ thời điểm đó, họ sống tại đây để nghiên cứu và thám hiểm vũ trụ. NASA và các đối tác trên toàn thế giới đã hoàn tất quá trình xây dựng ISS trong năm 2011.

Chi phí xây dựng ISS lên tới 150 tỷ USD. Các phi hành gia của ISS đang nghiên cứu cách sống trong không gian và phương pháp để thực hiện hiệu quả mục tiêu đưa người tới mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai.

5 sự kiện thiên văn ý nghĩa nhất trong lịch sử loài người
Ảnh về sao Diêm Vương do phi thuyền New Horizons gửi về trái đất. Ảnh: NASA

Lần đầu tiếp cận sao Diêm Vương

Ngày 14/7, tàu vũ trụ New Horizons của NASA hoàn thành sứ mệnh lịch sử sau khi vượt qua 4,8 tỷ km trong 9 năm và gửi về trái đất những hình ảnh rõ nhất về sao Diêm Vương.

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), New Horizons bay trong không gian với vận tốc gần 31.000 km/h, cách bề mặt sao Diêm Vương khoảng 12.400 km lúc 11h49 theo giờ GMT ngày 14/7 (18h49 theo giờ Hà Nội). Những hình ảnh do tàu gửi về có chất lượng tốt nhất từ trước đến nay. Chúng giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về hành tinh xa xôi nằm ở rìa Thái Dương Hệ.

Sự kiện này mang ý nghĩ lớn trong lịch sử khám phá vũ trụ của NASA. Nó giúp Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ tới mọi hành tinh, từ sao Thủy tới sao Diêm Vương.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngôi nhà còn là 'lớp học' bồi dưỡng, trao truyền dân ca ví, giặm cho thế hệ trẻ.

Còn sức còn trao truyền dân ca ví, giặm

GD&TĐ - Dưới sự hướng dẫn của vợ chồng nghệ nhân, những năm gần đây câu lạc bộ Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ liên tục phát triển và giành nhiều giải thưởng.