Tòa cáo buộc ông Thăng phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 800 tỷ đồng
Theo cáo trạng, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 – 2011.
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17-3-2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;
Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18-9-2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn và Chủ tịch HĐQT Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng khiến cho PVN mất toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng.
Chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng Thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Ông Đinh La Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; một số dự án phải dừng, giãn, hoãn tiến độ, thua lỗ kéo dài, gây thất thoát, lãng phí, mất vốn đầu tư, gây hậu quả rất nghiêm trọng (trong đó có Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học).
Ông Thăng luôn khẳng định thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ
Trong ba ngày xét hỏi vừa qua, ông Thăng luôn khẳng định việc mua cổ phần Oceanbank là thực hiện đúng chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Oceanbank là đối tác phù hợp nhất với tập đoàn dầu khí ở thời điểm đó.
Theo ông Thăng, trong ba lần PVN rót vốn vào Oceanbank, hai lần đầu góp 400 tỷ và 300 tỷ là đúng quy định, có sự thống nhất, bàn bạc của HĐQT. Riêng lần thứ 3, ông Thăng khai thời điểm đó ông đi công tác nên không biết.
Trả lời cho cáo buộc ông Thăng không thực hiện việc thoái vốn của PVN tại Oceanbank để đảm bảo tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ là không vượt quá 15% mà tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng vào Oceanbank khiến toàn bộ số 800 tỷ của PVN bị mất hoàn toàn khi Oceanbank kinh doanh thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu và Ngân hàng Nhà nước phải mua lại Oceanbank.
Ông Thăng khai rằng, việc tăng vốn góp thêm 100 tỷ khiến cổ phần PVN tại Oceanbank vượt mức cho phép lại rơi vào đúng thời điểm ông đi công tác. Thời điểm đó, ông Thăng có ủy quyền cho ông Thắng điều hành công việc ở nhà nhưng không ủy quyền cho ông Thắng trong việc ký nghị quyết 4266.
Vì vậy ông Thăng không có trách nhiệm về việc gây ra thiệt hại cũng như phải thu hồi 800 tỷ đồng cho PVN mà chỉ nhận trách nhiệm của người đứng đầu.
Về việc Oceanbank bị mua 0 đồng khiến PVN bị mất trắng số tiền 800 tỷ đồng, ông Thăng cho rằng, ông không liên quan gì tới việc góp vốn, việc này cũng không thuộc trách nhiệm của ông.
Theo ông Thăng, ông đã chỉ đạo PVN thoái vốn khỏi Oceanbank từ tháng 3/2011. Việc PVN thoái vốn không thành là do Ngân hàng Nhà nước. PVN đã tìm được đối tác, đã có văn bản trình để báo cáo, OceanBank đã trình kế hoạch của đơn vị xin mua với giá tối thiểu là bằng giá nhưng lại không được thoái vốn.
Theo đó, lúc chuẩn bị thoái vốn, dù đã được Chính phủ đồng ý thì Ngân hàng Nhà nước lại đề nghị giữ lại. Rồi Phó Thủ tướng đã yêu cầu ngừng lại và sau đó chính Ngân hàng Nhà nước lại ra quyết định mua 0 đồng. Điều này không đúng pháp luật và hoàn toàn gây thiệt cho cổ đông trong đó có PVN là 20%.
Lộ trình thoái vốn của PVN theo ông Thăng được Chính phủ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2013-2015.
Cùng với ông Thăng, người làm chứng Hà Văn Thắm cũng khẳng định trước tòa việc Oceanbank bị mua 0 đồng là không đúng.
“Cứ cho việc mua Oceanbank giá 0 đồng là đúng, tôi xin mạnh dạn đề xuất với HĐXX cho phép các cổ đông, trong đó có PVN, được nhận lại những phần NHNN và kiểm toán đánh giá bằng 0 đó để chúng tôi đem bán để bù cho phần thiệt hại”, Hà Văn Thắm nói.
Cựu Chủ tịch Oceanbank cho rằng: "Tôi bảo đảm sẽ trình với HĐXX những tài sản đánh giá bằng 0 đó, chúng tôi sẽ đem đi bán và bảo đảm không chỉ trả 800 tỷ cho PVN và 3.200 tỷ cho các cổ đông còn lại mà tôi nghĩ trả 1.600 tỷ cho PVN cũng đủ”.
Theo ông Thắm, việc mua một DN, ngoài chuyện âm vốn điều lệ thì phải định giá giá trị thương hiệu, định giá lại những tài sản thế chấp của các khoản nợ xấu đó “vì hầu hết các khoản vay phải có tài sản thế chấp, tài sản đó phải đem bán chứ không lẽ bỏ đi".