5 cách giúp cơ thể luôn mát mẻ giữa thời tiết nắng nóng

5 cách giúp cơ thể luôn mát mẻ giữa thời tiết nắng nóng

Vì sao cần làm mát cơ thể trong những ngày nắng nóng?

Miền Bắc, miền Trung và miền Nam đều đang ở trong những ngày hè nắng nóng kéo dài, đỉnh điểm có những nơi nơi nhiệt độ ban ngày đo được vượt mức 40 độ C. 

Nắng nóng kéo dài sẽ khiến cơ thể chúng ta dễ mệt mỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe.

5 cách giúp cơ thể luôn mát mẻ giữa thời tiết nắng nóng ảnh 1

Bởi nắng nóng làm cơ thể dễ mất nước, có thể gây ra tăng khát, suy nhược, chóng mặt, đánh trống ngực và ngất xỉu. Kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều mà không kịp bồi phụ nước. 

Nếu không điều trị, kiệt sức vì nóng có thể tiến đến đột quỵ nhiệt, có thể gây chết người.

Cảm nhiệt thường xảy ra khi cơ thể mất khả năng tự làm mát, với những trường hợp này, người bệnh cần phải được cấp cứu ngay.

Thời tiết nóng cũng dễ khiến trẻ bị ốm, đặc biệt là mất nước khi chơi ngoài trời bởi trẻ thường không có ý thức bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể, chỉ đến khi quá khát lại uống rất nhiều nước. Đó là nguyên nhân khiến trẻ em có nguy cơ cao bị bệnh do nắng nóng hơn so với người lớn.

Những cách làm mát cơ thể tốt hơn ngồi quạt hay điều hòa

Duy trì đủ nước cho cơ thể

Nước là đồ uống tốt nhất để duy trì độ ẩm cơ thể. Nếu không thích uống nước, bạn có thể nhâm nhi trà đá, nước chanh hoặc đồ uống thể thao. Nếu đang tập luyện ngoài trời, có thể uống đồ uống thể thao thay vì đồ uống có ga. Loại đồ uống này có thể bổ sung clorua, natri và kali bị mất đi khi cơ thể đổ mồ hôi.

Bạn hãy uống nước thường xuyên sau mỗi giờ và không nên để khi cảm thấy khát mới uống. Lưu ý hạn chế việc uống nước đá ngay khi cơ thể đang nóng bởi chúng có thể gây hại cho cơ thể. Uống nước đá khi đang nóng không hề làm cơ thể mát hơn, mà còn có thể làm cho tim đập loạn nhịp, gây viêm họng, ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.

Mặc đồ sáng màu, chống nắng khi ra ngoài

Cần mặc những bộ quần áo khiến bạn dễ chịu trong ngày hè nóng bức. Tốt nhất là mặc trang phục sáng màu, vừa vặn để cơ thể cảm thấy thoải mái.

Khi đi ra ngoài dù thời gian ngắn cũng nên mặc áo chống nắng, đội mũ, đeo kính. Những người thường xuyên lao động ngoài nắng nên chọn các loại quần áo có tác dụng thoát nhiệt. Nếu làm việc ngoài trời, lưu ý không làm việc từ 11h trưa đến 14h chiều.

Tránh ăn đồ cay, mặn, nhiều chất béo

Cơ thể có xu hướng nóng lên vào mùa hè. Bạn cần tránh thực phẩm cay, mặn vì những thực phẩm này góp phần làm tăng thân nhiệt. 

Những thực phẩm nên tránh là cà ri cay, caffein, ớt, hạt tiêu, pho-mai, kem chua,… Bạn cũng cần tránh rau bina, cà chua, hành, tỏi vì chúng có thể ảnh hưởng tới cơ thể bạn - chủ yếu tới quá trình trao đổi chất và tiêu hóa.

Chuyên gia Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Khám và Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết mùa hè nhiệt độ thường cao, dễ đổ mồ hôi, chức năng tiêu hóa yếu hơn, do đó, tiêu thụ nhiều thức ăn giàu mỡ sẽ làm gia tăng gánh nặng cho dạ dày, ảnh hưởng quá trình tiêu hóa.

Ăn nhiều rau xanh, hoa quả giải nhiệt

Với các loại quả, bạn nên chọn các loại dưa (hấu, chuột, gang), chanh, mướp đắng, lê, cam, quýt. Bạn nên hạn chế các loại quả nhiều đường như mít, xoài chín, vải,… vì chúng dễ gây nóng cho cơ thể.

Các loại rau cơ bản đều tốt song bạn có thể tăng cường ăn mướp đắng do chúng đứng đầu trong danh sách các thực phẩm giải nhiệt.

Ngâm tay, chân để làm mát cơ thể

Nhiều người sau khi làm việc ngoài trời vì muốn nhanh chóng làm mát cơ thể mà lập tức đi tắm. Điều này không an toàn vì có thể khiến bít tắc lỗ chân lông khiến mồ hôi không thoát ra được dễ gây cảm hoặc khiến nhiệt độ cơ thể thay đổi đột ngột gây sốc nhiệt.

Thay vào đó, tay và chân là bộ phận có bề mặt tiếp xúc lớn và nhiều mạch máu nên bạn có thể nhúng tay, chân vào nước lạnh giúp bạn xả bớt nhiệt cho cơ thể bớt nóng nực. 

Theo eva.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.