Apple vừa thông báo hãng này đã bán được 48.05 triệu chiếc iPhone trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 vừa qua.
Dự đoán cho quý tiếp theo cũng rất lạc quan, khi doanh thu dự kiến đạt từ 75-77.8 tỷ USD và lượng tiêu thụ iPhone "sẽ tiếp tục tăng trưởng", đồng nghĩa với việc kỷ lục 74.46 triệu máy iPhone 6 và 6 Plus bán được trong mùa Giáng sinh năm ngoái có thể bị phá vỡ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao trong bối cảnh tất cả các đối thủ Android lớn như Samsung, HTC, Sony, LG đều đang lao đao, thậm chí thua lỗ, các dòng smartphone Android mới ra mắt hoặc nhạt nhòa, hoặc biến thành bom xịt mà iPhone vẫn tiếp tục tiêu thụ tốt như vậy?
Bằng cách nào Apple biết được hãng vẫn có thể duy trì bước chạy của mình mà không hụt hơi?
Trong một cuộc phỏng vấn trên Wall Street Journal mới đây, Tổng giám đốc Tim Cook tiết lộ có 4 lĩnh vực chủ chốt khiến cho Apple tự tin rằng iPhone có thể tiếp tục tiêu thụ với tốc độ kỷ lục.
Thứ nhất là việc có rất nhiều người dùng đang gắn bó với các đời iPhone cũ, màn hình nhỏ và chưa nâng cấp lên iPhone 6/6 Plus: iPhone 6 ra mắt năm ngoái sở hữu màn hình 4.7 inch trong khi iPhone 6 Plus có màn hình 5.5 inch (Bộ đôi iPhone 6s và 6s Plus năm nay giữ nguyên hai kích cỡ này).
Trong khi đó, iPhone 5s trở về trước chỉ có màn hình 4-inch trở xuống. Nói cách khác, nhu cầu lên đời iPhone màn hình lớn "vẫn còn rất lớn", Cook khẳng định.
Thứ hai chính là hệ điều hành Android. Apple đã nhiều lần tuyên bố, số lượng người dùng chuyển từ Android sang iPhone kể từ sau khi iPhone 6 ra mắt đông kỷ lục. Quý vừa qua, Tim Cook đã tiết lộ con số cụ thể hơn, theo đó 30% những người mua iPhone trong thời gian này vốn là đang dùng điện thoại Android.
Thứ ba là yếu tố Trung Quốc. iPhone tiếp tục bán rất chạy tại thị trường này với tư cách một sản phẩm cao cấp, đắt tiền. Đây hiện là thị trường tăng trưởng lớn nhất của Apple, khi doanh thu từ Trung Quốc trong quý IV/2015 đã đạt hơn 12 tỷ USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Tim Cook khẳng định rằng ngày càng nhiều người trung lưu Trung Quốc đủ điều kiện tài chính để sở hữu iPhone.
Và cuối cùng chính là giá bán. Dù iPhone có thể đắt gấp đôi một số đối thủ Android, nhưng hóa ra đây lại là một ưu thế của Apple, WSJ phân tích.
Trong mắt người dùng, iPhone được coi như một món đồ xa xỉ, quý tộc mà người ta khao khát sở hữu, đủ nhiều để có thể trả tiền cho phần đắt hơn đó.
Nhưng bù lại, họ cảm thấy thỏa mãn khi được sở hữu và coi đấy như một biểu tượng của địa vị xã hội, một cảm giác mà những ai mua/sở hữu smartphone Android khó có được.