4 giải pháp cho phân luồng

4 giải pháp cho phân luồng

(GD&TĐ) - Để tìm giải pháp cho phân luồng học sinh (HS) sau THCS, Sở GD&ĐT Tiền Giang nghiên cứu Đề tài nghiên cứu “Giải pháp phân luồng HS sau THCS tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2020”, theo đó, đưa ra 4 giải pháp.

Các bạn HS nghe thầy cô trường ĐHTG tư vấn hướng nghiệp
Các HS nghe tư vấn hướng nghiệp tại ĐH Tiền Giang

Tuyên truyền nâng cao nhận thức, mục tiêu chính là làm xoay chuyển nhận thức của toàn xã hội về công tác này.

Theo đó, sẽ thực hiện tuyên truyền, tác động, tập huấn, bồi dưỡng cho các đối tượng liên quan về các nội dung của việc lựa chọn trường học, ngành học, phương thức học, hướng nghiệp, chọn nghề, tham gia lao động sản xuất cho HS sau khi tốt nghiệp THCS như:

Tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường THCS về công tác hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp, phương pháp dạy học tích hợp môn học với GDHN… nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng làm công tác GDHN cho giáo viên;

Tổ chức hội thảo, mạn đàm với cha mẹ HS về việc theo dõi việc học của con, lựa chọn trường học cho con, về hướng nghiệp và phân luồng HS sau THCS;

Đoàn thể và các cấp chính quyền quán triệt mục đích ý nghĩa của công tác hướng nghiệp phân luồng HS sau THCS, có biện pháp giúp HS sau THCS có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi hình thức học tập phù hợp nguyên vọng và năng lực của mình.

Giải pháp muốn thực hiện thành công cần thực hiện đồng bộ, rộng rãi trong xã hội.

Đầu tư: Huy động các nguồn lực để đầu tư cho công tác phân luồng HS sau THCS theo hướng tạo ra năng lực mới thúc đẩy cho phân luồng cân đối, hợp lý theo các nội dung như: Cân đối ngân sách nhà nước, địa phương để đầu tư để khắc phục các yếu kém của các cơ sở GD&ĐT nhằm tạo ra sự cân đối giữa các luồng.

Việc đầu tư có thể nhằm vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng đội ngũ. Hình thức đầu tư có thể là xây dựng mới, mở rộng qui mô… Các nguồn ngoài nhà nước có thể là khuyến khích nhà đầu tư mở các cơ sở giáo dục đào tạo với những ưu đãi về vốn vay, đất, mặt bằng…

Đối với Tiền Giang đây là giải pháp có tầm quan trọng đặc biệt do cơ sở vật chất các cơ sở GD&ĐT còn nhiều khó khăn.

Để giải pháp thực hiện thành công cần tránh khuynh hướng quá tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông, đầu tư nhỏ giọt cho GDNN, GDTX vì cách đầu tư theo hướng này sẽ làm cho công tác phân luồng ngày càng thêm khó khăn không thực hiện được mục đích của việc phân luồng.

Xã hội hóa: Các nội dung cơ bản của giải pháp này như thực hiện việc khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư các tổ chức cá nhân hướng vào lĩnh vực GD&ĐT, dạy nghề thông qua các chính sách của Nhà nước.

Tuyên dương người có tay nghề, bậc thợ giỏi trên các phương tiện và hình thức thông tin rộng rãi, cấp học bổng cho HS học nghề, giải quyết việc làm cho người học sau khi đào tạo.

Khuyến khích xã hội, cộng đồng có hình thức tôn vinh người lao động lành nghề, nêu gương người tốt, việc tốt trong lao động sản xuất.

Quản lý nhà nước: Nội dung cơ bản của giải pháp là thực hiện việc tổ chức các luồng học có đủ  năng lực thực hiện chức năng phân luồng. Mạnh dạn tuyển vào THPT hàng năm với tỷ lệ khoảng 65 - 70% học sinh tốt nghiệp THCS qua thi tuyển. Số còn lại đi vào các luồng GDTX, TCCN, dạy nghề, LĐSX.

Trên cơ sở đó thực hiện việc nâng cao chất lượng hiệu quả GD-ĐT của các luồng học và hiệu quả xã hội của phân luồng với các nội dung như: Nâng cao mặt bằng và chất lượng giáo dục phổ thông vì chủ yếu là học sinh khá giỏi và một số HS trung bình mới có năng lực vào học trong các trường THPT.

Xây dựng và kiểm soát chuẩn đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp chặt chẽ, quản lý tốt chất lượng GDTX, giảm thiểu HS bỏ học, ngán học do không theo nổi chương trình học phổ thông. Tổ chức diễn đàn việc làm, liên kết doanh nghiệp và trường đào tạo nhằm tạo ra việc làm thu hút lao động qua đào tạo.

Thực hiện qui hoạch và kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu địa phương đi đôi với kế hoạch phát triển các cơ sở đào tạo TCCN và Dạy nghề, đó cũng là những nội dung quan trọng trong thực hiện giải pháp này..

Bốn giải pháp nêu trên là một hệ thống các giải pháp có quan hệ hữu cơ tương tác với nhau trong đó giải pháp 1 là giải pháp hàng đầu, thực hiện thường xuyên nhất là trong trường học; Giải pháp 2 là giải pháp đột phá nếu thực hiện tốt giải pháp này sẽ tạo ra động lực cho thực hiện phân luồng hợp lý và ngược lại nếu giải pháp này đình trệ thì kéo theo các giải pháp khác bị mất tác dụng; Giải pháp 3 là giải pháp hỗ trợ thúc đẩy cho thực hiện các giải pháp trong hệ thống; Giải pháp 4 là giải pháp quan trọng nhằm duy trì tiến độ và các bước đi tạo nên tính ổn định bền vững của công tác phân luồng.
 

Hải Bình ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ