5 giải pháp thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”

GD&TĐ - Hiện nay, rất nhiều trường mầm non thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Dưới đây là một số kinh nghiệm của Trường mầm non Thị trấn Sông Thao (Cẩm Khê, Phú Thọ) – một trong những trường thực hiện thành công chuyên đề này và đã được phụ huynh, các cấp quản lý giáo dục ghi nhận.

Học sinh Trường mầm non Thị trấn Sông Thao tham gia các hoạt động bên khu vui chơi, trải nghiệm. Ảnh: Trung Toàn
Học sinh Trường mầm non Thị trấn Sông Thao tham gia các hoạt động bên khu vui chơi, trải nghiệm. Ảnh: Trung Toàn

Theo cô Đặng Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Sông Thao, thông qua thực hiện chuyên đề trẻ biết quan sát và lắng nghe, biết đặt câu hỏi, biết suy nghĩ, liên tưởng phù hợp khả năng của trẻ.

Ngoài ra, trẻ mạnh dạn, tự tin hơn và tự mình khám phá, tự mình tham gia thực hành theo ý tưởng của mình, tạo nền tảng tốt cho trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1.

Cô Đặng Bích Thủy cho biết, để đạt được những kết quả trên nhà trường đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Nhà trường đã triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyên đề đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường, tham gia các lớp tập huấn đầy đủ, tổ chức cho giáo viên đi tham quan một số trường mầm non để học hỏi kinh nghiệm.

Thứ 2: Xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề. Nhà trường đã bám sát kế hoạch năm học và các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyên đề để xây dựng kế hoạch, xây dựng các chuỗi hoạt động tham quan, trải nghiệm nhằm giúp trẻ có những kỹ năng tốt, được thực hành các hoạt động thực tế.

Thứ 3: Chỉ đạo xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm. Theo đó, nhà trường đã chỉ đạo các lớp học tạo môi trường giáo dục có sự lôi cuốn, cuốn hút trẻ, tạo nên một môi trường trong lớp học với những màu sắc sinh động, hấp dẫn, có không gian, cách sắp xếp phù hợp, gần gũi, quen thuộc với cuộc sống thực hàng ngày của trẻ.

Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng môi trường ngoài lớp học. Từ khu vườn trồng cây hiệu quả thấp, nhà trường đã xây dựng thành khu vui chơi và trải nghiệm cho trẻ. Việc làm này đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của các bậc phụ huynh.

Tại Khu vui chơi, trải nghiệm, nhà trường thiết kế các góc chơi nhỏ để mỗi khi trẻ ra hoạt động ngoài trời trẻ được hít thở không khí trong lành, được thể hiện mình qua trò chơi, góc chơi mà trẻ yêu thích. Trong khu vực vui chơi, trải nghiệm, trẻ được tham gia vào các hoạt động và phát huy được sự sáng tạo của mình.

Thứ tư: Để thực hành tốt quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường đã quan tâm, chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên hiểu rõ về lĩnh vực này và khuyến khích giáo viên tự học để nắm bắt nội dung chuyên đề sâu hơn. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường để trao đổi, thảo luận, khắc sâu kiến thức, kỹ năng thực hành ứng dụng vào công tác giảng dạy.

Thứ 5: Nhà trường chỉ đạo các nhóm lớp tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm như: Hoạt động học, hoạt động chơi, hoạt động ăn, ngủ, hoạt động lao động, vệ sinh. Ngoài ra nhà trường tổ chức đa dạng các hoạt động ngày hội, ngày lễ, tham quan, dã ngoại để trẻ có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.