Ít ai ngờ những “bóng hồng” khi thì là thư ký, khi là thu ngân, thậm chí là một người mẫu, diễn viên hay vợ của một nhân vật chóp bu nào đó lại chính là những điệp viên tinh nhuệ, được cài cắm rất sâu trong lòng đối phương nhằm xây dựng cơ sở để khai thác thông tin.
Lịch sử đã ghi lại rất nhiều tấm gương các nữ điệp viên mà tên tuổi của họ sẽ mãi không phai mờ theo năm tháng. Dưới đây là 10 gương mặt nữ được cho là tiêu biểu nhất trong thế giới điệp viên.
1. Margaret Kemble Gage (1734 - 1824)
Sinh ra ở New Brunswick (New Jersey) nhưng bà chuyển sang định cư ở East Brunswick. Các tài liệu lịch sử ghi lại rằng, thông cảm với cuộc cách mạng đấu tranh giành độc lập ở Mỹ, bà đã phản bội chồng mình là Tướng Thomas Gage - Chỉ huy của quân đội Anh quốc trong cuộc cách mạng này, khi cho đối phương biết chồng mình có kế hoạch đột kích kho vũ khí ở Lexington và Concord.
2. Isabella Marie Boyd (1844 - 1900)
Được biết đến với biệt danh Cleopatra của cuộc Cách mạng ly khai ở Mỹ (1861-1865), Belle Boyd là một điệp viên nổi tiếng của phe liên minh.
Bà đã sử dụng khách sạn của cha mình ở Front Royal (Virginia) làm căn cứ hoạt động để cung cấp các thông tin có giá trị cho tướng liên minh Stonewall Jackson ở miền Nam năm 1962.
Belle Boyd bước vào nghề tình báo một cách rất tình cờ. Khi nhìn thấy lá cờ của phe liên minh treo bên ngoài nhà của Belle Boyd, các binh sĩ phe miền Bắc đã xé tan, điều này khiến Boyd tức giận.
Hơn nữa, những cái nhìn soi mói, khiếm nhã của những binh sĩ này nhằm vào mẹ mình đã khiến sự tức giận trong Boyd trở thành “giọt nước tràn ly”, bà rút một khẩu súng ngắn và bắn chết một tên trong số các binh sĩ đó. Sau sự cố này, bà bị canh giữ nghiêm ngặt ngay trong khách sạn của cha mình.
Chính tại đây, bà đã sử dụng vẻ đẹp trời phú của mình để quyến rũ các sĩ quan trong đội ngũ quân địch, trong đó có Đại úy Daniel Keily để thu thập các bí mật quân sự cung cấp cho Tướng liên minh Jackson.
Trong một lần vội vã gặp gỡ vị tướng này, Boyd đã dũng cảm băng qua làn đạn pháo, để lại một lỗ thủng trên váy, để đi tới chỗ hẹn. Vì những hoạt động tình báo của mình, Boyd đã được Tướng Jackson tặng huân chương danh dự.
3. Mata Hari (1876 - 1917)
Sinh ra trong một gia đình buôn bán phát đạt ở Leyvarden, Hà Lan. Mata Hari được trời phú cho nước da bánh mật, đôi mắt to đen láy với nhan sắc hơn người.
Năm 19 tuổi, Mata Hari kết hôn với một sĩ quan quân đội rồi chuyển đến sống ở đảo Java (Indonesia). Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đã nhanh chóng kết thúc vào năm 1902.
Không một đồng trong túi, người phụ nữ gan dạ tìm đến kinh đô hoa lệ Paris năm 1903. Tại đây, nhờ nhan sắc cùng những vũ điệu đắm say lòng người của phương Đông học được khi còn ở Java, kết hợp với những màn thoát y vũ, bà đã nhanh chóng nổi tiếng, kiếm được bộn tiền và được tiếp xúc với những quý ông thượng lưu nhất.
Tuy nhiên, “ăn mãi một món” cũng chán, sau 10 năm thăng hoa, bà trở nên “mất giá” trong đôi mắt của các quý ngài Paris. Chính vì vậy, Mata Hari chyển đến lưu diễn ở Berlin năm 1914 khi Thế chiến I bùng nổ. Chính sự kiện này đã đưa cuộc đời người vũ nữ rẽ sang ngả khác.
Để có tiền, bà nhận lời cộng tác với cơ quan tình báo Đức với mật danh H.21 với nhiệm vụ thu thập tin tức liên quan tới hoạt động quân sự của Pháp ở Paris và những khu vực chiến lược quan trọng.
Năm 1916, Mata Hari trở lại Pháp, và định mệnh đã cho bà gặp Đại úy Ladou - Sĩ quan phản gián của cơ quan tình báo Pháp. Tại đây, bà nhận lời cộng tác với tình báo Pháp để thu thập tin tức của quân Đức.
Từ đó trở đi, vũ nữ ngày nào đã trở thành điệp viên hai mang, vừa bán tin của Đức cho Pháp và ngược lại. Năm 1917, bà bị Pháp bắt giữ và kết tội. Bản án tử hình đã kết liễu cuộc đời người vũ công xinh đẹp một thời làm khuynh đảo xã hội Paris.
4. Josephine Baker (1906 - 1975)
Josephine Baker là một vũ công và diễn viên hài người Mỹ được Ernest Hemingway mô tả là “người phụ nữ nhạy cảm nhất trong lịch sử” với các mật danh “Thần vệ nữ”, “Ngọc trai đen”, và thậm chí là “Nữ thần Créole”.
Ẩn sau một ca sĩ, vũ công kiêm diễn viên điện ảnh này là một điệp viên hoạt động cho tổ chức tình báo mật của Pháp trong Thế chiến II.
Binh lính Đức mê đắm trước sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của bà, để bà vượt qua biên giới mà không biết rằng người phụ nữ này đang mang trong mình những lá thư tuyệt mật.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Josephine được trao tặng Huy chương Danh dự Pháp vì những cống hiến của mình.
5. Nancy Wake (1912 - 2011)
Nancy Wake |
Nancy Grace Augusta Wake sinh ngày 30/8/1912 ở Wellington (New Zealand), trong gia đình có 6 người con. Khi bà mới được 2 tuổi, gia đình đã chuyển tới sống ở Sydney (Australia) và định cư tại phía bắc Sydney.
Không giống như những cô bé cùng tuổi khác, ngay từ nhỏ, Nancy Grace đã luôn phải làm bố mẹ đau đầu vì những trò nghịch ngợm không giống ai. Đã có lúc, mẹ của Nancy đã phải thốt lên rằng: Đây không phải là con gái.
Năm 1937, Nancy Grace đã gặp gỡ và kết hôn với nhà tư bản công nghiệp người Pháp Henri Edmond Fiocca, người nổi tiếng giàu có tại vùng Marseille.
Với vỏ bọc là người vợ xinh đẹp của một doanh nhân giàu có, Nancy Grace đã bước đầu tham gia vào nhóm du kích của vùng Marseille chống lại quân Đức Quốc xã trong vai trò người đưa tin và chuyển thực phẩm.
Với sắc đẹp mê hồn, đồng thời là vợ của một doanh nhân máu mặt trong vùng nên chỉ trong năm đầu tiên tham gia kháng chiến, Nancy Grace đã giúp hàng ngàn tù binh và phi công quân đồng minh có máy bay bị bắn hạ ở Pháp trốn sang Tây Ban Nha.
Không những thế, người phụ nữ này còn dám xông vào “hang cọp” khi làm giả một loạt giấy tờ tùy thân để được vào làm việc tại bộ máy chính quyền của vùng hợp tác với quân phát xít.
Tại đây, Nancy Grace đã bí mật giúp đỡ nhiều người trong tổ chức trốn thoát khỏi sự truy đuổi của quân phát xít. Tuy nhiên, không lâu sau đó, vỏ bọc nhanh chóng bị lộ, bà trở thành đối tượng truy nã nguy hiểm nhất của Gestapo - lực lượng mật vụ của Đức Quốc xã, với giải thưởng trị giá 5 triệu franc cho ai chỉ điểm thông tin có thể bắt giữ bà.
Để trốn khỏi nước Pháp, Nancy đã phải dùng rất nhiều tên giả và rất giỏi chạy trốn các cuộc bố ráp của Gestapo, khiến chúng phải đặt cho bà biệt danh “Chuột bạch”.
Trong đám tang của nữ điệp viên lừng danh này, Thủ tướng Australia Julia Gillard đã gọi bà Wake là "một cá nhân thực sự xuất sắc. Sự dũng cảm và ngoan cường của bà sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Nancy Grace Augusta Wake là nữ quân nhân được tặng thưởng nhiều huy chương nhất của Australia và cũng là một trong những quân nhân của Thế chiến II nhận nhiều huy chương nhất thế giới, với các huân chương cao quý nhất của cả Pháp, Anh, Mỹ và Australia.