250 giải thưởng quốc tế của một trường không chuyên

GD&TĐ - 250 giải thưởng quốc tế với 52 huy chương vàng là kết quả vô cùng ấn tượng mà HS một trường THCS không chuyên ở Hà Nội đạt được trong 6 năm. Những tấm huy chương chỉ là kết quả dễ thấy nhất từ nỗ lực tiên phong trong việc tạo cơ hội cho HS được hội nhập với giáo dục khu vực và quốc tế của các thầy cô giáo ở ngôi trường này.

Học sinh Trường THCS Giảng Võ luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế
Học sinh Trường THCS Giảng Võ luôn đạt thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế

Hành trình tìm kiếm sân chơi Toán - Khoa học quốc tế

Các thầy cô Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) nhớ như in dấu mốc tháng 7/2014, khi hội Toán học của một số nước ở Đông Nam châu Á gửi giấy mời tham gia thi Olympiad Toán - Khoa học quốc tế (IMSO) 2014 tại Indonesia.

Trước đó, chưa trường nào của Việt Nam tham gia sân chơi này. Lần đầu ra quân, trong khi thời gian chỉ 8 tuần, nhưng nhận thấy đây là cơ hội tuyệt vời cho các học trò, thầy hiệu trưởng Đoàn Công Thạo lên quyết tâm: dù khó khăn đến mấy cũng làm!

Thế là một khối lượng công việc lớn được cả tập thể nhanh chóng cùng dồn tâm sức: Gửi công văn báo cáo xin phép Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà nội, UBND Ba Đình, Phòng GD&ĐT Ba Đình; tổ chức tuyển chọn HS, lên kế hoạch bồi dưỡng; thành lập tổ công tác gồm các giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm; tìm hiểu về cuộc thi vì không chỉ đề thi ra bằng tiếng Anh, HS làm bài bằng tiếng Anh mà cấu trúc đề cũng rất mới lạ so với các cuộc thi khác.

Thầy Đoàn Công Thạo nhớ lại thời gian toàn bộ tổ công tác nỗ lực cùng vào cuộc. Trong Ban Giám hiệu, cô Hoàng Kim Uyên - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhóm Khoa học, thầy Vi Mạnh Tường - Phó Hiệu trưởng phụ trách môn Toán; các giáo viên lãnh đội và 12 HS, được tuyển chọn từ những HS xuất sắc của khối 6, 7 dốc sức cho cuộc thi.

Ban Giám hiệu cử giáo viên tiếng Anh dạy kèm, cùng thầy cô lãnh đội, thầy Phó hiệu trưởng Vi Mạnh Tường “đổ bê tông” kiến thức nền môn Toán, thầy Trịnh Hoài Dương dạy môn Toán bằng tiếng Anh cho HS; kết hợp với cha mẹ HS mời thầy cô nhiều kinh nghiệm từ trường bạn bồi dưỡng thêm. Đặc biệt, HS còn được 1 phụ huynh của trường tham gia bồi dưỡng kiến thức các môn khoa học bằng Tiếng Anh.

Thời gian, công sức không hề nhỏ bởi ngoài giáo trình trong nước, thầy cô còn tự lên mạng mày mò, tìm kiếm tư liệu các môn khoa học bằng tiếng Anh của Singapore, Malaysia, đề thi IMSO những năm trước rồi biên soạn lại để tập huấn cho HS, giáo viên tiếng Anh kết hợp với giáo viên các bộ môn khác vừa dịch vừa biên soạn nội dung dạy và đề thi.

“Tại IMSO, phần thi thực hành luôn được chú trọng và chấm điểm cao. Trong hoàn cảnh phòng thí nghiệm của trường THCS Giảng Võ chưa đủ hiện đại, thầy trò phải mượn khu thực hành của các trường quốc tế. Cứ một buổi học tại trường, buổi còn lại, đội tuyển và cô Đặng Thị Thuỳ Nga – người trực tiếp huấn luyện đội Khoa học - lại “lăn như bống” hết học lý thuyết lại thí nghiệm… Mệt nhưng ai cũng say” - cô Phó hiệu trưởng Hoàng Kim Uyên nhớ lại.

Tháng 8/2014, khi chỉ cách thời điểm diễn ra kỳ thi IMSO đúng 2 tháng - trường THCS Giảng Võ được Sở GD&ĐT Hà Nội “giao trọng trách” đại diện cho Việt Nam, cử HS “đem chuông đi đấm xứ người”.

Chúng tôi là người Việt Nam!

Trong số 11 nước tham dự IMSO 2014, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Nam Phi, Ấn Độ… là đối thủ mạnh do nền giáo dục phát triển và khả năng sử dụng tiếng Anh. Tuy vậy, 12 HS Việt Nam vẫn rất tự tin trong các phần thi.

Trong hướng dẫn gửi các nước, môn Khoa học không bao gồm Hóa học, nhưng phần thi thực hành lại xuất hiện môn học này. Môn này HS Việt Nam cũng chưa được học ở lớp 7 - một sự khác biệt về cấu trúc chương trình giữa các nước - mà theo BTC thì chúng ta phải chấp nhận “chịu thiệt”.

Nhưng thật bất ngờ, tất cả HS tham gia đội tuyển Khoa học đều bình tĩnh, đủ bản lĩnh, biết linh hoạt áp dụng kiến thức để hoàn thành tốt bài thực hành.

Điều khiến HS Giảng Võ tham gia IMSO năm đó ấn tượng là đề thi rất thú vị và mang tính thực tiễn cao. Chẳng hạn, từ lý thuyết về độ dài của sải cánh với tốc độ máy bay, thí sinh phải tìm ra loài chim nào bay nhanh nhất… Trong môn Khoa học, thí sinh tự tay làm thí nghiệm với 9 loại nước quả để tìm loại nhiều vitamin C nhất và tính toán lượng nước quả cần uống mỗi ngày để cơ thể có đủ vitamin C.

Đề thi cũng đề cập tới vấn đề thời sự nóng hổi như dịch bệnh Ebola, ô nhiễm môi trường. Có một câu hỏi về tác nhân gây bệnh Ebola, không chỉ khó mà BTC còn “bẫy” bằng thuật ngữ tiếng Anh, nhưng 6/6 HS dự thi Khoa học của Việt Nam đều giành điểm.

Không chỉ là thi kiến thức, thầy trò trong đội tuyển khi ấy tâm niệm phải tạo dấu ấn Việt Nam thật đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Đó là lý do vì sao, trong đêm giao lưu văn hóa, 12 thí sinh đã chọn trình diễn điệu múa Trống cơm và được BTC đánh giá là đậm chất dân tộc nhất.

Đoàn cũng mang tới clip về dải đất hình chữ S - dù chỉ dài 1,5 phút nhưng giới thiệu được hết danh lam thắng cảnh tiêu biểu Bắc, Nam. 12 HS trong đoàn đều biết chơi ít nhất một loại nhạc cụ, biết chơi thể thao, đặc biệt bơi giỏi nên có thể giao lưu, thể hiện tài năng với HS nước bạn.

Lần đầu tiên ấy, 6/6 HS đội tuyển Toán giành 3 huy chương Bạc, 3 huy chương Đồng; 4/6 HS đội tuyển Khoa học giành huy chương đồng. Thành công đó là động lực để nhà trường tự tin đề nghị được tham gia IMSO 2015; đồng thời tiếp tục tìm kiếm thêm các kỳ thi cấp quốc tế trong ngoài nước với kế hoạch dài hơi, bài bản hơn.

Năm học 2015-2016, HS Giảng Võ tham gia IMSO 2015 và cả 12 HS đều giành huy chương (2 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ). Tiếp đó, kỳ thi “Vô địch toán quốc tế đồng đội” tại Trung quốc, cả 8 HS đều giành huy chương với 4 HCB, 4 HCĐ. Cũng năm học này, trường cho HS tham gia các kỳ thi Toán quốc tế tổ chức trong nước dưới sự chỉ đạo của BTC quốc tế (TOT, AMC8. MYTS...) và đạt kết quả đáng tự hào là 108 huy chương.

Năm học 2016 - 2017, có thêm kinh nghiệm, các kỳ thi được mở rộng thêm, tăng mạnh về số lượng và chất lượng giải, cụ thể: Kỳ thi WMTC 2016 có 9 HS tham gia thi tại Hàn Quốc, giành được 6 HCV, 3 HCB; Kỳ thi CFM tại Thái Lan giành 2 HCB, 4 HCĐ; các kỳ thi quốc tế trong nước như ITOT, AMC8, MYTS, IMAS, IKMC, AIMO, SAMO, SMO…, toàn trường giành 111 huy chương vàng, bạc, đồng.

Năm học này, tính đến đầu tháng 12/2017, đoàn gồm 8 HS Trường THCS Giảng Võ đã tham gia kỳ thi WMTC 2017 tại Thái Lan và xuất sắc giành 100% HCV, trong đó HS Bùi Gia Bảo lớp 9A1 là thủ khoa kỳ thi khối THCS.

Thành quả không chỉ ở những tấm huy chương

Tiên phong trong tạo cơ hội cho HS hội nhập với giáo dục các nước trong khu vực, quốc tế, từ thành công của HS Giảng Võ, nhiều trường tại Hà Nội và các tổ chức giáo dục trong nước đã quan tâm, chú trọng tới sân chơi này. Tinh thần các cuộc thi lan tỏa không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp toàn quốc.

Nhưng niềm tự hào của thầy cô Giảng võ không phải ở những tấm huy chương mà chính là sự thành công của học trò. Hầu hết HS sau khi được tham gia các kỳ thi quốc tế đều rất tiến bộ trưởng thành trong nhiều lĩnh vực. Những HS này sau khi học hết lớp 9 tại trường đều đỗ vào các trường THPT chuyên hoặc giành học bổng đi du học nước ngoài.

Việc tham dự các kỳ thi cũng góp phần không nhỏ nâng cao nhận thức, trình độ của cán bộ, giáo viên. Thầy cô được giao nhiệm vụ dẫn đội cũng trưởng thành về nhiều mặt. Đây cũng chính là một cách bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và hội nhập quốc tế của giáo viên, HS nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.