3 thói quen xấu khiến trẻ học kém

GD&TĐ - Những thói quen xấu sẽ khiến đứa trẻ học ngày học đêm, điểm số vẫn lẹt đẹt, không phát triển được bản thân, mãi trở nên trì trệ.

3 thói quen xấu khiến trẻ học kém

Nếu trẻ đang mắc phải 3 thói quen thiếu lành mạnh dưới đây, cha mẹ hãy kiên nhẫn giúp con sửa đổi.

Không có kế hoạch cụ thể

Mọi người đều biết rằng dù là công việc hay học tập, chỉ khi thực hiện nó một cách có kế hoạch thì bạn mới không cảm thấy mệt mỏi và đạt được kết quả gấp đôi với một nửa công sức.

Học mà không có kế hoạch, không biết mình muốn học gì, học như thế nào, học khi nào và luôn bị phụ huynh, thầy cô thúc giục sẽ khiến bản thân đứa trẻ cảm thấy bị ức chế, mệt mỏi và như thế có ngồi học cũng khó có kết quả tốt.

Mặc dù người ta nói không nên quá nghiêm khắc trong việc kỷ luật con cái nhưng một số việc đặc biệt việc học cần phải có thời gian cố định. Kết quả học hoàn toàn phụ thuộc vào tâm trạng của con trẻ, nếu tâm trạng tốt chúng sẽ học được nhiều hơn, nếu tâm trạng không tốt chúng sẽ khó tiếp thu, kết quả học.

Điều này thực sự không tốt. Do đó cần cùng con lập thời gian biểu rõ ràng, hợp lý. Cha mẹ hướng dẫn trẻ xây dựng mục tiêu học tập ngắn hạn và dài hạn. Chẳng hạn mục tiêu ngắn hạn là học thuộc 20 – 30 từ tiếng Anh mỗi ngày hay giải xong 2 đề Toán thì trẻ cần nghiêm túc thực hiện, không bỏ dở giữa chừng.

Hướng dẫn trẻ sắp xếp thời gian, tức là trẻ cần xác định bản thân có bao nhiêu mục tiêu và sẽ hoàn thành trong thời gian bao lâu.

Cuối cùng, cha mẹ cần đồng hành để trẻ không chán nản. Hãy thường xuyên dành cho trẻ những lời khích lệ để trẻ kiên trì thực hiện.

Thái độ học tập thiếu nghiêm túc

Bản tính của trẻ là ham chơi, dẫn tới chểnh mảng học tập. Khi làm bài tập, chúng thường làm nhanh cho xong mà không quan tâm nhiều đến đúng sai. Dù là ở phép tính, bài toán đơn giản nhất, trẻ cũng có thể làm sai. Điều này không phải do trẻ không biết làm mà vì muốn làm thật nhanh, làm cho xong để được đi chơi.

Trong lớp, khi nghe giáo viên giảng bài, tuy mắt dán vào bảng nhưng có thể trong đầu chúng lại đang nghĩ chuyện khác hoặc có thể làm việc này việc kia, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ xung quanh và không thể tập trung.

Đối với những đứa trẻ này, trong thời gian đầu, cha mẹ hãy kiểm tra bài tập của con kỹ lưỡng. Hãy soát từng phép tính, từng dấu chấm câu trong bài văn để trẻ hình thành thái độ nghiêm túc khi làm bài.

Trong quá trình trẻ học, hãy tắt ti vi, bỏ điện thoại xuống để kiên nhẫn hướng dẫn trẻ. Như vậy, trẻ sẽ thấy sự nghiêm túc, nghiêm khắc của cha mẹ.

Suy nghĩ học cho người khác

Một số trẻ không bao giờ hiểu được rằng việc học là cho chính chúng chứ không phải cho người khác. Cha mẹ luôn phải đôn đốc giám sát việc học của con, nếu cha mẹ không 'kè kè' bên cạnh thì chúng lại sao nhãng.

Trẻ không thích học, không hứng thú học vì thường bị cha mẹ bắt ép, thúc giục. Điều này khiến nhiều trẻ hình thành suy nghĩ học để cha mẹ hài lòng. Như vậy, trẻ sẽ học theo cách bị gượng ép, tâm trạng luôn cảm thấy mệt mỏi, áp lực.

Vì vậy, cần nuôi dưỡng khả năng học tập độc lập của trẻ và để trẻ trải nghiệm niềm vui học tập. Nếu cha mẹ giúp trẻ hiểu việc học cho bản thân chứ không phải học cho người khác và tạo hứng thú thì trẻ sẽ có suy nghĩ khác. Lúc này, trẻ trở nên nỗ lực phấn đấu và tự giác hơn.

Khi trẻ học kém, thiếu chú ý, chúng ta không nên mù quáng la mắng, khiển trách mà hãy cố gắng nói chuyện thẳng thắn với trẻ, lắng nghe tâm tư bên trong của trẻ. Chỉ khi thực sự hiểu trẻ, chúng ta mới có thể giúp trẻ học tập tốt và cải thiện thành tích của mình.

Theo aboluowang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ