3 kiểu lừa đảo trực tuyến mới, 'móc túi' người dùng mạng tuần qua

GD&TĐ - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) điểm lại một số hình thức lừa đảo trực tuyến trong tuần qua từ 7 - 14/7 để người dân chủ động phòng tránh.

Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin/Bộ TTTT.
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin/Bộ TTTT.

Thẻ lạ chứa mã QR

Mới đây, Công an TP.HCM cho biết xuất hiện các thẻ "lạ" màu vàng có ghi số 50.000 ở mặt trước. Mặt sau thẻ ghi nhiều thông tin hướng dẫn và kèm theo số thẻ, mật khẩu cùng mã QR.

Mặt sau thẻ ghi: "Mệnh giá thẻ này có thể thông qua bằng cách quét mã QR để nhận. Quét mã QR để liên hệ với bộ phận CSKH sau đó cung cấp tài khoản mật khẩu của thẻ để nhận được số tiền tương ứng.

Khi liên hệ với bộ phận CSKH, bạn vui lòng chụp lại ảnh số tiền trên thẻ và tài khoản mật khẩu. Để nhận được số tiền của thẻ chỉ cần nạp 50.000 đồng sẽ được tặng 50.000 đồng".

1 (1).jpg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin/Bộ TTTT.

Thủ đoạn dùng thẻ "lạ" chứa mã QR treo trên xe, cửa nhà để lừa người khác là rất mới. Nếu vô tình quét mã QR có thể khiến điện thoại bị xâm nhập, chiếm quyền điều khiển.

Khi đó, đối tượng lừa đảo sẽ dễ dàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ngang nhiên sử dụng hình ảnh có trong điện thoại, lấy các thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội…

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần xác minh kỹ thông tin giao dịch mới thực hiện các bước chuyển tiền trực tuyến. Khi quét mã QR code có đưa tới đường link lạ phải kiểm tra kỹ có bắt đầu với https và tên miền hay không mới quyết định thực hiện các thao tác tiếp theo.

Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và phải xác thực 2 yếu tố, sử dụng các phương thức bảo vệ khác cho các loại tài khoản đang sử dụng.

Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ.

Lừa đảo tuyển siêu mẫu nhí

2.JPG
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin/Bộ TTTT.

Lợi dụng các sự kiện lớn sắp diễn ra hoặc thời gian nghỉ lễ của trẻ nhỏ, các đối tượng tạo lập những trang mạng xã hội đăng thông tin tuyển người mẫu, ca sĩ, cầu thủ nhí hoặc tuyển đại diện cho nhiều thương hiệu lớn để quảng bá sản phẩm.

Sau khi người dân đăng ký tham gia, đối tượng sẽ thu thập thông tin cá nhân của người dân và gia đình. Các đối tượng tiếp tục hướng dẫn người dân vào trang web của chương trình để làm nhiệm vụ tăng tương tác, tăng lượt bình chọn, sau đó yêu cầu chuyển tiền để hoàn thành nhiệm vụ, nhận lại tiền sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Cùng với đó, người dân được mời vào các nhóm kín trên mạng xã hội, trong đó có nhiều tài khoản "vào vai" các phụ huynh khác để thúc giục nạn nhân chuyển tiền hoàn thành nhiệm vụ.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân cần tuyệt đối cẩn trọng trước các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Tìm hiểu kỹ về các công ty, trung tâm trước khi đăng ký tham gia các chương trình qua mạng xã hội. Chỉ chọn các công ty, trung tâm có uy tín, đã kiểm tra, xác thực chính xác thông tin bằng cách liên hệ hotline của các đơn vị đăng tải trên trang web chính thống.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của bản thân và người thân trên các trang web, trang mạng xã hội khi chưa xác định chính xác mức độ uy tín. Cảnh giác trước khi chuyển tiền phí tham dự chương trình, nếu có thể hãy đến trực tiếp văn phòng của Công ty/Trung tâm để làm việc; không thực hiện các giao dịch chuyển tiền để làm nhiệm vụ online.

'Bẫy' làm cộng tác viên online

3.jpg
Nguồn ảnh: Cục An toàn thông tin/Bộ TTTT.

Công an phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội nhận được đơn trình báo của chị L. quê ở Thanh Hóa về việc bị lừa hơn 300 triệu đồng khi làm cộng tác viên online cho một công ty thẩm mỹ viện.

Với quảng cáo việc nhẹ lương cao, chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể kiếm tiền, nhiều nạn nhân bị sập bẫy bởi chiêu trò làm cộng tác viên online để nhận hoa hồng. Mới đây, Công an quận Đống Đa, Hà Nội thông tin, đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn như trên.

Ngày 30/6, Công an phường Khương Thượng, quận Đống Đa nhận được đơn trình báo của chị L. (SN 2000, quê tỉnh Thanh Hoá) về việc bị lừa hơn 300 triệu đồng khi làm cộng tác viên online cho một công ty thẩm mỹ viện.

Chị L. cho biết có nhận được đường link làm nhiệm vụ sẽ được hưởng hoa hồng của công ty. Với lời mời chào hấp dẫn, chị L. đã chuyển 330 triệu đồng nhưng không rút được tiền. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Qua vụ việc trên, Cục An toàn thông tin cảnh báo người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đây không phải thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy chiêu trò này.

Khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xưởng Bao Bì Giấy inbaobigiay.vn