Nhiều phụ huynh nên biết rằng, lòng tự trọng của trẻ con không thể xem thường. Có những lúc bố mẹ tưởng rằng lời nói của mình không có ảnh hưởng gì nhưng trên thực tế lại khiến chúng suy nghĩ nhiều và vô tình rơi vào trạng thái chán chường, tuyệt vọng.
Việc dạy dỗ và phê bình con cái là quyền lợi và nghĩa vụ của bố mẹ, nhưng không phải lúc nào bố mẹ cũng tùy tiện làm việc này. Dưới đây là bốn thời điểm mà bố mẹ không nên la mắng, chỉ trích con, nếu không cuộc sống tương lai sau này của chúng sẽ bị ảnh hưởng.
Sáng sớm
Đây được xem là thời điểm tối kỵ nhất trong việc la mắng con. Mọi người đều biết rằng, một ngày mới được bắt đầu bằng sáng sớm, ai cũng mong mình sẽ thoải mái, vui vẻ khi vừa mở mắt dậy.
Đối với trẻ con, trong thời điểm này bố mẹ cần giúp trẻ có được tinh thần thoải mái, sảng khoái để có thể chào đón một ngày mới với nhiều điều tốt đẹp.
Vì vậy, dù có tức giận đến đâu bố mẹ cũng không nên la mắng trẻ vào buổi sáng. Nếu như chuyện đó xảy ra sẽ khiến trẻ con mang tâm lý nặng nề cả ngày, ảnh hưởng đến việc học và khiến tinh thần chúng sa sút.
Khi đang ăn cơm
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều phụ huynh có thói quen la mắng và chỉ trích con trong lúc ăn cơm. Điều này sẽ khiến trẻ ăn không ngon và tâm trạng cũng bị phá hỏng bởi bầu không khí yên lặng trong gia đình.
Mọi người đều cho rằng, bữa ăn cơm là lúc gia đình quây quần, để chia sẻ nhiều chuyện với nhau chứ không phải là lúc lôi những lỗi lầm của trẻ ra để chỉ trích. Nếu như tình trạng này được lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ khiến tinh thần và sức khỏe của trẻ bị sa sút.
Khi bố mẹ tức giận
Những lúc bố mẹ tức giận thường không kiểm soát được tâm trạng và nói những lời khó nghe với con của mình. Việc này không những khiến con trẻ bị tổn thương sâu sắc mà bố mẹ sẽ đánh mất hình tượng trong lòng chúng, hay thậm chí có khả năng chúng sẽ học theo những thói quen không hay này.
Vì vậy, nếu như bố mẹ đang có tâm trạng không tốt thì nên cố gắng kiềm chế tâm trạng, hoặc tốt nhất đợi bình tâm rồi hãy nói chuyện với con sau.
Khi phát sinh xung đột trực tiếp
Trong một số trường hợp, bố mẹ và con cái đã có sự xung đột trước đó và khi chạm mặt nhau sẽ khiến bố mẹ không thể kiềm chế cơn giận. Ví dụ, nếu như con xin phép đi chơi nhưng lại về trễ, lúc này tâm trạng bố mẹ đang không vui nên khi nhìn thấy con mà la mắng thì sẽ gây ra xung đột trực tiếp.
Vì vậy, những lúc như thế này, bố mẹ nên để việc lắng đọng và nói chuyện với con vào ngày hôm sau. Đặc biệt hơn hết nếu như bố mẹ thể hiện lòng khoan dung, độ lượng thì chịu khó lắng nghe con thì sẽ giúp chúng nhận ra lỗi lầm của mình, lần sau sẽ tự giác không tái phạm.
Cổ nhân xưa khi dạy con cũng chú trọng việc không phê bình và trách mắng con vào 6 thời điểm sau:
Thứ nhất: Không mắng trẻ trước mặt nhiều người
Thứ hai: Không mắng trẻ khi trẻ đã biết lỗi
Thứ ba: Không mắng trẻ khi trẻ đang buồn ngủ hoặc vào ban đêm
Thứ tư: Không mắng trẻ trong bữa ăn
Thứ năm: Không mắng trẻ khi trẻ đang lo âu, buồn rầu
Thứ sáu: Không mắng trẻ khi trẻ đang ốm, mệt trong người
Sau cùng, khi một gia đình có thể ngồi lại cùng nhau, dùng tâm trạng bình tĩnh nhất để trao đổi, chia sẻ một cách cởi mở, trung thực thì mọi sai lầm đều được sửa chữa. Bố mẹ có thể nhân cơ hội này để hiểu trẻ hơn và trẻ cũng có thể biết được bố mẹ không hài lòng điều gì ở chúng để chúng tránh những sai lầm sau này.