3 yếu tố quan trọng để dạy - học Ngoại ngữ hiệu quả

GD&TĐ - Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung (Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội), đối với Đề án Ngoại ngữ 2020, việc xác định các hướng triển khai ưu tiên, các cách làm phù hợp sẽ quyết định hiệu quả của hệ thống các giải pháp.

3 yếu tố quan trọng để dạy - học Ngoại ngữ hiệu quả

PGS Nguyễn Lân Trung cho rằng: Về quan điểm và cách thức triển khai, để tăng cường hiệu quả trong thời gian tới, cần chú trọng tới các yếu tố như: Nguồn nhân lực; Nguồn học liệu; Xây dựng cộng đồng học tập.

Nguồn lực con người

Giải pháp trực tuyến (online) đáng để chúng ta quan tâm nhất. Về mặt tổ chức, đó là phương thức kết hợp (blended teaching) với một liều lượng được xác định hợp lý cho phần trực tiếp và phần trực tuyến.

Theo PGS Nguyễn Lân Trung, năng lực tiếng và đặc biệt là năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, giảng viên dần được nhìn nhận đóng vai trò quyết định.

Cho dù chúng ta có các tài liệu giáo khoa tốt, kho học liệu phong phú, các điều kiện kỹ thuật hỗ trợ hiện đại, nhưng người dạy không đủ năng lực giúp người học tiếp cận hiệu quả các nguồn dữ liệu đó, tương tác cùng người học và tạo sự tương tác giữa người học với nhau để sử dụng ngôn ngữ như trong các tình huống của cuộc sống thì mục tiêu đặt ra đã không đạt được.

"Một nền giảng dạy lấy người học làm trung tâm phải hiểu đúng nghĩa là người thầy phải là nhà quản lý giỏi, là đạo diễn sáng tạo, biết kết nối các yếu tố ngoại vi để phục vụ cho hoạt động của trung tâm, đó là người học. Người học chỉ có thể là trung tâm nếu người thầy muốn và biết cách biến họ trở thành trung tâm cho quá trình dạy-học" - PGS Nguyễn Lân Trung nêu quan điểm.

Ông cho rằng: Hiện nay, một bộ phận không nhỏ các giáo viên, giảng viên còn yếu về năng lực thực hành tiếng, lúng túng về khả năng sư phạm. Họ cần phải được tiếp tục tập huấn và bồi dưỡng.

Tuy nhiên ở giai đoạn này, chúng ta không thể tiếp tục lấy phương thức chủ đạo là tập trung bồi dưỡng mặt giáp mặt, phần vì điều kiện kinh phí không cho phép, điều kiện thời gian tập trung dài và di chuyển xa không thuận lợi, hạn chế đáng kể hiệu quả của các khóa học, nhưng điều quan trọng nhất là không tạo điều kiện cho đội ngũ của chúng ta chủ động tạo lập thói quen và phương pháp tự bồi dưỡng có hướng dẫn, phá bỏ thói quen ỷ lại, vận dụng sáng tạo lý thuyết vào giải quyết các vấn đề cụ thể của thực tiễn giảng dạy của mình.

Nguồn học liệu

PGS Nguyễn Lân Trung cho biết: Trong một sơ đồ các thành tố giáo dục, bao giờ cũng nổi lên 3 yếu tố là: Người dạy, người học và phương pháp học liệu. Trong một lớp học truyền thống chủ yếu với hình thức mặt giáp mặt, học liệu gần như là duy nhất là tài liệu giáo khoa bản cứng.

Ngày nay, mục tiêu đào tạo đã thay đổi dẫn đến quy trình đào tạo, phương pháp đào tạo cũng thay đổi theo. Người học hôm nay nếu chỉ học ở trên lớp thì không đủ, nếu chỉ dựa vào duy nhất tài liệu giáo khoa cũng không đủ để phát triển chuyên môn của mình.

PGS.TS Nguyễn Lân Trung: Một hệ thống đầu mối cung cấp học liệu đầy đủ sẽ bao gồm ba cấp: Trung tâm học liệu ngoại ngữ Quốc gia, Trung tâm học liệu ngoại ngữ Vùng và Trung tâm học liệu thư viện của các Trường, các đơn vị cơ sở đào tạo.

Tự học có hướng dẫn, tự đào tạo là định hướng học tập hiện nay. Muốn tự học, tự đào tạo thì vấn đề học liệu được đặt vào một vị trí vô cùng quan trọng, cho cả người dạy và người học.

Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cho phép mở ra những khả năng to lớn để xây dựng các kho học liệu trên mạng, phong phú đa dạng, có thể tiếp cận, truy cập hầu như mọi nơi, mọi lúc.

Vì vậy học liệu online trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng bên cạnh các thư viện, phòng đọc thông thường.

Sự xuất hiện của các dạng thức học liệu mới làm thay đổi nhận thức về phương pháp dạy cũng như là phương pháp học, thay đổi chức năng nhiệm vụ của từng đối tượng tham gia vào quy trình giáo dục.

Cụ thể là: Người dạy có nhiệm vụ tìm kiếm, lựa chọn, giới thiệu cách khai thác học liệu, kiểm tra quá trình người học tiếp cận và sử dụng học liệu để hỗ trợ, người học tiếp thu nguồn học liệu, mở rộng nguồn học liệu, tự giác khai thác nguồn học liệu, tương tác với nguồn học liệu với thầy và bạn học, cộng đồng người học chia sẻ các nguồn học liệu, trợ giúp nhau trong khai thác, sử dụng nguồn học liệu và cơ quan quản lý tạo cơ chế để phát triển nguồn học liệu và các phương thức, điều kiện để chia sẻ các nguồn học liệu này.

Cũng theo PGS, trong một mô hình tổng thể hệ thống của các đầu mối cung cấp học liệu, việc xây dựng các loại hình Trung tâm học liệu mới có một vai trò quan trọng.

Các loại hình thư viện, phòng đọc, trung tâm học liệu cũ tỏ ra không đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực, vì vậy cần xây dựng các mô hình Trung tâm học liệu kiểu mới, thực tế hơn, cập nhật hơn.

Xây dựng cộng đồng học tập

 Mong muốn cũng như khẩu hiệu của chúng ta là “tối ưu hóa các nguồn lực tại chỗ để tìm kiếm hiệu quả cao nhất”.
Đó mới là hiện thân cho sự thành công, là khởi nguồn cho các mô hình đa dạng, phong phú, thuyết phục và rất đáng trân trọng đang nảy nở và lan tỏa trong vườn hoa chung các mô hình khoe sắc.

Theo PGS Nguyễn Lân Trung, trong những năm qua, những chỉ đạo nhất quán mang tầm chiến lược của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng, một xã hội học tập ngoại ngữ, coi đó là một trong những giải pháp trọng tâm để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện dạy và học ngoại ngữ ở nước ta đến giai đoạn 2020.

Hai năm vừa qua, trong tất cả các cơ sở giáo dục - đào tạo của cả nước, một phong trào học tập ngoại ngữ đã dấy lên mạnh mẽ không chỉ trong đào tạo trên lớp mà phát triển rộng khắp ra ở các hoạt động bên ngoài lớp học, trong xã hội, trong cộng đồng, nhiều cách làm mới, nhiều sáng kiến hay, đang dần hình thành các mô hình điển hình từ những kinh nghiệm thực tế.

Những kết quả này khẳng định sức sống và bước đi vững chắc của một chủ trương đúng đắn, một thực tiễn hết sức sinh động của quá trình hình thành và phát triển cộng đồng học tập ngoại ngữ, đã thổi một luồng gió mát vào trong nhận thức của cả người dậy, người học và nhà quản lý, làm thay đổi cả về phương pháp dạy và học, các hoạt động học tập, kiểm tra đánh giá, học liệu, phương tiện dạy và học ngoại ngữ.

Giải pháp cơ bản này cần phải được chú trọng quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa, huy động được đông đảo các nguồn lực xã hội để xây dựng thành công một cộng đồng học tập ngoại ngữ.

Những bài học có thể rút ra từ thực tiễn xây dựng một cộng đồng học tập ngoại ngữ ở Việt Nam có thể thắp thêm niềm tin cho một hướng đi, một giải pháp của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện việc dạy và học Ngoại Ngữ ở Việt Nam.

Đó là từ những mô hình thực tiễn chúng ta thấy có thể làm được, vấn đề là chúng ta phải thống nhất nhận thức, tranh thủ mọi nguồn lực, năng động sáng tạo, xã hội hóa cao nhất và tận dụng hợp lý nhất hợp tác quốc tế.

Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc nhịp nhàng giữa hai khâu quản lý và chuyên môn, sự tận tâm của đội ngũ giáo viên, giảng viên, sự đồng cảm về mục tiêu chung, xây dưng một xã hội học tập, một cộng đồng học tập ngoại ngữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ