Hệ thống S-300 của Nga (Tên NATO: SA-10 Grumble)
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 là một tổ hợp tên lửa đất đối không được phát triển từ thời Xô viết và sau này được Nga kế thừa. S-300 được sản xuất bởi Tập đoàn Công nghiệp Vũ khí Almaz, nhằm đánh chặn máy bay và tên lửa hành trình của đối thủ.
Hệ thống phòng thủ S-300 của Nga. (Ảnh: AP)
S-300 lần đầu tiên được triển khai vào năm 1979 bởi Xô viết, nhằm bảo vệ những cơ quan hành chính và hạ tầng công nghiệp, căn cứ quân sự cũng như bảo vệ không phận trước chiến đấu cơ của đối thủ.
Hệ thống này hoàn toàn tự động, nhưng vẫn có thể chịu sự kiểm soát và vận hành của con người. Quy trình hoạt động cơ bản của S-300 gồm 4 bước: Đầu tiên, radar giám sát tầm xa xác định mục tiêu và đưa thông tin về xe chỉ huy để phân tích. Sau đó, xe chỉ huy truyền lệnh bắn cho radar điều hướng. Tiếp đến, một tiểu đoàn sẽ lập tức khai hỏa tên lửa đất đối không và với sự trợ giúp của radar điều hướng, tên lửa sẽ bắn mục tiêu cần tiêu diệt.
S-300 có khả năng tiêu diệt mục tiêu với độ chính xác cao, được coi là một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất hiện nay. Radar của S-300 có thể theo dõi cùng một lúc 100 mục tiêu và bám sát 12 mục tiêu trong số đó. Ở những phiên bản được nâng cấp về sau kể từ S-300PMU1/2, radar có thể theo dõi 300 mục tiêu và bám sát 72 trong số đó.
Dòng S-300 có 3 nhánh biến thể chính là S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi biến thể lại có những loại khác nhau với những tính năng riêng biệt.
S-300P là phiên bản nguyên thủy của S-300, được đưa vào hoạt động từ năm 1978, chủ yếu được triển khai quanh Moscow. S-300P có một số hạn chế, điển hình là thời gian chuẩn bị chạy hệ thống lên tới hơn 1 giờ đồng hồ và phương pháp phóng thẳng nóng, dễ làm hỏng xe chở và bệ phóng.
Về sau, những hạn chế này đã được khắc phục ở các phiên bản S-300PT-1 và S-300PT-1A khi được áp dụng biện pháp phóng lạnh và thời gian chuẩn bị sẵn sàng chỉ còn 30 phút. Những phiên bản này còn được giới thiệu tên lửa 5V55KD, có tầm hoạt động tới 75km.
Tới năm 1985, phiên bản S-300PS/S-300PM được giới thiệu, là phiên bản duy nhất có thể mang đầu đạn hạt nhân. Mẫu này sử dụng tên lửa 5V55R mới, có tầm chiến đấu lên tới 90km và hệ thống dẫn đường radar bán chủ động (SARH).
Biến thể thứ hai là S-300F, được trang bị lần đầu trên tàu thủy năm 1984, với tên lửa có tầm hoạt động tới 90km. Một phiên bản nổi bật của biến thể này là S-300FM, được lắp đặt trên tàu tuần tiễu lớp Kirov RFS Pyotr Velikiy, được giới thiệu lần đầu năm 1990, sử dụng biện pháp dẫn đường tối tân và có khả năng chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Phiên bản này có máy dò tìm hồng ngoại giai đoạn cuối, giúp tên lửa có khả năng tiếp chiến các mục tiêu dưới đường chân trời của radar.
S-300V có khả năng mang theo đầu đạn nặng khoảng 150kg. (Ảnh: Military Today)
Biến thể cuối cùng là S-300V do tập đoàn Antey chế tạo nên còn có tên gọi Antey-300, có thể chống các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến thuật. S-300V được trang bị tên lửa Gladiator với tầm bắn 75km và tên lửa Giant có thể bắn mục tiêu ở cự ly ngoài 100km, độ cao 32km. Cả hai tên lửa có khả năng mang theo đầu đạn nặng khoảng 150kg.
Thông thường, một đơn vị S-300 gồm một thiết bị thám sát mục tiêu, thiết bị chỉ định, radar dẫn đường và 6 xe mang ống phóng và radar.
Hệ thống phòng thủ THAAD của Mỹ
Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Dù THAAD không mang theo đầu đạn chứa thuốc nổ nhưng nó dựa vào động năng từ vụ va chạm tốc độ cao để diệt mục tiêu.
Một cuộc phóng thử tên lửa THAAD. (Ảnh: Lockheed Martin)
Binh lính Mỹ bên xe chở bệ phóng THAAD. (Ảnh: Lockheed Martin)
Với công nghệ truy đuổi tiên tiến, THAAD có thể vô hiệu hóa các tên lửa đạn đạo bên trong và ngoài khí quyển. Mỗi xe chứa bệ phóng mang theo 8 đạn tên lửa, nó có thể phóng số đạn này phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của mục tiêu.
Quy trình đánh chặn tên lửa của THAAD. (Ảnh: Lockheed Martin)
Quy trình phát hiện và tiêu diệt mục tiêu của THAAD diễn ra như sau: Sau khi radar AN/TPY-2 phát hiện một tên lửa đang phóng tới, những người giám sát hệ thống sẽ xác định mức độ nguy hiểm của nó. Tiếp theo, thông tin được chuyển tiếp đến hệ thống kiểm soát bắn. Một radar AN/TPY-2 khác sẽ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu. Toàn bộ quá trình trên diễn ra trong khoảng 5 phút.
THAAD được đánh giá là một trong những hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật tối tân nhất thế giới. Nó được ví như “cái ô” giúp Mỹ và đồng minh nằm trong vòng an toàn khỏi các loại tên lửa đạn đạo của các đối thủ.
Tổ hợp phòng thủ S-400 (Tên NATO: SA-21 Growler)
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động được thiết kế nhằm thay thế các hệ thống phòng không cũ như S-300, S-300PMU1… Sự cải tiến chủ yếu nằm ở những thiết bị điện tử và được trang bị 4 loại tên lửa mới giúp người chỉ huy tùy chỉnh theo các mục tiêu khác nhau.
Hệ thống S-400 của Nga trong 1 cuộc tập trận. (Ảnh: Wikipedia)
S-400 có phạm vi hoạt động trong khoảng từ 40 đến 120km với tên lửa 9M96 và lên tới 250km với tên lửa 48N6, thậm chí lên tới 400km với tên lửa 40N6. Nó có thể phát hiện những mục tiêu ở độ cao 40-50km và cách xa 600km thông qua radar 92N6E có tầm quan sát được cải thiện hơn rất nhiều so với radar được dùng trên S-300.
S-400 của Nga trong một cuộc duyệt binh. (Ảnh: Điện Kremlin)
S-400 có thể theo dõi đồng thời 300 mục tiêu cùng một lúc. Thực chất, đây là tổ hợp phòng không đa tầm, có thể hạ mục tiêu ở độ cao 27km hay thậm chí bay cách mặt đất chỉ 5-10m. Đó là khả năng mà chưa có hệ thống phòng thủ nào của quốc gia khác làm được ngoài Nga.
Thời gian triển khai S-400 chỉ mất 5 phút và có thể đánh chặn được mục tiêu bay với tốc độ 4,8km/giây. S-400 vẫn được đánh giá là “át chủ bài” giúp bảo vệ Nga trong nhiều năm tới.
Hệ thống chống tên lửa đạn đạo Patriot của Mỹ
Hệ thống chống tên lửa đạn đạo Patriot Advanced Capability, thường được gọi là Patriot, là hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không tầm cao và tầm trung của Mỹ.
Xe chở bệ phóng và tên lửa thuộc hệ thống Patriot. (Ảnh: IDF)
(Ảnh: IDF)
Hệ thống phòng không Patriot gồm trạm chỉ huy, radar chức năng AN/MPQ-53, bệ phóng, tên lửa phòng không MIM104, trạm nguồn năng lượng, thiết bị kết nối thông tin.
Xe chỉ huy là nơi điều khiển, kiểm soát mọi hoạt động, khả năng tác chiến của toàn bộ tổ hợp. Tên lửa MIM104 có phạm vi bắn lên tới 80km với mục tiêu ở độ cao tối đa 20km.
Radar AN/MPQ-53 của Patriot có phạm vi quét 100km với khả năng phát hiện và theo dõi khoảng 125 mục tiêu, phát hiện mục tiêu có vận tốc đối đa là 2,2km/giây. Ưu thế nổi bật của Patriot là công nghệ dẫn đường hiện đại, vô cùng uy lực. Nhiều đồng minh của Mỹ đã mua lại hệ thống phòng thủ này, bao gồm Nhật Bản, Israel, Đức…
Hệ thống phòng không S-500 của Nga
S-500 được phát triển dựa trên tên lửa phòng thủ chiến lược S-400, được đánh giá là có năng lực vượt trội nhất so với các vũ khí cùng loại trên thế giới. S-500 có thể chống may bay, tên lửa của đối phương và thực hiện các nhiệm vụ khác, giúp Nga thiết lập mạng lưới phòng thủ lợi hại. S-500 được nhận định là có thể bảo vệ Nga khỏi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa siêu thanh của Mỹ.
Mô hình hệ thống tên lửa S-500. (Ảnh: Narod.ru)
Hệ thống phòng không này có khả năng bắn hạ các mục tiêu bay cao tới 40 km với vận tốc 7 km/giây, vì thế nó có thể hạ bất cứ chiến đấu cơ siêu thanh nào trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, còn một vấn đề hạn chế của S-500 mà theo các chuyên gia quân sự, nó không thể bắn hạ các chiến đấu cơ tàng hình như F-35 của Mỹ. Hệ thống radar của S-500 dù có thể phát hiện được chúng nhưng khó có thể điều khiển tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu này.
Với tầm bắn khoảng 500-600 km, hệ thống phòng không S-500 có khả năng theo dõi 5-20 mục tiêu đạn đạo cùng lúc và đánh chặn đồng thời 5-10 tên lửa đang lao đến với tốc độ siêu thanh (5 -7 km/giây) ở giai đoạn cuối hoặc giữa hành trình.
Thậm chí, các chuyên gia Nga cho hay, S-500 còn có thể bắn hạ được những thiết bị vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, cũng như các mục tiêu trong không gian.