1. Mời mọi người trước khi ăn
Ngay từ khi trẻ bắt đầu biết nói và ngồi dùng bữa với gia đình thì điều đầu tiên mà bố mẹ cần dạy con chính là lời mời. Gia đình người Việt thường có nhiều thành viên với nhiều thế hệ và trẻ chính là người nhỏ tuổi nhất trong gia đình. Trẻ không nhất định phải mời từng người một mà chỉ cần một câu nói đơn giản: "Con/cháu mời cả nhà ăn cơm ạ!" là đủ.
Mời cơm là một phép lịch sự vô cùng quan trọng mỗi bữa ăn. Vì vậy bố mẹ hãy dạy con điều này sớm nhất có thể và duy trì điều này nhé!
2. Không rướn người qua mâm cơm để gắp thức ăn
Nếu như mâm cơm đông người và món ăn con muốn ăn ở xa tầm với thì bố mẹ hãy nhắc trẻ không được rướn người qua mâm để lấy mà nên nhờ người ngồi gần đấy lấy cho. Việc rướn người qua mâm không chỉ mất lịch sự, ảnh hưởng đến người khác mà còn dễ khiến đồ ăn rơi vãi, vừa lãng phí lại vừa gây khó chịu cho mọi người.
3. Những hành động tuyệt đối không làm khi ăn
Giống như mọi việc khác trong cuộc sống, trên mâm cơm cũng có những nguyên tắc mà chúng ta phải tuân thủ. Không phải là khó khăn hay khắt khe với trẻ mà những điều này sẽ giúp cho bữa ăn nhà bạn vui vẻ và ngon miệng. Hơn thế nữa, sau khi học được những điều không nên làm này rồi thì khi ra ngoài trẻ cũng sẽ thực hiện như thế, để lại ấn tượng tốt với người khác.
- Nhai chóp chép hoặc nuốt ừng ực khi ăn.
- Nói chuyện trong khi miệng vẫn đầy thức ăn.
- Đưa thức ăn thẳng từ đĩa/bát chung vào miệng.
- Nghịch điện thoại khi đang ăn.
- Dùng đũa/thìa riêng để khuấy bát canh.
- Khi chấm thức ăn thì nhúng nguyên cả đầu đũa vào bát nước chấm.
- Gắp thức ăn cho người khác mà không trở đầu đũa.
- Múc canh xong không úp muỗng xuống mà để ngửa muỗng canh hoặc nổi lên trên bát canh.
4. Tư thế ngồi ăn
Một trong những đặc điểm lớn nhất của trẻ chính là hiếu động và nghịch ngợm. Vì vậy mà trẻ thường xuyên có những tư thế ngồi ăn không được đẹp mắt như vừa quỳ vừa ăn, ngồi xổm khi ăn, chạy quanh mâm... Việc này không chỉ có hại cho việc tiêu hóa thức ăn của con mà còn trở thành thói quen xấu và bất lịch sự khi trẻ ở nơi đông người.
Để tránh con mình có thói quen không tốt này, bố mẹ nên dạy con ngồi ngay ngắn, thẳng lưng và thả lỏng trong khi ăn. Như thế sẽ giúp cho bé tiêu hóa thức ăn một cách dễ dàng hơn cũng như tránh được các bệnh về tiêu hóa sau này.
5. Biết nói cảm ơn, không chê đồ ăn và giúp đỡ dọn dẹp sau khi ăn
Để có được những bữa ăn hàng ngày, chắc chắn người nấu đã phải dành ra không ít tâm huyết cũng như công sức. Vì vậy con cần phải biết trân trọng điều này bằng lời cảm ơn và không chê đồ ăn dù có không hợp khẩu vị đi chăng nữa. Khi trẻ lớn hơn một chút thì bố mẹ nên hướng dẫn cho con phụ người lớn dọn dẹp sau khi ăn. Đó cũng là một cách cảm ơn đến người đã nấu ăn.
Nếu như không dạy con phép tắc này từ sớm, lớn lên con sẽ cho mình quyền được chê bai và coi thường người khác cũng như công sức của họ. Đây là một thói quen cực kì xấu và có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách của trẻ.