1. Sữa: Dễ gây tiêu chảy
Sữa là thực phẩm rất giàu protein và dinh dưỡng cao, chính vì vậy nhiều người sử dụng chúng thay cho bữa sáng. Tuy nhiên, uống sữa khi bụng đói lại là nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cho những người không dung nạp đường sữa.
Đối với người khỏe mạnh, uống sữa khi đói cũng sẽ khiến lượng protein trong sữa được chuyển hóa thành calo và tiêu thụ, gây lãng phí lượng protein dồi dào này.
Chính vì vậy, bạn nên uống sữa kèm với các thực phẩm giàu tinh bột như bánh mì vào bữa sáng, hoặc uống hai giờ sau khi ăn để đạt được hiệu quả tốt nhất.
2. Trà đặc: Kích thích dạ dày
Nhiều người có thói quen nhâm nhi một ngụm trà nóng vào sáng sớm. Tuy nhiên, uống trà khi bụng đói sẽ dễ khiến dạ dày hấp thụ quá nhiều caffeine, gây kích thích niêm mạc dạ dày, chóng mặt, bồn chồn, buồn nôn...
3. Rượu: Gây bệnh dạ dày
Nhiều người có thói quen tai hại là uống một ly rượu vào buổi sáng, tuy nhiên rượu có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, làm hỏng niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, uống khi bụng đói sẽ dễ bị say, dẫn đến lượng đường trong máu thấp, gây chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh và khó chịu về thể chất.
4. Cá, thịt: Tăng gánh nặng cho gan và thận
Đang lúc bụng đói mà bạn ăn nhiều các thực phẩm giàu protein như cá, thịt sẽ tạo ra nhiều chất thải nitơ trong cơ thể, sẽ làm tăng gánh nặng cho gan và thận. Dù vậy, bạn vẫn có thể ăn thịt vào bữa sáng nhưng nên ăn kèm cơm hoặc bánh mì để các loại carbohydrate có thể hỗ trợ cho dạ dày của bạn.
5. Đồ cay: Làm hại dạ dày
Những món ăn cay thường mang lại cảm giác thú vị khi ăn, thậm chí gây nghiện cho nhiều người nhưng họ lại không nhận thức được hệ lụy mà những món ăn này cay mang lại. Vào buổi sáng, dạ dày còn rỗng nên thói quen ăn sáng quá cay có thể gây tổn thương dạ dày.
Vị cay của ớt có thể kích thích các chứng bệnh đại tràng, gây ra tình trạng đau dạ dày, niêm mạc dạ dày, viêm loét dạ dày tá tràng… Ngoài ra, ăn nhiều ớt cũng có thể gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.