Đất công bị xà xẻo vô tội vạ
Thông tin tại buổi họp báo, ông Bùi Hữu Toàn - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: Sau khi có những phản ánh của báo chí, ngày 8/5/2019, tỉnh Bình Dương có quyết định thành lập đoàn Thanh tra để thanh tra dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú rộng 43 ha.
Đoàn Thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập đã phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp tại dự án Khu đô thị Thương mại Dịch vụ Tân Phú rộng 43 ha, nên đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
Thông tin với báo chí trước đó, ông Bùi Minh Thạnh - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corporation) tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, được thành lập năm 1982 theo Quyết định của Tỉnh ủy Sông Bé và là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương.
Công ty 3/2 được giao quản lý 43 ha đất tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Năm 2010, công ty này góp vốn, ký kết liên doanh với Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc (TPHCM) để thành lập Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với mục đích đầu tư, kinh doanh khu dân cư, thương mại, dịch vụ trên diện tích đất 43 ha.
Phương thức góp vốn là Công ty 3/2 nắm giữ 30% cổ phần, tương đương với giá trị bằng tiền là 60 tỷ đồng. Đến ngày 13/3/2017, Công ty 3/2 có văn bản gửi Tỉnh ủy Bình Dương xin chuyển nhượng 30% vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Ngày 20/4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương có thông báo kết luận đồng ý chủ trương cho Công ty 3/2 chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc. Theo đó, Công ty 3/2 đã chuyển nhượng 43 ha đất (là 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú) cho Công ty Âu Lạc.
“Tỉnh ủy Bình Dương chỉ chấp thuận cho Công ty 3/2 góp vốn bằng tiền. Nhưng công ty này đã thực hiện góp vốn bằng đất nên năm 2018, Tỉnh ủy Bình Dương quyết định thu hồi chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp của Công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú để chuyển nhượng cho Công ty Âu Lạc, đồng thời giao cho Thanh tra tỉnh Bình Dương thành lập đoàn thanh tra làm rõ quá trình chuyển nhượng này” - ông Thạnh khẳng định.
43 ha đất của Khu đô thị Tân Phú nằm trong tổng thể Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương) tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Vào năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập và phát triển Khu liên hợp Bình Dương. Đến ngày 29/4/2004, UBND tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 3393/QĐ-UB về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu liên hợp này.
Là đơn vị Nhà nước, trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương và được giao quản lý khu đất 43 ha này, nhưng bằng nhiều “thủ thuật”, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương đã “qua mặt” đơn vị chủ quản của mình là Tỉnh ủy Bình Dương, chuyển nhượng toàn bộ 43 ha đất công này cho Công ty Tân Phú - một công ty tư nhân theo hợp đồng góp vốn giữa 2 bên, ký ngày 8/12/2016.
Nhà nước đã thất thoát hàng nghìn tỷ đồng?
Đáng nói, việc chuyển nhượng “đất công” này không thông qua đấu giá, giá chuyển nhượng lại rẻ như cho khi 43 ha đất được Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương chuyển nhượng (bằng góp vốn) với giá chỉ 250 tỷ đồng (quy đổi ra khoảng 581.653 đồng/m2).
Đặc biệt, sau khi chuyển nhượng 43 ha đất công từ một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sang một công ty liên doanh chỉ có 30% vốn Nhà nước, Tổng Công ty Bình Dương bất ngờ thoái hết vốn tại liên doanh này, hoàn tất quá trình “hô biến” toàn bộ 43 ha đất công thành đất tư nhân
Trong khi đó, căn cứ vào thời điểm Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương hoàn thành chuyển nhượng 43 ha đất (2016) với thời điểm UBND Tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 66/2015/QĐ-UBND ngày 23/12/2015, quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn cho thấy rõ sự chênh lệch quá lớn và giá trị khu đất với giá trị chuyển nhượng.
Chiếu theo bảng giá đất ở đô thị tại dự án Khu đô thị Tân Phú mà UBND tỉnh Bình Dương ban hành, mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2; vị trí 2 là 7,7 triệu đồng/m2; vị trí 3 là 5,64 triệu đồng/m2.
Xét theo quy hoạch 1/500 của tỉnh Bình Dương, vị trí 1 của dự án sẽ có khoảng 100.000 m2 đất ở và nếu được áp giá theo quy định của UBND tỉnh Bình Dương thì trị giá của nó đã là khoảng 2.457 tỷ đồng. Với diện tích đất ở còn lại được nhân với giá trung bình của vị trí 2 và 3 là 6,67 triệu đồng/m2 thì trị giá khoảng 667 tỷ đồng.
Như vậy, trị giá đất Khu đô thị Tân Phú sẽ là khoảng 3.124 tỷ đồng, cao gấp gần 12,5 lần so với giá mà Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương đã bán cho Công ty Tân Phú.
Rõ ràng, nếu áp dụng bảng giá đất của UBND tỉnh Bình Dương ban hành cho diện tích đất ở theo quy hoạch 1/500 đã được duyệt, thì vào thời điểm cuối năm 2016, khi phi vụ “thoát xác” 43 ha đất công thành đất tư nhân, ít nhất đã có khoảng 2.874 tỷ đồng bị thất thoát.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện khu đất này đang được quảng cáo với tên thương mại là Khu đô thị Mega City 3, quy mô đến hơn 2.000 lô đất nền và nhà phố liền kề, diện tích từ 60 – 150 m2 với giá bán dao động từ 30 - 40 triệu đồng/m2.
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên hỏi ông Lê Hữu Phước - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương, vì sao Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương góp vốn bằng đất, rồi sau đó thoái vốn và chuyển nhượng vốn góp 43 ha “đất vàng” suốt nhiều năm mà không bị phát hiện, kết luận thanh tra chỉ rõ sai phạm, vậy đã nêu đích danh ai sẽ là người chịu trách nhiệm?.
Trách nhiệm của Ban thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đến đâu? Có hay không lợi ích nhóm trong việc thao túng hàng trăm ha “đất vàng”… Tuy nhiên, tất cả câu hỏi của phóng viên đều không được trả lời.