1. Học cách ăn
Ông bà ta dạy chưa sai bao giờ: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, thứ đầu tiên hình thành lễ nghi, tính cách của một con người có lẽ là qua cách họ “học ăn” khi còn nhỏ. Và trên bàn ăn lại có rất nhiều thứ để dạy một đứa trẻ
Thứ nhất, dạy con phải biết mời mọi người trước khi ăn. Trong gia đình thường có ông bà, bố mẹ, anh chị em…vVì vậy việc dạy con trước khi ăn phải biết mời mọi người là một phép tắc, lễ nghĩa cơ bản, nó cũng giống như việc đi thưa về gửi vậy.
Thứ hai, dạy con không được chê đồ ăn. Việc chê đồ ăn không ngon ngoài việc khiến người nấu cảm thấy không vui mà còn khiến bữa ăn trở nên nặng nề hơn. Nếu bạn không dạy con điều này từ sớm, thì lớn lên con sẽ tự cho mình quyền chê bai và coi nhẹ công sức lao động của người khác. Điều này tác động xấu đến sự phát triển nhân cách của trẻ.
Thứ ba, không dành quá nhiều sự ưu tiên cho con. Có lẽ rất nhiều gia đình rất cưng chiều con cái: Mâm cơm vừa chuẩn bị xong, đồ ăn ngon nhất sẽ lấy cho con ăn trước, phần thịt cá ngon nhất cũng để dành cho con mà không ai được ăn… Đó là cách chúng ta biểu hiện tình yêu thương con trẻ: muốn dành những gì tốt nhất cho con và mong con cảm nhận được điều đó. Tuy nhiên, cách thể hiện tình yêu như vậy chưa thực sự đúng đắn bởi vì nếu điều này diễn ra quá thường xuyên, chúng sẽ hình thành suy nghĩ đó là “điều đương nhiên” và không trân trọng những gì bạn đã dành cho chúng. Cách giáo dục đó sẽ làm chúng không biết cảm ơn và từ đó việc hiếu kính cha mẹ trở nên xa vời.
2. Học cách chịu thiệt
Mọi người thường nói “chịu thiệt là phúc”. Chịu thiệt không phải là nhu nhược, hèn nhát mà chính là bao dung đối với sai lầm của người khác, là biết buông bỏ lợi ích trước mắt để sống cởi mở và rộng lượng hơn, đạt được những giá trị lớn lao hơn. Có đôi khi, việc nhỏ không thể nhẫn nhịn sẽ làm hỏng việc lớn; không chịu được cái thiệt nhỏ sẽ phải chịu cái thiệt lớn.
Cha mẹ nên dạy con cách chịu thiệt, biết nghĩ cho người khác để trẻ không mắc phải lòng đố kỵ, sân si sau này. (Ảnh minh họa) |
Đây là điều không hề dễ dàng với các bậc làm cha, làm mẹ bởi theo lẽ tự nhiên, mọi bậc cha mẹ trên đời đều muốn con được vui vẻ và hạnh phúc nhất, không phải chịu thiệt thòi bất cứ điều gì. Nhưng, nếu không dạy con chịu thiệt mà ngược lại luôn sân si, hơn thua từng việc nhỏ thì lớn lên trẻ sẽ mang trong mình nhiều lòng đố kỵ, khó mà thành công được. Không một người thành công nào mà lại thiếu đi đức tính bao dung và quảng đại.
3. Học cách chịu khổ
Đôi khi, tình yêu thương của cha mẹ lại tạo ra một sự trớ trêu: đào tạo ra “những đứa trẻ 30 tuổi”. Vì quá yêu con nên không nỡ để con làm việc nhà, không để con tự lo cho bản thân và cuối cùng khi trưởng thành chúng vẫn không thể tự tay dọn dẹp nhà cửa, nấu một bữa ăn đơn giản hay chịu trách nhiệm về bất cứ quyết định nào của mình. Nhưng có một thực tế là, nếu cha mẹ không để con chịu khổ ngay từ nhỏ, thì thế giới tương lai sẽ làm chúng càng khổ hơn.
Ngay từ nhỏ, hãy dạy trẻ làm việc nhà để có thể hình thành tính tự lập sau này. (Ảnh minh họa_ |
Rất nhiều sinh viên đại học thời gian đầu phải sống xa gia đình, phải tự chăm lo cho bản thân và học cách chi tiêu cho hợp lý nên không tránh khỏi cảm giác rối bời, bế tắc và lạc lõng, không biết phải xoay xở ra sao.
Đây há chẳng phải là một hệ quả của câu nói: “Chỉ cần con chăm chỉ học hành, không cần lo những việc bên ngoài?”. Vậy nên, thay vì bảo bọc con trong vòng tay an toàn, cha mẹ nên dạy con cách chịu khổ một chút để sau này con mới có đủ sức chống chọi với thể giới bên ngoài còn khắc nghiệt hơn gấp ngàn lần.