(GD&TĐ)-Lễ Khai ấn đền Trần năm Tân Mão 2011 sẽ chính thức diễn ra vào hồi 22h30 đêm 14 tháng Giêng Âm lịch, tức đêm 16/2 tại Đền Trần, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.
Đêm khai ấn đền Trần năm 2010 |
Khai ấn là nghi thức nhắc nhở kết thúc nghỉ Tết, mở màn cho một năm làm việc mới của bộ máy chính quyền thời Trần. Các vua thời Trần mở lễ khai ấn đầu năm để thưởng công, phong tước… Hàng năm, du khách từ khắp mọi tỉnh thành đổ về Đền Trần mong xin được “ấn tín Vua ban” để cầu cho một năm an lành, may mắn, hạnh phúc. Nhiều người quan niệm có được “ấn tin Vua ban” sẽ thuận đường công danh, sự nghiệp trong cả năm. |
Theo kế hoạch, từ 22h - 22h30, lễ rước ấn bắt đầu từ nội cung đền Cố Trạch sang sân đền Thiên Trường theo nghi lễ truyền thống. Lễ khai mạc sẽ chính thức được tổ chức vào hồi 22h30. Từ 23h30 trở đi, nhà đền sẽ phát ấn cho khách thập phương tại ba điểm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, nhà trưng bày và dãy nhà phía trước đền Trùng Hoa. Ban tổ chức đã cho lắp đặt tổng cộng 75 kios phát ấn thay vì chỉ hai bàn phát ấn như các năm trước. Năm 2011, nhà đền sẽ chỉ phát hành một loại ấn vải và hoàn toàn miễn phí.
Để đảm bảo an ninh-trật tự, tỉnh Nam Định sẽ huy động gần 2.000 người thuộc các lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ, dân phòng, được bố trí thành 5 vòng để giữ gìn an ninh trật tự trước, trong và sau Lễ khai ấn.
Ngoài việc huy động thêm các địa điểm của các tổ chức cá nhân nằm gần khu vực di tích, sẽ có thêm hai bãi xe với tổng diện tích 5,8ha với sức chứa khoảng 3.000 ôtô, góp phần giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông như các năm trước.
Lực lượng công an, BCH quân sự thành phố cũng đã được yêu cầu xây dựng và thực hiện các kế hoạch, phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi trộm cắp, móc túi, sản xuất và phát hành ấn giả, thu tiền trông coi phương tiện trái phép...
Tỉnh Thái Bình cũng tổ chức lễ hội đền Trần tại nơi phát tích của nhà Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà từ ngày 15 đến 17-2 (13 đến 15 tháng Giêng). Lễ hội gồm một số nội dung chủ yếu như: Lễ rước chân nhang từ đền ra bến sông, lễ rước nước cùng chương trình văn hóa, nghệ thuật dân gian hấp dẫn như: Thi hát chầu văn, thi ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ quần chúng, múa rồng, lân, sư tử, thi gói bánh chưng, cỗ cá, thả diều sáo… Chương trình khai mạc lễ hội diễn ra vào tối 15-2 (13 tháng Giêng) với màn sử thi mang chủ đề "Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần". BTC lễ hội sẽ tổ chức dâng hương và ban phúc ấn sau khi lễ khai mạc kết thúc. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho lễ hội cũng đã được tỉnh Thái Bình chuẩn bị chu đáo.
Đến với Lễ khai ấn đền Trần, du khách ai cũng mong muốn nhận được sự ban phát tài lộc, may mắn và thành đạt trong cuộc sống. Với tâm nguyện thành kính và lòng tin vào một phong tục đẹp, mỗi người khi nhận được ấn của triều Trần đất Thiên Trường đều cảm thấy mang trong mình chút hồn thiêng sông núi, hào khí Đông A.
Nguyên Phương