Không ăn các bộ phận có độc
Trứng cá, ruột cá, mật cá là bộ phận dễ bị nhiễm các loại độc tố và vi sinh vật sống dưới nước hoặc ký sinh trùng như trứng sán, trứng giun và giun xoắn. Do đó, nếu ăn ruột cá phải rửa thật sạch bằng muối, nấu chín, tránh nguy cơ mắc bệnh ký sinh trùng.
Mật cá cung cấp các men, enzyme song cũng chứa rất nhiều độc tố như tetrodotoxin, tác hại lên hệ thần kinh gây mệt mỏi, suy hô hấp, rối loạn hành vi.
Ăn mật cá có thể bị trúng độc, sốc nhiễm khuẩn, chảy máu cấp thậm chí tử vong. Lưu ý khi chế biến nên tránh làm vỡ mật cá, tránh để dịch mật cá bắn vào mắt.
Cá nuôi càng lâu thì hàm lượng kim loại nặng trong não càng cao. Nếu ăn não cá, rất có thể bị ngộ độc.
Các bộ phận trên mình cá có hàm lượng thủy ngân cao được xếp theo thứ tự sau: Đầu cá, da cá, thịt cá, trứng cá. Vì vậy những người thích ăn đầu cá cần ghi nhớ, cá càng lớn tuổi thì không nên ăn để tránh bị ngộ độc.
Không ăn cá chưa chế biến kĩ
Không ít người rất thích thú với món gỏi cá, họ cho rằng gỏi cá sống tươi ngon. Nhưng thực tế thì món gỏi cá sống rất dễ nhiễm bệnh sán lá gan, thậm chí dẫn đến ung thư gan.
Bệnh sán lá gan là loại bệnh về kí sinh trùng, ảnh hưởng trực tiếp đến gan. Phần lớn người bệnh nhiễm bệnh sau khi ăn thủy sản có chứa ấu trùng sán lá gan, đặc biệt là ăn đồ sống hoặc một số cá, tôm, ốc…nước ngọt có tỷ lệ bị nhiễm sán lá gan cao.
Nhiều người cho rằng khi ăn gỏi cá nhúng qua chanh, dấm và mù tạt…là có thể diệt được kí sinh trùng và vi khuẩn trong đó. Nhưng thực ra, các gia vị như xì dầu, dấm, mù tạt, rượu…đều không dễ tiêu diệt chúng.
Ngay cả khi thả miếng cá sống vào nước nóng, nếu thời gian nấu không đủ cũng rất khó để diệt được ấu trùng sán lá gan. Vì thế tốt nhất càng ít ăn gỏi cá sống càng tốt.
Không ăn cá chết, ươn
Người dân quanh ao, hồ thường nhặt hoặc vớt cá chết để làm thức ăn bất chấp thực tế rằng cá chết là nguyên nhân gây suy yếu hệ miễn dịch, khiến vi khuẩn tự do phát triển.
Bác sĩ Trần Văn Ký, chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn Thực phẩm Việt Nam, cho biết thịt cá chết khi phân hủy sẽ sinh ra các độc tố.
Người ăn phải loại cá ngày có thể bị ngộ độc cấp tính như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy...
Theo tiến sĩ Đàm Sao Mai, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, quá trình cá bị phân hủy tạo thành các axit hữu cơ gây mùi hôi và làm biến đổi màu sắc, thành phần đạm histidin.
Chất đạm này chuyển hóa tạo thành axit amin độc có tên là histamin. Khi vi khuẩn sinh sôi nhiều, lượng histamin cũng tăng theo và tích lũy trong thịt hải sản. Histamin rất nguy hiểm vì chịu được nhiệt, vẫn có thể gây ngộ độc dù đã được nấu chín.