36 năm nữa, 4,3 triệu đàn ông Việt không tìm được vợ

GD&TĐ - Duy trì chỉ số cân bằng giới tính khi sinh trong giới hạn bình thường sẽ đảm bảo sự cân bằng trong phát triển tự nhiên và xã hội của một quốc gia, địa phương. Vì thế mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khó lường.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Báo động hiện tượng “nam hóa” ở Việt Nam

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á nơi có tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái được báo cáo “mất tích”.

Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai trên 100 bé gái năm 2000 lên 113,8 bé trai trên 100 bé gái năm 2013 và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng.

Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhận định: Công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức: qui mô dân số lớn, mật độ dân số rất cao, mức sinh còn có nhiều khác biệt giữa các vùng miền,… Trong đó, mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những thách thức hết sức nghiêm trọng.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Các hậu quả về lâu dài rất nghiêm trọng: việc thiếu phụ nữ sẽ làm gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm hơn và có thể bỏ học để lập gia đình. Có thể sẽ có sự gia tăng về nhu cầu mại dâm; dẫn đến việc gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ.

Theo ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam: "Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh không nằm ở việc lựa chọn giới tính thai nhi, mà chính là do sự bất bình đẳng giới và xem thường giá trị của phụ nữ.

Hiện tượng lựa chọn giới tính trước khi sinh trở nên nghiêm trọng hơn bởi các giá trị truyền thống gia trưởng trong gia đình, đặc biệt là hệ thống gia đình phụ hệ cũng như thiếu quyền tự chủ của người phụ nữ về mặt tài chính và xã hội”.

Con trai – ước muốn thâm căn của người Việt?

Tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai được sinh ra trên 100 trẻ em gái, là một chỉ số nhân khẩu học, phản ánh cơ cấu giới tính của một quần thể dân số. Tỷ số giới tính khi sinh ở mức sinh học bình thường là từ 104 - 106/100 trẻ em gái.

Theo “Báo cáo nghiên cứu định tính nhằm tìm hiểu sâu hơn về tình trạng tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam”: 

Ở nước ta, có nhiều yếu tố tác động khiến con trai được ưa thích hơn con gái, trong đó nổi cộm là hệ tư tưởng văn hóa – cụ thể là quan niệm rằng dòng tộc chỉ được tiếp nối bởi những người đàn ông và thờ cúng tổ tiên chỉ nên được thực hiện bởi nam giới;

Các yếu tố về kinh tế - xã hội mà cụ thể là mô hình cư trú bên nội/nhà chồng trong đó cha mẹ già sống chung với con trai và mô hình thừa kế tài srn trong đó con trai được nhận phần tài sản lớn hơn từ cha mẹ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: tất cả những người ở các địa bàn nghiên cứu khác nhau, khi được hỏi đều đánh giá cao con gái. Họ cũng nhấn m,ạnh rằng, con gái nhìn chung đáng tin cậy và chăm chỉ hơn con trai. 

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, con trai không phải lúc nào cũng chu đáo như con gái và dễ có nguy cơ rơi vào các tệ nạn xã hội. Con gái cũng có thể chăm sóc tốt cho cha mẹ khi về già và thờ cúng tổ tiên.

Có nhiều bằng chứng ở châu Á và Việt Nam cho thấy mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu là do việc lựa chọn giới tính thai nhi do định kiến giới, ưa thích con trai và xem thường giá trị trẻ em gái đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa.

Những tư tưởng truyền thống lâu đời này đã tạo nên những áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng cơ bản tới vị thế kinh tế, xã hội cũng như đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ liên quan tới sức khỏe cũng như sự sống còn của họ.

Giải pháp nào?

Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng gia tăng, tăng cường tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của các nhóm đối tượng về hệ luỵ mất cân giới tính khi sinh, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Tuy nhiên, cần thiết phải tăng cường hơn nữa cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và là nguyên nhân chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính trước khi sinh.

Cần phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để thay đổi quan niệm của mọi người về sự ưa thích con trai và các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, đặc biệt quan niệm của nam giới và trẻ em trai.

Cũng theo ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam: Giải pháp của vấn đề không phải là tập trung vào giải quyết hiện tượng, mà vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh rộng lớn của phát triển kinh tế, xã hội và quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em.

Khi mà phụ nữ và các em gái được tiếp cận với chăm sóc y tế, giáo dục, cơ hội việc làm một cách bình đẳng như nam giới, thì họ sẽ có thể phát triển tốt và làm được những gì mà nam giới và trẻ em trai được mong đợi cần phải làm, thậm chí họ có thể làm tốt hơn.

Tuy nhiên, ông Arthur Erken cũng nhấn mạnh: Nếu chỉ có phụ nữ thì không thể giải quyết được vấn đề, mà cần có sự hợp tác giữa nam giới trên tinh thần quan hệ đối tác. Nam giới cần phải được khuyến khích để trở thành những tác nhân thay đổi văn hóa - xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ