Theo điểm c Điều 1 Nghị quyết 109/20015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội quy định về việc thi hành Bộ luật Hình sự 2015, 34 tội phạm mới được bổ sung vào bộ luật này.
VnExpress điểm qua một số tội danh, tội phạm mới điển hình.
Điều 147: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
Hành vi khiêu dâm trẻ em thể hiện ở các dấu hiệu: lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Chủ thể phạm tội là người từ đủ 18 tuổi trở lên, mức án từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội sẽ phải chịu khung hình phạt mở rộng đến 12 năm nếu có thêm các tình tiết tăng nặng: phạm tội với hai người trở lên, vì mục đích thương mại, tái phạm nguy hiểm... Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
Điều 154: Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người
Hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người khác sẽ bị phạt tù 3-7 năm.
Nếu người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, mức hình phạt có thể tăng tới 15 năm tù: có tổ chức, vì mục đích thương mại, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp, đối với 2-5 người, phạm tội hai lần trở lên...
Mức hình phạt cao nhất là án tù chung thân nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội đối với 6 người trở lên, gây chết người, tái phạm nguy hiểm...
Điều 167: Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân
Người dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này mà còn vi phạm, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 2 năm.
Mức hình phạt cao nhất dành cho tội phạm này là 5 năm khi thỏa mãn các yếu tố như: phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm chức vụ tới 5 năm.
Điều 297: Tội cưỡng bức lao động
Người phạm tội này có thể bị phạt đến 3 năm tù, phạt tiền 50-200 triệu đồng nếu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động.
Mức phạt dành cho tội phạm còn mở rộng từ 3 đến 12 năm tù nếu có nhiều tình tiết tăng nặng như: phạm tội có tổ chức, với hai người trở lên, với trẻ em, phụ nữ có thai, người già yếu, khuyết tật, làm chết người…
Người phạm tội có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Điều 215: Tội gian lận bảo hiểm y tế
Những hành vi chiếm đoạt tiền bảo hiểm y tế 10-100 triệu đồng hoặc gây thiệt hại 20-200 triệu đồng mà không thuộc trường hợp: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài quy định tại luật này là dấu hiệu của tội gian lận bảo hiểm y tế.
Người phạm tội bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 2 năm khi có đủ chứng cứ để cáo buộc thực hiện những hành vi cụ thể sau:
Thứ nhất người phạm tội lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng.
Thứ hai người giả mạo hồ sơ, thẻ bảo hiểm y tế hoặc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế được cấp khống, thẻ bảo hiểm y tế giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ bảo hiểm y tế của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định.
Người phạm tội còn có thể bị phạt 1-10 năm tù nếu thực hiện hành vi có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, gây thiệt hại 200-500 triệu đồng hoặc trên 500 triệu, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt…
Hình phạt bổ sung dành cho tội phạm phạt tiền 10-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Điều 216: Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Điều luật này áp dụng với người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Nếu những người này gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định từ sáu tháng trở lên sẽ bị xử lý hình sự.
Cụ thể, nếu nghi can trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 lao động với số tiền 50-300 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên mà còn vi phạm thì sẽ bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Khung hình phạt của tội này còn mở rộng từ 6 tháng đến 7 năm tù khi có những tình tiết tăng nặng như: phạm tội từ hai lần trở lên, số tiền trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến một tỷ đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Đối với pháp nhân thương mại nếu phạm tội này có thể bị phạt tiền lên tới 3 tỷ đồng.
Điều 187: Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Sau khi pháp luật cho phép mang thai hộ, Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định phòng ngừa, xử lý những người lợi dụng hoạt động này để trục lợi.
Theo đó, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, bị phạt tiền từ 50- 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến 2 năm.
Người phạm tội với hai người trở lên, hai lần trở lên, tái phạm nguy hiểm hoặc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức để phạm tội sẽ phải đối diện với mức án tù 1-5 năm.
Hình phạt bổ sung dành cho người phạm tội cũng là phạt tiền 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định tới 5 năm.
Điều 336: Tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật
Người có nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện việc đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch nếu thực hiện công việc trái pháp luật, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Mức phạt nặng nhất là 2 năm tù nếu người phạm tội có hành vi đăng ký, cấp giấy tờ về hộ tịch trái pháp luật cho hai người trở lên.