Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức cuộc họp với Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ), UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan xung quanh việc Hà Nội ban hành quy định “không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” gây ồn ào dư luận suốt tuần qua.
Đáng chú ý, thông tin được lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương cung cấp cho thấy, Thanh tra Chính phủ đã quyết định ban hành Nội quy Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, trong đó quy định không được tự ý quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, cán bộ tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp dân.
Đến nay có khoảng 26 địa phương đã “học tập”, ban hành quy định tương tự. Gần đây nhất, UBND TP Hà Nội đã áp dụng ban hành quy định về việc này.
Trụ sở tiếp công dân TP Hà Nội
Trao đổi với PV Dân trí tối 14/1, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương cho biết, hầu hết các địa phương trên đã ban hành quy định trước khi có Luật Tiếp công dân; sau khi luật ra đời tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung thêm.
“Điều quan trọng nhất vẫn là thái độ của cán bộ công chức khi làm việc với người dân. Qua tiếp xúc, người dân nhận thấy cán bộ cư xử đúng mực sẽ cảm thấy việc ghi âm, ghi hình là không cần thiết”- ông Điệp nói.
Được mời tham gia góp ý tại cuộc họp trên, TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, mặc dù Bộ Tư pháp đang giải quyết theo quy trình khi xem xét về tính pháp lý của Quyết định số 12/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội nhưng cần phải khẩn trương để phù hợp với quy chuẩn chung.
Trước việc có khoảng 26 tỉnh, thành trên cả nước đang áp dụng quy định “xin phép” ghi hình cán bộ tiếp dân, TS Lê Hồng Sơn vẫn bảo lưu những quan điểm đã nêu ra trước đó: Chủ tịch UBND TP Hà Nội không đủ thẩm quyền quyết định vấn đề “ghi âm, ghi hình phải xin phép”.
Trong đó, bản chất của Quyết định số 12 là văn bản hành chính cá biệt nên việc đưa quy phạm pháp luật vào là vi hiến và trái luật.
“Nếu các tỉnh thành, cơ quan vẫn muốn giữ nội dung này thì cần phải đưa ra Quốc hội quyết định, để bổ sung vào Luật Tiếp công dân. Trên 50% đại biểu Quốc hội đồng ý thì mới được ban hành trong phạm vi toàn quốc”- ông Sơn nói.
TS Lê Hồng Sơn đề nghị lập tức đình chỉ thi hành đối với các quyết định có nội quy “ghi âm, ghi hình phải xin phép”; đồng thời đảm bảo cơ sở vật chất cần thiết phục vụ việc ghi âm, ghi hình tại các Trụ sở Tiếp công dân.
“Khi đó, cán bộ sẽ thông báo cho người dân biết toàn bộ quá trình làm việc sẽ được ghi nhận lại, nếu muốn thì lãnh đạo có thẩm quyền sẽ trích xuất, cung cấp. Nếu người dân không tin tưởng vào việc ghi âm, ghi hình của cơ quan nhà nước thì cán bộ tiếp dân phải tạo điều kiện thuận lợi để quyền công dân được đảm bảo. Đồng thời, người phụ trách trụ sở có trách nhiệm giữ gìn trật tự, trị an, bao gồm cả việc chống kích động, xuyên tạc”- TS Lê Hồng Sơn nêu quan điểm.
Theo nguồn tin của PV Dân trí, trước nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau tại cuộc họp nêu trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đang soạn thảo văn bản để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định vấn đề pháp lý gây tranh cãi này.