4 loài thực vật ức chế viêm loét dạ dày

GD&TĐ - Theo nhóm nghiên cứu, ngoại trừ lá chè xanh, thì đây là công bố mới nhất về khả năng ức chế enzyme urease của các dược liệu còn lại.

Nghệ trắng có khả năng ức chế enzyme urease mạnh.
Nghệ trắng có khả năng ức chế enzyme urease mạnh.

Nhóm nhà khoa học ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) đã vừa phát hiện khả năng ức chế urease, một enzyme đóng vai trò sống còn với vi khuẩn gây bệnh viêm loét dạ dày, của nghệ trắng, trâm bầu, sến đỏ, và móc mèo.

Dược liệu thiên nhiên trị viêm loét dạ dày

Sàng lọc hoạt tính ức chế enzyme urease của một số loài thực vật thu hái tại Tây Nguyên và Nam Bộ là đề tài của nhóm nghiên cứu gồm Lê Hữu Thọ, Nguyễn Xuân Hải, Lê Minh Khang, Trương Thành Nhân, Đỗ Văn Nhật Trường, Nguyễn Trung Nhân, Nguyễn Thị Thanh Mai, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM).

TS Nguyễn Thị Thanh Mai - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, viêm loét dạ dày – tá tràng là hiện tượng lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương. Đây là căn bệnh mãn tính, có diễn biến chu kỳ, thường tái phát và dễ gây biến chứng nguy hiểm như chảy máu hay loét dạ dày, thậm chí có thể phát triển thành ung thư dạ dày.

Tỉ lệ mắc bệnh loét dạ dày – tá tràng chiếm khoảng 10 - 15% dân số thế giới, hằng năm tăng thêm khoảng 0,2% và có khuynh hướng xảy ra ở người trẻ ngày càng nhiều. Trong 90% các ca bệnh, vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori ) được phát hiện có trong niêm mạc dạ dày của bệnh nhân.

H. pylori thường nằm dưới lớp chất nhầy của niêm mạc dạ dày, bám lên trên mặt hoặc chui sâu vào khe giữa các tế bào biểu mô dạ dày. Chúng phát triển trong môi trường pH 5,5 - 8,0 và phát triển tối ưu ở pH trung tính. Vi khuẩn này có thể tồn tại trong môi trường acid dạ dày, xâm nhập và cư trú ở niêm mạc dạ dày nhờ enzyme urease, một loại enzyme thủy phân có chứa ion Ni2+ trong cấu trúc.

Enzyme urease xúc tác quá trình thủy phân urea thành amoniac và carbon dioxide. Trong cơ thể, amoniac được tạo ra để kiềm hóa môi trường bao bọc xung quanh vi khuẩn, để kháng acid của dạ dày. Đồng thời, chúng cũng kích thích dạ dày tăng tiết acid làm phá vỡ niêm mạc dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm loét ngày càng trầm trọng.

Nhiều công trình nghiên cứu tìm kiếm thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày do H. pylori đã được thực hiện. Trong đó, một số chiết xuất từ các dược liệu tự nhiên được báo cáo rất tiềm năng.

Đến nay, rất ít công trình nghiên cứu về hoạt tính ức chế enzyme urease của các dược liệu Việt Nam. Nhóm nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã nghiên cứu sàng lọc hoạt tính ức chế enzyme urease của cao chiết từ một số loài cây dược liệu thu hái ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

Cụ thể, nhóm lựa chọn và thu hái 44 loài thực vật ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai, TPHCM, Bến Tre, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang như chè xanh, cần tây, dâu tằm, dã quỳ, sung, trứng cá, mã đề, diệp hạ châu, rau má, nghệ trắng, trâm bầu, sến đỏ, móc mèo… để tìm ra hoạt chất giải bài toán nêu trên.

Ức chế enzyme mạnh nhất

TS Mai cùng nhóm nghiên cứu đem phơi khô tự nhiên và cắt nhỏ các mẫu cây tươi sau khi thu hái. Tiến hành trích ly Soxhlet (phương pháp phổ biến để chiết xuất các hợp chất từ các mẫu rắn, sử dụng nguyên lý ngưng tụ và chưng cất để liên tục chiết xuất chất tan từ mẫu vật liệu), khoảng 100g mẫu dược liệu khô với 500 mL dung môi methanol trong 8 giờ liên tục.

Dịch chiết được cô quay dưới áp suất kém thu hồi dung môi, sau đó tiến hành đông khô đến khối lượng không đổi, thu được các mẫu cao chiết dùng cho thử nghiệm hoạt tính ức chế enzyme urease.

Tất cả các thí nghiệm được thực hiện lặp lại 3 lần và hoàn toàn ngẫu nhiên. Phân tích thống kê được thực hiện bằng phần mềm Microsoft Excel 365. Sử dụng phương pháp phân tích phương sai một chiều, kết quả được tính dựa trên giá trị trung bình với độ lệch chuẩn (p < 0,05) cho thấy ý nghĩa thống kê.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, năm loài thực vật có tác dụng ức chế mạnh enzyme urease với giá trị IC50 (nồng độ mà tại đó ức chế 50% hoạt tính của enzyme) nhỏ hơn 100 µg/mL là củ nghệ trắng, thân trâm bầu, thân sến đỏ, lá chè xanh và hạt móc mèo. Trong đó, củ nghệ trắng có hoạt tính mạnh nhất với giá trị IC50 là 22,5 µg/mL, có tiềm năng trong điều trị bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn H.pylori gây ra.

Theo nhóm nghiên cứu, ngoại trừ lá chè xanh, thì đây là công bố mới nhất về khả năng ức chế enzyme urease của các dược liệu còn lại. Cây trâm bầu, sến đỏ và móc mèo lần đầu được tìm thấy tác dụng ức chế enzyme urease, tạo tiền đề cho những nghiên cứu tiếp theo nhằm tìm ra dược liệu có khả năng điều trị bệnh viêm loét dạ dày do H. pylori.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Láng giềng gần và đối tác xa

GD&TĐ - Cục diện tình hình quan hệ giữa các quốc gia ở khu vực Nam Á sẽ biến động rất khó lường, đồng thời có thể sẽ bị cuốn vào vòng xoáy mới...