Cuộc chiến không tiếng súng trong 98 năm
Vào năm 1883, người dân ở Lijar, một làng nhỏ ở phía nam Tây Ban Nha, nổi giận khi họ biết tin một số người Pháp sỉ nhục và tấn công vua Alfonso XII của Tây Ban Nha trên phố khi ông thăm thành phố Paris.
Để đáp trả, Don Miguel Garcia Saez, người đứng đầu làng Lijar, và toàn bộ 300 dân trong làng tuyên chiến với Pháp vào ngày 14/10/1883. Hai bên không bắn phát súng nào và cũng không ai chết hoặc bị thương vì "cuộc chiến".
Một góc tại thị trấn Lijar ở miền nam Tây Ban Nha. Ảnh: blogspot.com |
Vào năm 1976, vua Juan-Carlos của Tây Ban Nha công du Paris. Trong chuyến thăm này, người dân Paris đối xử rất long trọng đối với ông. Vì thế, vào năm 1981, hội đồng nhân dân Lijar (lúc này làng đã trở thành một thị trấn), tuyên bố họ đình chiến với Pháp do thái độ tốt của người dân Paris đối với đức vua của họ.
Ảnh minh họa: wordpress.com |
Modena và Bologna là hai vùng thuộc Italy, nhưng vào thế kỷ 14, chúng là hai thành bang độc lập với nhau. Vào năm 1325, một nhóm lính Modena xâm nhập vào lãnh thổ Bolgona và lấy cắp một thùng gỗ to.
Chiếc thùng không phải là vật có giá trị, song thành bang Bologna cảm thấy Modena đã bôi nhọ danh dự của họ. Vì thế, để lấy lại cái thùng và cả danh dự, Bologna tuyên chiến với Modena. Cuộc chiến kéo dài tới 12 năm, nhưng trên thực tế Bologna chưa bao giờ cố gắng lấy lại cái thùng. Ngày nay nó vẫn nằm trong tháp chuông ở tỉnh Modena của Italy.
Tổng thống tuyên chiến vì muốn chứng tỏ tài năng quân sự
Một bức tranh chân dung tổng thống Francisco Solano Lopez của Paraguay. Ảnh:mforos.com |
Francisco Solano Lopez là một trong những tổng thống Paraguay trong thế kỷ 19. Là người ngưỡng mộ hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, Francisco nghĩ rằng ông là một nhà chiến thuật và chỉ huy quân sự tài năng.
Tuy nhiên, "chiến lược gia" vẫn thiếu một thứ: chiến tranh. Vì thế, để giải quyết vấn đề, vào năm 1864, Francisco tuyên chiến với ba nước láng giềng - gồm Argentina, Brazil và Uruguay, The Los Angeles Times đưa tin. Cuối cùng Paraguay nhận kết cục thảm hại sau cuộc chiến.
Giới sử gia ước tính rằng tới 90% nam giới trưởng thành của Paraguay chết vì cuộc chiến tranh ấy. Họ mất mạng vì chiến sự, bệnh tật và nạn đói. Có lẽ đây là một trong những cuộc chiến tranh vô nghĩa trong lịch sử thế giới, bởi Francisco chẳng có bất kỳ cơ hội nào để đánh bại 3 nước láng giềng mạnh hơn hẳn Paraguay. Hơn 400.000 người của cả 4 nước đã bỏ mạng vì cuộc chiến.
Một công trình ở khu vực Petrich. Ảnh: blogspot.com |
Vào năm 1925, Hy Lạp và Bulgaria đang ở trong tình trạng thù địch. Hai nước từng đối đầu nhau trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất và vẫn còn căm thù nhau. Căng thẳng giữa hai nước dâng cao dọc theo biên giới, đặc biệt là ở một khu vực mang tên Petrich. Ngày 22/10/1925, một binh sĩ Hy Lạp đuổi theo con chó của anh. Thật không may, con chó chạy sang lãnh thổ Bulgaria và một lính gác Bulgaria đã bắn chết anh.
Chính quyền Hy Lạp tuyên bố họ sẽ trả thù cho cái chết của binh sĩ xấu số và quân đội của họ tràn sang khu vực Petrich trong hôm sau. Họ đẩy lực lượng Bulgaria ra khỏi Petrich nhưng buộc phải ngừng do sự can thiệp của Hội Quốc Liên (cơ quan tiền thân của Liên Hiệp Quốc). Không những bắt Hy Lạp rút quân khỏi Petrich, Hội Quốc Liên còn yêu cầu Athens bồi thường mọi tổn thất cho Bulgaria. Binh sĩ Hy Lạp rút 10 ngày sau đó và Athens bồi thường cho nước láng giềng 45.000 bảng Anh.