Giẫm đạp, chen chúc, thậm chí ném cà chua, bùn đất vào nhau,.. - khung cảnh hỗn loạn được ghi nhận ở nhiều lễ hội văn hóa lâu đời nức tiếng trên thế giới. Nhiều lễ hội mang lại niềm vui trải nghiệm cho người tham gia, nhưng đôi khi cũng để lại thương tích.
1. Lễ hội Khỏa thân ở Nhật Bản
Lễ hội Khỏa thân ở Nhật Bản vừa được tổ chức cuối tuần qua. Khoảng 9.000 người đàn ông bán khỏa thân đã tập trung tại đền Saidaiji ở thành phố Okayama để tranh cướp tấm bùa phù hộ thiêng liêng.
Hàng nghìn người tranh cướp quyết liệt
Theo truyền thống địa phương, người chiến thắng sẽ có được một năm đầy sức khỏe, thành đạt và thịnh vượng. Họ đã phải tranh giành rất khốc liệt: đầu tiên phải tắm mình trong nước lạnh cóng, sau đó cố gắng giành lấy đôi gậy may mắn, được gọi là shingi, và ngăn chặn không cho người khác giật mất. Năm nào cũng có người bị thương sau khi kết thúc lễ hội.
Ai cũng muốn giành được tấm bùa phù hộ thiêng liêng để có được một năm may mắn
Năm nào cũng có người bị thương do chen chúc, xô đẩy
2. Lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha:
Đến Tây Ban Nha vào tháng 8 hàng năm, bạn sẽ được tham gia Trận chiến Thức ăn lớn nhất trên thế giới.
Thị trấn Bunol ở Valencia nhuộm màu đỏ rực của hàng tấn cà chua chín mọng. Mọi người đến đây với mục đích duy nhất là ném cà chua vào nhau. Hàng năm lễ hội thu hút hàng chục nghìn người, hầu hết là khách du lịch.
Hàng chục người đến đến đây chỉ để ném cà chua
Lễ hội khởi nguồn từ một trận chiến thức ăn của trẻ em từ những năm 1940
3 Lễ hội bò tót ở Tây Ban Nha:
Cũng ở Tây Ban Nha, nhưng nguy hiểm hơn nhiều, đó là Lễ hội bò rượt. Nhằm thử lòng dũng cảm của người tham dự, ban tổ chức cho họ chạy đua cùng với 6 con bò tót, mỗi con nặng hơn 500 kg, với cặp sừng nhọn hoắt.
Đây có lẽ là lễ hội nhiều thương tích nhất. Hàng năm có tới hàng trăm người bị thương do xô đẩy hoặc bị bò húc trong cuộc chạy đua ở những con phố nhỏ hẹp. Thậm chí hơn 12 người đã chết từ khi lễ hội được tổ chức đến nay.
Người tham gia chạy đua cùng với 6 con bò tót, mỗi con nặng hơn 500 kg
Đã có ít nhất 12 người chết kể từ khi lễ hội được tổ chức
4. Lễ hội Đánh nhau Takanakuy ở Peru:
Ở các nước phương Tây, thông thường ngày 25/12 là ngày tụ họp bên gia đình, nói những lời cảm ơn và trao quà tặng. Thế nhưng ở Peru, cụ thể là tỉnh Chumbivilcas, đây lại là lúc dùng nắm đấm để phân biệt thắng thua.
Takanakuy nghĩa là “đánh lẫn nhau”, lễ hội lâu đời này thu hút rất đông người tham dự với mong muốn giải quyết được tranh chấp và xung đột của những năm trước. Lễ hội cho phép nam, nữ và cả trẻ con tranh đấu, được phép đá và đấm, nhưng không được cắn và giật tóc.
Lễ hội là nơi giải quyết tranh chấp và xung đột của những năm trước
Một cảnh đổ máu trong lễ hội đánh nhau. Người tham gia được phép đá và đấm, nhưng không được cắn và giật tóc